Theo Trưởng Ban trọng tài Dương Văn Hiền, trọng tài chính Ngô Duy Lân đã bỏ qua tình huống phạm lỗi của trung vệ Đỗ Duy Mạnh trong vòng cấm khi đạp trúng chân tiền đạo Bruno Henrique ở phút 33 trong trận đấu trên sân Hàng Đẫy giữa chủ nhà Hà Nội FC và Hoàng Anh Gia Lai tối 14/8. Thật khó có thể nói trọng tài chính không nhìn thấy bởi pha bóng diễn ra ngay trước mặt, với khoảng cách chỉ vài mét nhưng ông Ngô Duy Lân vẫn có lý do để bao biện rằng, vì hai cầu thủ cùng đi giày trắng, tình huống lại diễn ra quá nhanh nên đã không theo kịp.
Người trong nghề có lẽ không lạ gì chuyện các trọng tài thường nương tay, thổi có lợi cho đội chủ nhà. Trung vệ Duy Mạnh của đội chủ nhà trước đó đã phải nhận 1 thẻ vàng nên không phải trọng tài nào cũng có đủ bản lĩnh để thổi phạt 11m, theo luật sẽ nhận thêm thẻ vàng thứ 2, bị truất quyền thi đấu. Thế mới có chuyện “áo em trắng quá nhìn không ra” chứ chưa chắc, trọng tài FIFA “cứng cựa” như Ngô Duy Lân lại mờ mắt không nhìn thấy.
Sai sót của trọng tài là một phần của bóng đá, không chỉ ở V.League mà nhiều giải đấu lớn trên thế giới cũng vẫn thường xảy ra. Tất nhiên, trọng tài mắc sai sót sẽ bị xử lý, nhưng dù án phạt như thế nào cũng không thể thay đổi kết quả trận đấu. Chịu thiệt thòi nhất đương nhiên vẫn là các đội bóng bị thua oan bởi tiếng còi không chính xác của các vị vua sân cỏ và những bức xúc không được giải tỏa sẽ dẫn đến phản ứng inh ỏi và ầm ĩ. Đã có rất nhiều cảnh báo được đưa ra khi V.League 2022 bước vào chặng đua nước rút cuối lượt đi và sau các sự cố liên tiếp, liên quan tới các quyết định của trọng tài thì… VAR lại được nhắc đến.
Trưởng Ban trọng tài Dương Văn Hiền nói như đúng rồi khi tiếp tục đề xuất sử dụng… VAR, dù biết chắc là chưa thể và còn lâu mới có thể. "Chúng tôi đã vài lần đề xuất với Ban Tổ chức về việc sử dụng công nghệ VAR nhưng chưa có”. Thực tế không dễ để đạt đến đẳng cấp… VAR bởi chi phí đầu tư thiết bị và vận hành quá cao. Theo tính toán, mỗi trận đấu áp dụng công nghệ VAR sẽ “xơi” đến cả chục tỷ đồng. Giàu như Thai League với tiền bản quyền truyền hình thu về cả ngàn tỷ đồng mỗi mùa bóng còn không chịu nổi thì V.League “nước nôi” gì khi chỉ mót được hơn chục tỷ mỗi mùa giải. Tại Vòng loại thứ ba World Cup 2022, Liên đoàn Bóng đá châu Á (AFC) cũng đã phải bỏ ra gần 17 tỷ đồng để có thể triển khai công nghệ VAR ở các trận đấu trên sân Mỹ Đình.
Chi phí lớn, nhưng điều quan trọng nhất vẫn là yếu tố con người, mà ở V.League mới chỉ nhõn trọng tài Trần Đình Thịnh dám mon men dùng thử VAR theo kiểu rất khó đỡ và gây ầm ĩ khi “bẻ còi” sau khi xem lại tình huống trên màn hình lớn lắp đặt trên trên sân Lạch Tray. Ngay sau đó, Ban Tổ chức đã phải cấm tiệt việc sân Lạch Tray phát trực tiếp trận đấu trên màn hình lớn, có thể gây ảnh hưởng và làm khó thêm các trọng tài khi đưa ra quyết định. Nói trắng ra là V.League vẫn chưa có đủ nguồn lực để mơ đến VAR, dù Công ty bóng đá chuyên nghiệp (VPF) cũng đã từng nghĩ đến việc áp dụng công nghệ hỗ trợ trọng tài ở một số trận đấu quan trọng từ mùa giải 2019.
Tất nhiên, VAR có thể giúp các trọng tài giảm thiểu những sai sót và đưa ra các quyết định chính xác hơn, nhưng ở V.League các câu lạc bộ phản ứng với trọng tài vì chuyên môn thì ít mà chủ yếu là do thiếu niềm tin nên nhìn đâu cũng thấy lỗi, thổi kiểu gì cũng thấy méo mó. Cứ sau mỗi vụ việc ồn ào, Ban Trọng tài lại lên tiếng nhắc nhở, cảnh báo, xử phạt, rút kinh nghiệm hoài nhưng công tác trọng tài vẫn không được cải thiện, thậm chí tỷ lệ các trọng tài mắc sai sót sau mỗi vòng đấu luôn ở mức cao và ngay cả những trọng tài có đẳng cấp FIFA cũng hay mắc sai lầm rất khó chấp nhận dù “xuân thu nhị kỳ” các trọng tài vẫn được tập huấn đều.
V.League 2022 sắp khóa sổ lượt đi và cuộc đua chỉ thực sự “nóng” ở giai đoạn cuối mùa giải với những trận đấu sống còn, quyết định số phận các đội bóng và trọng tài vẫn tiếp tục là nỗi lo thường trực.