Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành sự cần thiết sửa đổi Luật Phòng, chống bạo lực gia đình

Tại phiên họp thứ 10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi). Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường đã ký văn bản số 900 /TB-TTKQH thông báo kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về nội dung này.

10-pc-1650547781.jpg

Phiên thảo luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi).

Văn bản nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành về sự cần thiết sửa đổi Luật Phòng, chống bạo lực gia đình nhằm thể chế quan điểm, chủ trương, chính sách được thể hiện trong Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII về quản lý phát triển xã hội có hiệu quả, nghiêm minh, bảo đảm an ninh xã hội, an ninh con người, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội và Chỉ thị số 06-CT/TW ngày 24/6/2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác xây dựng gia đình trong tình hình mới; đáp ứng yêu cầu phát sinh trong thực tiễn và khắc phục những bất cập trong các quy định của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình hiện hành; đánh giá cao sự chủ động của Ủy ban Xã hội, sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan chủ trì thẩm tra với Cơ quan soạn thảo, các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các bộ, ngành liên quan để hoàn chỉnh dự án Luật trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến.

Đồng thời, Ủy ban Thường vụ Quốc hội lưu ý việc sửa đổi Luật phải bảo đảm thể chế quan điểm, chủ trương, chính sách được thể hiện trong Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII và các nghị quyết của Đảng về xây dựng gia đình trong tình hình mới, tiếp tục bám sát phương pháp tiếp cận quyền con người, bảo đảm quyền con người.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị tiếp tục đánh giá đầy đủ từng vấn đề, những hạn chế thuộc quy định của Luật hay do tổ chức thực hiện để sửa đổi cho trúng, cho đúng; rà soát, làm rõ hơn ba nhóm nội dung chính sửa đổi để bảo đảm phải tiến bộ hơn và góp phần gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của gia đình, dân tộc, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Đồng thời phải bảo đảm tính khả thi cao của các quy định, kịp thời bảo vệ người bị bạo lực gia đình và người tham gia phòng, chống bạo lực gia đình.

Về phạm vi sửa đổi, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát để bảo đảm bao quát được hết các nội dung sửa đổi, khắc phục được những hạn chế, vướng mắc của các quy định pháp luật, phù hợp với công tác phòng, chống bạo lực gia đình trong tình hình mới; nghiên cứu bổ sung phạm vi áp dụng đối với những người sống chung với nhau; nghiên cứu bổ sung, làm rõ một số khái niệm như bạo lực gia đình trên cơ sở giới…; nghiên cứu bổ sung, cụ thể hóa các hành vi bạo lực gia đình để phù hợp với thực tiễn, đặc biệt là các hành vi bạo lực về tinh thần, tình dục, trong đó có tham khảo các kinh nghiệm quốc tế trong việc sửa đổi các quy định.

Cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu bổ sung quy định cụ thể về xã hội hóa trong công tác phòng, chống bạo lực gia đình và chính sách của Nhà nước để thu hút, tăng cường nguồn lực thực hiện công tác này.

Đồng thời, cần làm rõ trách nhiệm của cơ quan chủ trì và cơ quan phối hợp, cơ chế phối hợp liên ngành, các điều kiện bảo đảm cho hoạt động quản lý nhà nước về phòng, chống bạo lực gia đình. Quy định cụ thể trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân, đặc biệt là vai trò, trách nhiệm của Công an cấp xã trong công tác phòng, chống bạo lực gia đình. Cùng với đó, tiếp tục rà soát các quy định của dự thảo Luật để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật có liên quan.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao Ủy ban Xã hội thẩm tra dự án Luật sau khi Chính phủ hoàn thiện hồ sơ dự án Luật trình Quốc hội. Thường trực Ủy ban Xã hội chủ động phối hợp với các cơ quan có liên quan để tiếp thu đầy đủ, thấu đáo ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; tiếp tục tổ chức tọa đàm, hội thảo lấy ý kiến rộng rãi để bảo đảm trình Quốc hội dự án Luật có chất lượng. Đề nghị Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đặc biệt là Hội đồng tư vấn về văn hóa, xã hội tổ chức phản biện dự án Luật để có thêm nhiều ý kiến góp ý của các tổ chức chính trị xã hội, đoàn thể.

Đề nghị Chính phủ, Cơ quan soạn thảo nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ý kiến của cơ quan thẩm tra, các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội hoàn thiện Hồ sơ dự án Luật đảm bảo chất lượng khi trình ra Quốc hội tại kỳ họp thứ ba.

Thế Công