Buổi tập đầu tiên của U23 Việt Nam tại Jakarta diễn ra trên sân tập cách khách sạn khoảng 5km. Tuy nhiên, do tình trạng giao thông thường xuyên ùn tắc ở Thủ đô Indonesia, thầy trò huấn luyện viên Kim Sang-sik mất gần 50 phút mới đến được địa điểm tập luyện. Dù gặp chút bất tiện về di chuyển, toàn đội vẫn duy trì tinh thần tập luyện nghiêm túc, thể hiện quyết tâm cao độ hướng tới mục tiêu bảo vệ ngôi vương khu vực.
Thời tiết tại Jakarta hiện dao động từ 24 đến 32 độ C, khá dễ chịu và thuận lợi cho việc tập luyện. Để giúp các cầu thủ làm quen với điều kiện thời tiết và sân bãi tại Indonesia, huấn luyện viên Kim Sang-sik đã xây dựng giáo án nhẹ nhàng, tập trung vào các bài tập thả lỏng, thư giãn cơ bắp sau hành trình di chuyển dài từ Việt Nam.

Ở phần cuối buổi tập, chiến lược gia người Hàn Quốc bắt đầu rèn giũa thêm một số nội dung chiến thuật cơ bản như di chuyển đội hình, tổ chức tấn công và phòng ngự. Đây được xem là bước chuẩn bị nền tảng cho các buổi tập chuyên môn chuyên sâu hơn trong những ngày tới.
Theo kế hoạch, sáng ngày 15/7, lãnh đội Nguyễn Anh Tuấn cùng một số trợ lý sẽ tham dự cuộc họp kỹ thuật trước giải. Trong khi đó, huấn luyện viên trưởng Kim Sang-sik sẽ đại diện U23 Việt Nam tham dự buổi họp báo chính thức trước vòng bảng.
Tại vòng bảng Giải vô địch U23 Đông Nam Á 2025, U23 Việt Nam sẽ đối đầu U23 Lào trong trận ra quân ngày 19/7, trước khi chạm trán U23 Campuchia vào ngày 22/7. Với tư cách là đương kim vô địch, U23 Việt Nam đang nhận được nhiều kỳ vọng từ người hâm mộ về việc tiếp tục khẳng định vị thế tại sân chơi khu vực.

Dù sân chơi U23 Đông Nam Á còn non trẻ, đây là cơ hội để huấn luyện viên Kim Sang-sik đánh giá tiềm năng lứa U23 Việt Nam và tạo dựng tương lai cho đội tuyển quốc gia. Tính riêng trên bình diện U23, bóng đá Việt Nam là số 1 Đông Nam Á trong 8 năm qua, với những thành tích nổi trội như á quân U23 châu Á 2018, vô địch SEA Games 30 (2019) và 31 (2022), vô địch U23 Đông Nam Á 2022, 2023, lọt vào tứ kết U23 châu Á 2022 và 2024.
Tuy nhiên, thành tích không phải là thước đo duy nhất cho thành bại của bóng đá trẻ. U23 Việt Nam là nơi bồi dưỡng, mài giũa những “ngọc thô” tiềm năng để tích lũy kinh nghiệm, hướng tới mục tiêu tỏa sáng ở đội tuyển quốc gia. Thực tế, hiện chỉ có một cầu thủ nhóm tuổi này (Vĩ Hào) có suất đá chính ở tuyển Việt Nam tại AFF Cup 2024, trong khi nhiều cái tên như Văn Trường, Thái Sơn, Quốc Việt, Lý Đức, Văn Khang, Trung Kiên vẫn chưa thể cạnh tranh vị trí thực sự.
Từ năm 2015 đến nay, đây là giai đoạn mà nhân tố U23 Việt Nam mờ nhạt nhất ở đội tuyển quốc gia. Điều này đặt ra thách thức lớn cho mục tiêu dự Vòng loại thứ ba World Cup 2030 và Vòng chung kết World Cup 2034 theo định hướng phát triển bóng đá Việt Nam.

Nhìn vào lộ trình, đội tuyển Việt Nam sẽ đấu Vòng loại World Cup 2030 từ năm 2027 và Vòng loại World Cup 2034 từ 2031. Giai đoạn 2027-2031 cũng là thời kỳ đỉnh cao của lứa U23 hiện tại (chủ yếu sinh năm 2003, 2004). Để nuôi hy vọng World Cup, bóng đá Việt Nam cần chăm chút lứa U23 này, đồng thời bồi dưỡng thêm lứa kế cận U20, U17.
Sứ mệnh của U23 Việt Nam không nhất thiết phải là vô địch. Các lứa U23 vô địch Đông Nam Á 2022, 2023 hay vô địch SEA Games 31 (2022) đều chưa đóng góp nhiều cho đội tuyển quốc gia. Nhiệm vụ của lứa trẻ lúc này là tích lũy kinh nghiệm, trưởng thành để tiến gần hơn đến đẳng cấp đội tuyển quốc gia.
Không thể phủ nhận vai trò của giải U23 Đông Nam Á trong bối cảnh cầu thủ trẻ ngày càng “đói” sân chơi do áp lực thành tích lớn ở cấp câu lạc bộ và đội tuyển quốc gia. Một giải đấu, dù ngắn, cũng là cơ hội quý giá để các cầu thủ trẻ thi thố, cọ xát.

Các học trò của huấn luyện viên Kim Sang-sik, đặc biệt là các cầu thủ đang ở ranh giới đội tuyển như Trung Kiên, Lý Đức, Văn Trường, Thái Sơn… cần tận dụng từng trận đấu để chứng tỏ năng lực. Khi các đối thủ như Thái Lan, Malaysia, Indonesia đều đầu tư mạnh cho lứa trẻ, đây là sàn đấu đủ chất lượng để các nhân tố thực sự đẳng cấp phát lộ tiềm năng.