
Sáng 7/5, tại Hà Nội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức Lễ tổng kết và trao tặng Giải thưởng phát triển văn hoá đọc lần thứ VII. Thứ trưởng Phan Tâm dự buổi Lễ.
Báo cáo công tác xét tặng Giải thưởng, Phó Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở, Gia đình và Thư viện Nguyễn Thị Thu Hiền nhấn mạnh, Giải thưởng phát triển văn hóa đọc là giải thưởng uy tín, có ý nghĩa, được tổ chức hàng năm nhằm tôn vinh những đóng góp quý báu của các tổ chức, cá nhân đối với phát triển văn hóa đọc; góp phần xây dựng con người phát triển toàn diện, cải thiện môi trường đọc, nâng cao chất lượng hoạt động của thư viện, không gian văn hóa, các thiết chế có phục vụ đọc sách, đáp ứng nhu cầu đọc của nhân dân, lan tỏa giá trị đọc từ cộng đồng, hướng đến phát triển văn hóa đọc bền vững.
Việc xét tặng Giải thưởng đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch rà soát, nghiên cứu, sửa đổi quy chế với những tiêu chí mới gắn với bối cảnh phát triển không ngừng của công nghệ và xu thế chuyển đổi số, hướng tới hiệu quả thiết thực và sự phát triển bền vững của hoạt động phát triển văn hóa đọc, ưu tiên nhân tố mới tham gia các tiêu chí: có đóng góp cho phát triển văn hóa đọc tối thiểu 3 năm liên tục và chưa được xét tặng giải thưởng trong khoảng 3 năm tính đến năm đề nghị xét tặng; tổ chức được các mô hình hoạt động văn hóa đọc hiệu quả có sức lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng.
Đặc biệt, cá nhân đề nghị xét tặng giải thưởng phải có ít nhất 1 sáng kiến hoặc đề xuất mô hình, cách làm hay được triển khai áp dụng rộng rãi, có sức lan tỏa góp phần phát triển văn hóa đọc tại địa phương, bộ, ngành, cơ quan, đơn vị.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có văn bản hướng dẫn việc xét tặng Giải thưởng Phát triển Văn hóa đọc lần thứ VII gửi tới các bộ, ngành, địa phương từ tháng 11/2024, đến nay đã nhận được 118 hồ sơ của các tập thể, cá nhân đề nghị xét tặng, trong đó có 69 hồ sơ tập thể và 49 hồ sơ cá nhân.
Căn cứ vào Quy chế Giải thưởng phát triển văn hóa đọc và thành tích đạt được của các tập thể và cá nhân một cách nghiêm túc, công tâm, Hội đồng xét tặng Giải thưởng đã đề xuất trình Lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trao tặng Giải thưởng cho 20 tập thể và 15 cá nhân có thành tích xuất sắc trong hoạt động phát triển văn hóa đọc.
Phát biểu tại buổi Lễ, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Phan Tâm chúc mừng các tập thể và cá nhân đạt giải và cho biết, qua 6 năm tổ chức, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã vinh danh 151 tập thể, cá nhân trên toàn quốc có những đóng góp sáng tạo, tích cực và nổi bật cho phát triển văn hóa đọc.
Thông qua báo cáo công tác tổ chức, xét tặng giải thưởng, Thứ trưởng đánh giá, năm nay, số lượng hồ sơ đề xuất nhiều hơn so với các năm trước. Đây là tín hiệu đáng mừng, chứng tỏ sức lan toả, sự quan tâm, đón nhận của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài lĩnh vực thư viện đối với Giải thưởng.
Đặc biệt qua những chia sẻ của đại diện Thư viện Trường Trung học phổ thông Số 1, thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai và Thư viện Trung tâm Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Thứ trưởng bày tỏ sự xúc động trước tình cảm, sự tâm huyết với văn hóa đọc của các tập thể, cá nhân trong suốt chặng đường vừa qua.
"Phát triển văn hóa đọc không chỉ là công việc của ngành văn hóa hay của ngành thư viện. Đó là sứ mệnh chung của toàn xã hội và là nền móng cho quá trình xây dựng, phát triển con người Việt Nam toàn diện trong thời đại mới", Thứ trưởng nhấn mạnh.

Để thực hiện hiệu quả nhiệm vụ phát triển văn hóa đọc trong bối cảnh mới, Thứ trưởng đề nghị các thư viện, nhà trường, cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân cần tiếp tục tăng cường đổi mới cách thức, sáng tạo nhiều hơn nữa các mô hình hay, hấp dẫn để đưa sách lại gần hơn với công chúng thông qua các hoạt động tổ chức hội sách, triển lãm, giới thiệu sách, tặng sách, gia đình đọc sách, phục vụ đọc sách bằng xe tô tô lưu động và nhiều hoạt động thiết thực khác. Đồng thời tiếp tục đổi mới phương thức hoạt động theo hướng quản trị tri thức, quản trị dữ liệu, tổ chức các dịch vụ kết nối số đáp ứng nhu cầu tiếp cận, sử dụng thông tin của mọi người.
Đối với Giải thưởng phát triển văn hóa đọc, Thứ trưởng giao Cục Văn hóa cơ sở, Gia đình và Thư viện với vai trò là cơ quan thường trực, tập hợp các kiến nghị, đề xuất của các cơ quan, tổ chức, đơn vị để tham mưu ban hành các giải pháp tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho công tác phát triển văn hóa đọc; tiếp tục đề xuất chính sách, chỉ đạo hệ thống thư viện công lập, nhất là thư viện công cộng có giải pháp hỗ trợ, duy trì bền vững các mô hình thư viện cơ sở. Bên cạnh đó, tăng cường đổi mới công tác truyền thông nhằm lan tỏa ý nghĩa, giá trị của giải thưởng.