Tuần trước, Hội đồng Thành phố Los Angeles đã chính thức thông qua việc cập nhật sắc lệnh về Mức lương tối thiểu cho người lao động và mức lương sống trong ngành Khách sạn. Sắc lệnh này sẽ tác động trực tiếp đến các khách sạn có hơn 60 phòng và các công ty tư nhân tại Sân bay Quốc tế Los Angeles, bao gồm cả các hãng hàng không và các dịch vụ nhượng quyền. Theo đó, từ ngày 1/7/2028, mức lương theo giờ sẽ được nâng dần từ 20,32 USD (527.000 đồng) lên 30 USD (778.000 đồng), chưa kể khoản thanh toán chăm sóc sức khỏe bắt buộc là 8,35 USD (217.000 đồng) mỗi giờ. Sắc lệnh cũng quy định rõ ràng về yêu cầu đào tạo, nêu rõ rằng người sử dụng lao động phải cung cấp 6 giờ đào tạo có lương hằng năm cho mỗi nhân viên, bao gồm các chủ đề về an toàn, quyền của người lao động, quấy rối, phân biệt đối xử và các vấn đề khác.

Ngay lập tức, ít nhất 8 khách sạn đã đe dọa rút lại các thỏa thuận cung cấp phòng giảm giá cho người hâm mộ Olympic. Họ cho rằng, việc tăng chi phí lao động là "không khả thi về mặt tài chính". Các tên tuổi lớn như Hilton, Hotel Angeleno, Hotel Per La và Hollywood Roosevelt đều đưa ra những lo ngại này. Mark Beccaria từ Hotel Angeleno lập luận: "Theo lẽ thường, bạn không thể tăng lương hơn 30% trong vòng chưa đầy 1 năm khi doanh thu không đổi". Ông thậm chí còn cảnh báo rằng, nếu mức tăng chi phí lao động này được thông qua, họ "sẽ buộc phải xem xét chuyển đổi khách sạn này ở trung tâm khu dân cư Brentwood thành một nơi trú ẩn cho người vô gia cư". Kara Bartelt - Tổng Giám đốc Hoxton Los Angeles - cũng bày tỏ lo ngại: "Nếu Thành phố tiếp tục đi theo con đường này và chỉ lắng nghe một phía của vấn đề, sẽ có các khách sạn đóng cửa, mất việc làm và mất cơ hội cho tất cả mọi người".
Sắc lệnh này lần đầu tiên được đề xuất vào năm 2023, xuất phát từ mối lo ngại của người lao động trong ngành Du lịch về chi phí sinh hoạt tại Los Angeles. Những người ủng hộ cho rằng việc tăng lương là cần thiết để đảm bảo người lao động không bị đẩy ra khỏi thành phố, đặc biệt trong bối cảnh Thế vận hội được dự đoán sẽ đẩy chi phí nhà ở lên cao hơn nữa.
Jessica Durrum - Phó Giám đốc Chính sách và Chiến dịch tại Los Angeles Alliance for a New Economy - lại có một cái nhìn khác. Bà cho rằng, việc đảm bảo người lao động khỏe mạnh và có nơi ở sẽ tác động tích cực đến nền kinh tế. Một nghiên cứu tác động kinh tế do Hội đồng Thành phố Los Angeles ủy quyền đã chỉ ra rằng, luật mới này sẽ dẫn đến mức tăng thu nhập ước tính hơn 1,2 tỷ USD trong khu vực vào năm 2028, với khoảng hai phần ba số tiền tăng lương được chi tiêu tại địa phương.
Các thành viên Hội đồng Thành phố Los Angeles cũng bị chia rẽ. Một số người lo ngại rằng sắc lệnh chỉ ảnh hưởng đến các khách sạn trong thành phố, trong khi nhiều sự kiện Olympic diễn ra bên ngoài giới hạn thành phố, điều này có thể làm giảm khả năng cạnh tranh của các khách sạn LA. Ngược lại, những thành viên khác coi đây là một biểu tượng của sự đoàn kết và một bước tiến tới sự công bằng.
Cuộc tranh cãi này cho thấy một thách thức đáng kể đối với Ban Tổ chức LA28 trong việc đảm bảo nguồn cung cấp phòng khách sạn cần thiết, đồng thời cân bằng giữa lợi ích của người lao động và khả năng tài chính của ngành Dịch vụ. Kết quả của cuộc tranh luận này sẽ có ảnh hưởng lớn đến hình ảnh và hoạt động của Thế vận hội sắp tới.