Theo đánh giá của các chuyên gia UNESCO, công tác bảo tồn và khai thác các giá trị di sản thế giới Tràng An và phát triển du lịch đã có sự cân bằng tương đối tốt, đảm bảo hài hòa lợi ích của nhà nước, người dân và doanh nghiệp. Di sản đã và đang thực sự mang lại lợi ích và ngày càng trở nên gắn bó mật thiết với cuộc sống của người dân địa phương. Với chủ trương và chính sách phát triển du lịch bền vững gắn với đảm bảo sinh kế cho người dân đã làm thay đổi bộ mặt nhiều địa phương trong khu di sản, làm chuyển đổi cơ cấu kinh tế từ nông nghiệp sang dịch vụ du lịch, nhiều nghề thủ công truyền thống được khôi phục, nhiều ngành nghề mới, sinh kế mới được tạo ra, đặc biệt đã có sự gắn kết giữa các hoạt động du lịch với nông nghiệp và trải nghiệm cuộc sống của người dân như: hoạt động chèo đò, hướng dẫn du lịch, kinh doanh cơ sở lưu trú và nhà hàng, kinh doanh dịch vụ đồ lưu niệm, đồ uống,…
Hiện nay, trong khu Di sản Tràng An hiện có khoảng 4582 người chở đò. Với phương châm mỗi một người chèo đò vừa là người hướng dẫn du lịch vừa là đại sứ bảo vệ khu di sản, trong thời gian vừa qua Sở Du lịch Ninh Bình đã tổ chức nhiều lớp bồi dưỡng kiến thức, tập huấn cho người chèo thuyền, qua đó nâng cao nhận thức, văn hóa, kỹ năng giao tiếp và cấp chứng chỉ cho người chèo đò. Bên cạnh đó, nghề hướng dẫn du lịch cũng là một nghề mới được nhiều bạn trẻ ở các địa phương lựa chọn, hiện trong khu di sản có khoảng 70 người, có trình độ từ trung cấp và cao đẳng, đã được Sở Du lịch bồi dưỡng nghiệp vụ và cấp thẻ hướng dẫn viên tại điểm.
Hoạt động kinh doanh cơ sở lưu trú và nhà hàng cũng đang trên đà phát triển mạnh, dến nay có khoảng 236 cơ sở lưu trú và nhà hàng trong khu vực. Cùng sự phát triển của hoạt động kinh doanh này là sự phát triển các hoạt động nghề nghiệp mới như lễ tân, phục vụ buồng, bàn, bar và bếp, với khoảng 1445 lao động. Hoạt động kinh doanh dịch vụ đồ lưu niệm, đồ uống cũng khá phát triển đáp ứng nhu cầu mua sắm và ăn uống của khách du lịch. Hiện có 57 cơ sở kinh doanh bán hàng lưu niệm, đồ uống và cho thuê xe đạp, xe máy. Hoạt động kinh doanh này cũng không đòi hỏi vốn lớn, chỉ cần có mặt bằng tốt, nhiều hộ dân đã giàu lên nhờ ngành nghề kinh doanh mới này.
Cùng với sự phát triển của các khu, điểm du lịch và các cơ sở lưu trú, nghề bảo vệ cũng đã góp phần tạo ra sinh kế cho người dân địa phương. Chỉ tính riêng những người làm công việc bảo vệ tại 06 khu du lịch chính hiện có khoảng 218 người, ngoài nhiệm vụ giữ gìn trật tự, an toàn trong khu du lịch, người làm bảo vệ còn có nhiệm vụ tuần tra, bảo vệ di sản, giữ gìn cảnh quan môi trường trong khu du lịch.
Bên cạnh đó, hoạt động biểu diễn nghệ thuật truyền thống như hát chầu văn, hát chèo đã góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc của địa phương. Hiện ở Tràng An có khoảng 5 nhóm nhạc, mỗi nhóm hơn 5-7 người đi hát phục vụ khách du lịch tại các cơ sở lưu trú, nhà hàng.
Ngoài ra, loại hình du lịch trải nghiệm làm nông nghiệp được một số doanh nghiệp phát triển đưa vào khai thác phục vụ khách du lịch bước đầu đã có những kết quả khá tốt. Hoạt động này được tổ chức theo hình thức liên kết giữa doanh nghiệp với các hộ dân trong khu di sản. Khách du lịch tham gia tour du lịch này sẽ được tham gia trải nghiệm thực tế các hoạt động nông nghiệp từ cày bừa, gieo mạ, cấy lúa, đánh bắt cá, sau đó về tự chế biến món ăn dưới sự hướng dẫn của người dân địa phương.
Xác định tầm quan trọng của Quần thể danh thắng Tràng An trong "ngành công nghiệp không khói" của tỉnh, Ninh Bình đã xây dựng chiến lược xây dựng Tràng An trở thành một khu du lịch mang tầm cỡ quốc tế với sự kết hợp của các loại hình du lịch, đồng thời làm tốt công tác bảo tồn đa dạng sinh học, các giá trị di sản, kết hợp bảo đảm an ninh, quốc phòng, trật tự an toàn xã hội. Đó là hướng đi chuyên nghiệp, bền vững, tạo động lực để Ninh Bình phấn đấu thành vùng du lịch trọng điểm quốc gia và là cơ sở để Tràng An vinh dự cùng với 3 di sản khác trên thế giới được UNESCO chọn để thí điểm một dự án về du lịch bền vững, nhằm tăng cường lợi ích cho cộng đồng ở địa phương, đặc biệt là cho phụ nữ.