Thực tiễn ở Việt Nam và trên thế giới cho thấy, bên cạnh những đóng góp to lớn của ngành Du lịch trong tăng trưởng kinh tế, lượng khách du lịch tăng mạnh tại một địa điểm cũng đặt ra nhiều thách thức lớn đối với công tác bảo tồn văn hóa và di sản cũng như vấn đề suy thoái môi trường. Đối với di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long, những thách thức này lại càng trở nên nghiêm trọng, khi cơ sở hạ tầng, năng lực quản lý và tổ chức còn bất cập, các nút thắt cản trở sự phát triển bền vững du lịch chưa được nhận diện đầy đủ và có giải pháp đồng bộ để tháo gỡ. Trong đó, nhiệm vụ bảo vệ môi trường và các cảnh quan thiên nhiên đóng vai trò quan trọng vào bảo tồn hiệu quả các giá trị di sản, thúc đẩy phát triển du lịch bền vững khu di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long.
Hiện nay, Vịnh Hạ Long đang chịu khá nhiều áp lực lớn về môi trường. Bên cạnh các áp lực tại chỗ (giao thông, cảng biển, du lịch, nuôi trồng và đánh bắt thuỷ sản, sinh cư trên mặt nước), các hoạt động ven vịnh rộng lớn và trên các lưu vực đổ vào vịnh (nông nghiệp, lâm nghiệp, giao thông, công nghiệp, khai khoáng, du lịch - dịch vụ và sinh hoạt) đã gây ra những áp lực lớn lên môi trường, tài nguyên thiên nhiên và đa dạng sinh học.
PGS.TS Lưu Thế Anh - Viện trưởng Viện Tài nguyên và Môi trường (Đại học Quốc gia Hà Nội) - cho biết, Vịnh Hạ Long nhìn thấy rõ nhất là vấn đề nước thải sinh hoạt. Trung bình hơn 60.000m3 nước thải sinh hoạt hàng ngày đổ ra thì chỉ có khoảng 12% lượng nước thải trên bờ, phần lớn còn lại xả thải ra vịnh nhưng chúng ta mới xử lý có 38%. Môi trường nước hiện nay liên thông với nhau nên việc ô nhiễm ở hải lưu dọc bờ có thể di chuyển vào vùng lõi - đây là vấn đề cần quan tâm khi muốn phát triển du lịch bền vững.
Ông Christian Manhart - Trưởng đại diện tổ chức UNESCO tại Việt Nam - nhấn mạnh: “Chúng ta có di sản thiên nhiên ban tặng và cần khai thác hài hòa, bền vững lâu dài. Ban Quản lý Vịnh Hạ Long cần tăng thêm nguồn lực để làm tốt công tác quản lý. Bản thân du khách cần có trách nhiệm trong việc bảo vệ, bảo tồn di sản, cần truyền thông, đẩy mạnh giáo dục du khách về trách nhiệm này. Bởi một trải nghiệm tốt chắc chắn sẽ mang lại sự hài lòng và những giá trị lâu dài là khi họ tiếp tục giới thiệu cho bạn bè đến với di sản. Tôi cho rằng các bạn cần theo đuổi những cách tiếp cận bền vững theo các nhóm giải pháp đã đưa ra để trở thành một điển hình cho các địa phương khác trong cả nước học tập. Đã đến lúc chúng ta nên hạn chế du lịch đại trà và tập trung nhiều hơn vào các hoạt động du lịch bảo vệ môi trường”.
Để giúp các nhà quản lý có những điều chỉnh phù hợp, phát triển du lịch bền vững trong tương lai, năm 2020 Ban Quản lý Vịnh Hạ Long đã mời các chuyên gia từ Tập đoàn tư vấn Kiran (Hoa Kỳ) - đơn vị đã có hơn 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực phân tích, tính toán, đánh giá sức tải tại các khu di sản, trung tâm thương mại, các điểm du lịch lớn trên thế giới để khảo sát, xây dựng đề án nhìn nhận lại sức tải của Vịnh Hạ Long.
Từ các nghiên cứu cho thấy, 5 tuyến tham quan Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long đón khoảng 30.000 lượt khách mỗi ngày. Tuy nhiên, lượng khách tham quan tập trung vào các tuyến 1, 2 và 5 với khoảng 25.000 lượt khách. Tính trung bình sức tải của Vịnh Hạ Long không phải ở mức cao nhưng thường xuyên có tình trạng quá tải một số điểm du lịch, như: Động Thiên Cung, hang Đầu Gỗ, hòn Chó Đá, hòn Gà Chọi... với 2.000 khách trong một giờ. Cá biệt có thời điểm lên tới gần 3.000 lượt khách và lượng khách đến Vịnh Hạ Long mùa hè luôn cao hơn rất nhiều so với các mùa còn lại. Điều này không chỉ gây áp lực lên điểm đến, gia tăng rác thải mà còn mang lại những trải nghiệm không trọn vẹn cho du khách, ảnh hưởng tới sự phát triển bền vững, lâu dài.
Ngay khi tìm ra những điểm nghẽn, các chuyên gia đã đề xuất 5 nhóm giải pháp: Về cơ chế, chính sách quản lý bền vững du lịch; đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng; ứng dụng khoa học công nghệ và hợp tác quốc tế trong quản lý và phát triển bền vững; phát triển nguồn nhân lực và nâng cao nhận thức cộng đồng cho phát triển du lịch bền vững; quản lý, giám sát và kiểm soát môi trường, hoạt động du lịch.
Trong đó điểm nhấn là các giải pháp phát triển một hệ thống quản lý lịch trình tàu du lịch; áp dụng mức trần giới hạn số lượng tàu thuyền, tiến hành điều tra, đánh giá, phân loại xác định giá trị của các yếu tố di sản với tư cách là tài nguyên du lịch; rà soát các loại quy hoạch, kế hoạch đầu tư, bảo tồn liên quan; tuyên truyền nâng cao nhận thức của du khách về việc bảo vệ môi trường di sản… Từ đó, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững về môi trường, thỏa mãn nhu cầu của du khách và đảm bảo hài hòa lợi ích cho tất cả các bên liên quan.
Việc Quảng Ninh là đơn vị đầu tiên trong cả nước mời các chuyên gia tư vấn nước ngoài đánh giá sức tải của di sản Vịnh Hạ Long là cách nhìn nhận thẳng thắn, toàn diện và là bước tiến để hoàn thiện hơn về cơ sở khoa học và thực tiễn, phục vụ công tác quản lý bảo tồn di sản và khai thác, phát triển văn hóa, du lịch bền vững, nhất là khi Quảng Ninh đang thực hiện chuyển đổi kinh tế từ nâu sang xanh, lấy du lịch là động lực, là lĩnh vực chính cho sự phát triển trong tương lai.