Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương: Việt Nam luôn mong nhận được sự hỗ trợ của quốc tế trong công cuộc bảo tồn, phát huy các giá trị di sản

Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương nhấn mạnh, Việt Nam luôn mong nhận được sự hỗ trợ, động viên của các chuyên gia, tổ chức quốc tế trong công cuộc bảo tồn, phát huy các giá trị di sản.

Chiều tối 9/9, tại trụ sở Bộ VHTTDL, Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương đã có buổi tiếp và làm việc với bà Marie-Laure Lavenir, Tổng Giám đốc Hội đồng Di tích và Di chỉ quốc tế (ICOMOS), bà Nao Hayashi, Đại diện cấp cao Trung tâm Di sản thế giới (WHC) cùng đại diện một số tổ chức quốc tế về bảo tồn di sản.

Tham dự buổi làm việc còn có lãnh đạo Cục Hợp tác quốc tế, Cục Di sản văn hoá thuộc Bộ VHTTDL, Đại diện Ban Quản lý 8 khu di sản thế giới tại Việt Nam và các Ban Quản lý có hồ sơ đang trình UNESCO.

06922-1662887087.jpg
Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương phát biểu tại buổi làm việc.

Sẵn sàng thành lập Uỷ ban ICOMOS tại Việt Nam

Mở đầu buổi làm việc, Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương nhấn mạnh, sự có mặt bà Marie-Laure Lavenir, Tổng Giám đốc ICOMOS; Bà Nao Hayashi, Đại diện cấp cao WHC cùng đại diện của các tổ chức quốc tế là sự động viên rất lớn cho những người làm công tác quản lý di sản ở Việt Nam cũng như nhân dân 8 địa phương của Việt Nam có di sản thế giới.

Theo Thứ trưởng, bảo tồn các di sản văn hoá và thiên nhiên luôn là công việc phức tạp, đòi hỏi quá trình, chiến lược lâu dài, theo đúng tinh thần quốc tế. Ngoài ra còn phải tính đến việc giải quyết hài hoà mối quan hệ giữa bảo tồn - phát triển và những tác động khác.

Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương khẳng định, Bộ VHTTDL luôn nghiên cứu rất kỹ các văn kiện, hiến chương quốc tế cũng như các công ước mà Việt Nam tham gia về bảo tồn di sản.

Trong quá trình sửa đổi bổ sung Luật Di sản văn hoá, Bộ đã tham khảo ý kiến của các tổ chức quốc tế. Bên cạnh đó, quá trình xây dựng hồ sơ trình UNESCO cộng nhận một số di sản, Việt Nam luôn sẵn sàng lắng nghe và rất mong muốn nhận được ý kiến, góp ý từ các chuyên gia, tổ chức quốc tế.

Phát biểu tại cuộc làm việc, bà Marie-Laure Lavenir, Tổng Giám đốc ICOMOS bày tỏ ấn tượng khi tham gia Hội thảo quốc tế tại Hoàng Thành Thăng Long (diễn ra trong 2 ngày 8-9/9). Thông qua Hội thảo có thể thấy rõ mức độ ưu tiên cho công tác bảo tồn di sản ở Việt Nam.

Việt Nam đã có chiến lược, kế hoạch rất rõ ràng trong việc xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ chuyên gia và xây dựng các ưu tiên trọng điểm trong công tác bảo vệ di sản.

06923-1662886935.jpeg
Bà Marie-Laure Lavenir, Tổng Giám đốc Hội đồng Di tích và Di chỉ quốc tế (ICOMOS).

Theo bà Marie-Laure Lavenir, Công ước Bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới là một trong những công cụ pháp lý rất quan trọng, là một công ước kiểu mẫu của thế kỷ 20 về bảo vệ di sản thế giới. Quá trình triển khai công ước này cũng rất cần có sự đồng hành như cách Việt Nam đang thực hiện để bảo tồn, phát huy và tôn vinh những giá trị của di sản.

Tán thành ý kiến của Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương, bà Marie-Laure Lavenir cho rằng công tác bảo tồn di sản trên thế giới cũng như ở Việt Nam còn rất nhiều thách thức. Đặc biệt, với những quốc gia luôn có tốc độ tăng trưởng kinh tế thuộc top đầu thế giới như Việt Nam, thách thức đặt ra lại càng nhiều.

Theo bà Marie-Laure Lavenir, quan điểm bảo tồn di sản là trở ngại của sự phát triển đã lỗi thời, lý thuyết ngày nay là chúng ta coi di sản chính là công cụ hỗ trợ cho sự phát triển. Tuy nhiên đó là trên lý thuyết còn để áp dụng trên thực tế điều này không hề dễ dàng.

"Điều đó đã thúc đẩy chúng ta cần phải hợp tác, trao đổi và liên kết với nhau chặt chẽ hơn nữa. Chúng tôi rất mong chờ được đón các chuyên gia có trình độ của Việt Nam tham gia mạng lưới ICOMOS quốc tế. Chúng tôi đã có 20 Uỷ ban Quốc gia ICOMOS tại Châu Á - Thái Bình Dương và tin rằng đây sẽ là mạng lưới rất tốt để kết nối với Việt Nam", bà Marie-Laure Lavenir nói và cho biết thêm, trong tuần cuối cùng của tháng 10, ICOMOS sẽ tổ chức Đại hội tại Thái Lan và sẵn sàng mời 1-2 chuyên gia của Việt Nam tham dự.

Đối với việc chuẩn bị hồ sơ di sản để trình UNESCO, bà Marie-Laure Lavenir cho rằng đây là một quá trình rất dài và vất vả, với việc yêu cầu và quy trình chuẩn bị hồ sơ chuẩn bị ngày càng dài ra. Hồ sơ gần đây trung bình là đã dày gần 1000 trang so với chỉ 20-30 trang trước đây. ICOMOS sẽ sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam trong phạm vi có thể.

06924-1662887087.jpg
Bà Nao Hayashi, Đại diện cấp cao Trung tâm Di sản thế giới (WHC).

Tại buổi làm việc, bà Nao Hayashi, Đại diện cấp cao WHC cảm ơn Việt Nam thời gian qua đã tổ chức những hoat động rất nổi bật trong việc kỷ niệm 50 năm Công ước Bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, đặc biệt trong bổi cảnh Việt Nam chỉ vừa hồi phục sau tác động của đại dịch COVID-19.

"Chúng tôi cũng đã có sự hỗ trợ đối với một số nơi để tăng cường sự phục hồi cho các khu di sản sau tác động của dịch Covid-19 và cảm thấy rất rõ sự hợp tác tuyệt với, nhanh nhạy, tích cực của các khu di sản thế giới tại Việt Nam", bà Nao Hayashi nói.

Về ý kiến cho rằng công tác bảo tồn di sản thế giới làm ảnh hưởng tiêu cực tới sự phát triển, bà Nao Hayashi cho rằng với sự quan tâm, đồng hành và nỗ lực của các cơ quan chính quyền của Việt nam thì sẽ nhanh chóng đạt được sự hài hoà trong công tác bảo tồn di sản với nhu cầu phát triển.

Bà Nao Hayashi khẳng định Trung tâm Di sản thế giới luôn luôn sẵn sàng chung tay hỗ trợ với các khu di sản thế giới tại Việt Nam.

Việt Nam luôn mong nhận được sự hỗ trợ của quốc tế trong công cuộc bảo tồn, phát huy các giá trị di sản

Phát biểu kết luận buổi làm việc, liên quan đến ý kiến thành lập Uỷ ban ICOMOS Việt Nam, Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương cho biết đây là vấn đề đã được Bộ VHTTDL chuẩn bị và có ý tưởng từ lâu. Uỷ ban ICOMOS Việt Nam sau khi thành lập có thể truyền tải những ý tưởng của tổ chức ICOMOS thế giới đến các di sản ở Việt Nam. Sự tập hợp của các nhóm chuyên gia tại ICOMOS sẽ là điều rất tốt cho việc tư vấn, giám sát công tác bảo tồn, trùng tu các di tích, di sản ở Việt Nam.

06925-1662887087.jpg
Toàn cảnh buổi làm việc.

Theo Thứ trưởng, trong quá khứ, việc các chuyên gia quốc tế giúp đỡ Việt Nam trùng tu di tích, di sản là những bài học kinh nghiệm hết sức quý giá. Ngược lại các chuyên gia trùng tu của Việt Nam cũng tham gia vào các nhóm công tác của UNESCO trùng tu một số di sản thế giới ở Lào, Campuchia hay Myanmar. Sự trao đổi quốc tế mang lại kinh nghiệm phong phú trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị di sản, di tích.

"Sau cuộc làm việc hôm nay, chúng tôi sẽ đề xuất Bộ trưởng xin ý kiến Chính phủ và các cơ quan liên quan rồi liên lạc trực tiếp với ICOMOS để hoàn thiện các thủ tục thành lập Uỷ ban ICOMOS Việt Nam", Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương nói và cho biết mong muốn nhận được sự giúp đỡ từ Tổng Giám đốc ICOMOS trong việc thành lập tổ chức này tại Việt Nam.

Đối với việc thẩm định các hồ sơ di sản trình UNESCO công nhận, Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương nhấn mạnh đây là việc mà Bộ VHTTDL rất quan tâm, nhiều địa phương của Việt Nam đang muốn xây dựng hồ sơ đệ trình UNESCO công nhận di sản, Bộ VHTTDL sẽ hướng dẫn các đại phương các bước tiền thẩm định trình hồ sơ.

"Việt Nam luôn mong nhận được sự hỗ trợ, động viên của các chuyên gia, tổ chức quốc tế trong công cuộc bảo tồn, phát huy các giá trị di sản thế giới ở Việt Nam", Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương bày tỏ.

Xuân Trường