Quảng Bình: Đề xuất các giải pháp bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa phi vật thể

Sở Văn hóa và Thể thao Quảng Bình tổ chức hội thảo khoa học “Đề xuất các giải pháp bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu trên địa bàn tỉnh Quảng Bình” nhằm làm rõ thêm một số cứ liệu phục vụ công tác nghiên cứu đề tài khoa học “Nghiên cứu, đề xuất các giải pháp bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu trên địa bàn tỉnh Quảng Bình”.

Dự hội thảo có đại diện lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và các Sở, ngành cấp tỉnh, các nhà khoa học và thành viên nhóm thực hiện đề tài.

0909-1662729473.jpg
Các đại biểu tham dự hội thảo.

Theo kiểm kê khoa học, trên địa bàn tỉnh hiện có 104 di sản văn hóa phi vật thể, trong đó nhiều di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu. Thời gian qua, công tác bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa phi vật thể của tỉnh được triển khai đồng bộ từ tỉnh đến cơ sở. Các di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu ở tỉnh bước đầu được khai thác, trở thành nguồn lực, sản phẩm du lịch, phục vụ sự phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.

Nhiều “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú”, những người đang nắm giữ tri thức, trình diễn, thực hành các di sản văn hóa phi vật thể ở tỉnh ta có những nỗ lực cống hiến, góp phần tích cực trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị của di sản. 

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa phi vật thể nói chung, di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu trên địa bàn tỉnh nói riêng vẫn còn nhiều bất cập, hạn chế.

Điều kiện cơ sở vật chất kỹ thuật, cơ chế chính sách về lĩnh vực quản lý di sản vẫn chưa đáp ứng yêu cầu đề ra. Công tác tuyên truyền, quảng bá về di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu và gắn kết các di sản văn hóa với hoạt động du lịch hiệu quả chưa cao. Chính sách tôn vinh, đãi ngộ nghệ nhân, nhà nghiên cứu có công nắm giữ, truyền dạy và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu trên địa bàn tỉnh chưa được quan tâm đúng mức…

Tại hội thảo, các đại biểu đóng góp nhiều ý kiến nhằm đưa ra các giải pháp khắc phục những bất cập, hạn chế cũng như nâng cao năng lực, hiệu quả công tác bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn tỉnh.

Hội thảo cũng tập hợp nhiều tham luận tiêu biểu, như: Một số giải pháp bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu trên địa bàn tỉnh Quảng Bình (TS. Nguyễn Khắc Thái); Bảo vệ di sản văn hóa các dân tộc thiểu số, chính sách, tầm nhìn khẳng định sự thống nhất trong đa dạng văn hóa của Việt Nam (TS. Nguyễn Thị Thu Trang - Cục Di sản Văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch); Xây dựng, thực hiện các chính sách huy động nguồn lực xã hội hóa để tổ chức các hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu, chính sách đãi ngộ, tôn vinh nghệ nhân, người có kinh nghiệm đóng góp vào sự nghiệp bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu trên địa bàn tỉnh Quảng Bình (ThS. Lê Hùng Phi - Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam tỉnh Quảng Bình)…

B.Q.B