Trước đó, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch nhận được công văn số 44/CV-HKTSVN của Hội Kiến trúc sư Việt Nam đề nghị đăng ký làm việc về một số nội dung liên quan đến xây dựng và thực thi chính sách pháp luật về văn hoá, kiến trúc có sự phối hợp triển khai của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Phát biểu tại buổi làm việc, TS. KTS Phan Đăng Sơn - Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam - cho biết, ngành Kiến trúc đặc thù là ngành kết hợp nghệ thuật và kỹ thuật nên các hoạt động chuyên môn trong lĩnh vực kiến trúc được giao chính cho Bộ Xây dựng. Nhưng về nghệ thuật kiến trúc, một bộ phận cấu thành của mảng nghệ thuật trong lĩnh vực văn hóa, cần có sự triển khai thống nhất từ chủ trương đường lối của Đảng đến cơ quan quản lý nhà nước thuộc ngành là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, do vậy, Hội Kiến trúc sư Việt Nam đề nghị làm việc với lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để có sự phối hợp, kết hợp trong triển khai các nhiệm vụ liên quan đến lĩnh vực kiến trúc và triển khai Luật Kiến trúc.
Cụ thể, Hội Kiến trúc sư Việt Nam đề nghị làm việc với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch các nội dung gồm: Thứ nhất, việc thực hiện các nội dung theo quyết định số 2215/QĐ-TTg ngày 24/12/2020 về việc ban hành kế hoạch triển khai kết luận số 76-KL/TW ngày 4/6/2020 của Bộ chính trị khóa XII về việc tiếp tục thực hiện nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.
Thứ hai, thực hiện có hiệu quả theo luật việc bảo tồn, tôn tạo, tu bổ và phát huy giá trị các di sản, di tích kiến trúc văn hóa lịch sử trong quá trình phát triển thời kỳ trước cách mạng.
Thứ ba, phát hiện, đánh giá, xếp hạng các công trình kiến trúc mới có giá trị về văn hóa và kinh tế được xây dựng từ 1945 cho đến nay.
Thứ tư, phối hợp giữa Hội Kiến trúc sư Việt Nam và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Xây dựng trong xây dựng cơ sở dữ liệu để lập ngân hàng số về bảo tồn, kế thừa, phát huy, làm mới và tiếp biến văn hóa nghệ thuật kiến trúc của Việt Nam đến nay.
Thứ năm, đổi mới nội dung, hình thức giải thưởng Kiến trúc Quốc gia, giải thưởng về kiến trúc uy tín nhất của nước ta do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hội Kiến trúc sư Việt Nam và Bộ Xây dựng đồng tổ chức. Trong đó, Hội Kiến trúc sư Việt Nam là đơn vị chủ trì theo Quyết định của Thủ tướng.
Thứ sáu, đề xuất các nội dung thích hợp và kịp thời về phát triển kiến trúc trong đẩy mạnh phát triển "Công nghiệp văn hóa" theo đường lối của Đảng, đặc biệt là Đại hội lần thứ XIII vừa khẳng định cụ thể rõ ràng với yêu cầu cấp thiết. Ngoài ra là những vấn đề khác cần phối hợp triển khai liên quan đến nghệ thuật kiến trúc mà Hội Kiến trúc sư Việt Nam và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng quan tâm.
Tại buổi làm việc, đại diện các đơn vị thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Hội Kiến trúc sư Việt Nam đã cùng thảo luận, thống nhất ý kiến liên quan đến 6 nội dung được Hội Kiến trúc sư Việt Nam đề xuất làm việc.
Kết luận buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương đánh giá cao sự cần thiết và các nội dung thảo luận tại buổi làm việc.
Liên quan đến việc thực hiện các nội dung theo quyết định số 2215 về việc ban hành kế hoạch triển khai kết luận số 76 của Bộ Chính trị khóa XII về việc tiếp tục thực hiện nghị quyết số 33 của Ban Chấp hành Trung ương về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam, Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương cho biết, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chia sẻ với Hội Kiến trúc sư Việt Nam và thống nhất quan điểm mỗi công trình kiến trúc là một tác phẩm văn hoá nghệ thuật có giá trị. Tác phẩm văn hoá nghệ thuật này có được nhờ tu duy thiết kế có tính văn hoá, mang tính bản sắc và truyền thống dân tộc.
Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương cho rằng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Hội Kiến trúc sư Việt Nam cần tổ chức chung những cuộc hội thảo để làm rõ những nội dung liên quan đến các công trình kiến trúc, văn hoá cũng như vấn đề xếp loại các công trình ở các địa phương. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ tiếp thu, củng cố các ý kiến của các bên liên quan để việc xếp hạng này khách quan, không bỏ sót và đảm bảo tính toàn diện.
Theo Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương, hiện nay Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chưa nhận được văn bản phối hợp của Hội Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, khi nhận được Bộ sẽ có góp ý, tuy nhiên Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị Hội Kiến trúc sư Việt Nam có ý kiến để làm rõ hơn giá trị của các công trình kiến trúc được đề cập tới trong việc thực hiện triển khai theo quyết định số 2215.
Về nội dung liên quan đến các vấn đề của Luật Kiến trúc, Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương cho rằng, nhờ những ý kiến đóng góp của Hội Kiến trúc sư Việt Nam mà trong quá trình phân loại, lập danh mục kiểm kê di sản chúng ta đã không bỏ sót những công trình có giá trị mà dần dần sẽ trở thành di tích theo thời gian.
Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương đề nghị Cục Di sản văn hoá khi tổ chức tọa đàm lấy ý kiến cho dự thảo Luật di sản văn hoá sửa đổi, bổ sung cần mời Hội kiến trúc sư tham gia góp ý. Bên cạnh đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Hội Kiến trúc sư Việt Nam cũng cần tổ chức chung hội thảo để bàn về các công trình có giá trị ở các địa phương, những công trình sẽ trở thành di tích lịch sử hoặc kiến trúc trong tương lai.
Về vấn đề liên quan đến Giải thưởng Kiến trúc Quốc gia, đây là một giải thưởng quan trọng và rất có ý nghĩa, Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương đề nghị Trung tâm Công nghệ thông tin, Cục Di sản Văn hoá tăng cường việc quảng bá, khuyến khích và thu hút các đơn vị tham gia.
Ngoài ra, theo Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương, sắp tới trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, có một số công trình quan trọng như cải tạo, nâng cấp Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam cơ sở 2… Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ mời Hội Kiến trúc sư Việt Nam tham gia hội đồng để tham vấn, đóng góp ý kiến. Đồng thời, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đề nghị, với các công trình kiến trúc mang tính chất văn hoá thì Hội Kiến trúc sư Việt Nam cũng mời Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tham gia vào hội đồng để góp ý kiến.