Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương đánh giá cao sự hỗ trợ của IPC dành cho thể thao người khuyết tật Việt Nam

Chiều 15/5, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương đã có buổi làm việc với ông Andrew Parsons - Chủ tịch Ủy ban Paralympic Quốc tế (IPC) - về các công tác phát triển phong trào thể thao cho người khuyết tật tại Việt Nam. 

z6604749613246-5a354bad5f4bbd3434bbf4bff6c2748b-1747307478.jpg
Toàn cảnh buổi làm việc 

Mở đầu buổi làm việc, Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương bày tỏ sự vui mừng khi Chủ tịch IPC Andrew Parsons đã tới thăm Việt Nam trong bối cảnh chất lượng phong trào người khuyết tật tập luyện thể thao tăng cao, số lượng câu lạc bộ thể thao cho người khuyết tật, cơ sở dân lập, trung tâm phục hồi chức năng đều phát triển, giải thể thao trong nước ngày càng thu hút đông đảo tổ chức hội, câu lạc bộ người khuyết tật. Trung bình mỗi năm thu hút trên 1.200 - 1.300 vận động viên ở các tỉnh, thành phố. 

Để đạt được những kết quả đó là do có sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Đảng, Nhà nước, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng sự cố gắng của toàn Ngành và các địa phương. Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương cũng nhìn nhận rằng, nhận thức, nhân lực, tiêu chí đánh giá cụ thể đang là những khó khăn chính của thể thao người khuyết tật Việt Nam. Việc tài trợ cho các sự kiện thể thao dành riêng cho người khuyết tật đang được nhìn nhận là một hoạt động từ thiện thay vì một sự kiện thể thao thông thường. Nguồn nhân lực huấn luyện viên cho thể thao người khuyết tật cũng đang mỏng và thiếu, đa phần là huấn luyện viên từ các môn thể thao thành tích cao kiêm nhiệm. Tiêu chí đánh giá phân loại hạng thương tật cũng chưa hoàn chỉnh, đội ngũ bác sĩ ở chuyên môn này cũng đang còn mỏng. 

z6604749615856-70412f9a315dee32c7d9774a0556c894-1747307478.jpg
Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương cũng mong rằng, IPC xem xét hỗ trợ các trang thiết bị thể thao, một số dự án thúc đẩy phong trào Paralympic và đào tạo chuyên môn cho đội ngũ bác sĩ phân loại thương tật

Chính vì thế, Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương cũng mong rằng, IPC xem xét hỗ trợ các trang thiết bị thể thao, một số dự án thúc đẩy phong trào Paralympic và đào tạo chuyên môn cho đội ngũ bác sĩ phân loại thương tật. 

Đồng ý với quan điểm của Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương về việc cần tổ chức các sự kiện giúp mọi người hiểu rằng các sự kiện thể thao người khuyết tật như Paralympic, Para Games… không chỉ mang tính nhân đạo mà thực sự là thi đấu thể thao. Chủ tịch IPC Andrew Parson cho rằng, đây là thách thức lớn, không chỉ ở Việt Nam mà còn ở nhiều quốc gia khác. Vì thế, Chủ tịch IPC cũng mong Thứ trưởng cùng Ủy ban Paralympic Việt Nam sẽ cố gắng tạo điều kiện có những sự kiện để truyền thông mạnh mẽ nhằm thay đổi nhận thức này. 

“IPC đã luôn nhấn mạnh về quyền con người, chúng tôi luôn sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam trong công tác tuyên truyền, mang tới những hình ảnh, truyền hình bản quyền để thay đổi nhận thức. Con số ở đây không chỉ dừng ở 4.000 hay 5.000 người tham dự các hoạt động thể thao, mà còn là 1,3 tỷ người khuyết tật trên thế giới”, Chủ tịch Andrew Parsons chia sẻ.

Về sự phối hợp với Ủy ban Paralympic Việt Nam, Chủ tịch IPC cũng đã thông tin về buổi làm việc giữa 2 đơn vị vào sáng nay. Theo đó, 2 bên đã có sự đồng thuận cao trong quá trình trao đổi, trong đó, IPC có thể hỗ trợ triển khai một số dự án cho các nhóm vận động viên đi thi đấu quốc tế, hỗ trợ phân loại vận động viên... 

z6604749611692-4301b6dcec5cfe5513f01846f0163e1d-1747307478.jpg
Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương tặng quà lưu niệm cho Chủ tịch IPC Andrew Parsons

IPC cũng có một số gói tài trợ không hoàn lại cho các quốc gia thành viên. Chủ tịch Andrew Parsons bày tỏ mong muốn Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Cục Thể dục thể thao Việt Nam sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho công tác triển khai các dự án trong thời gian tới đây, từ đó mở ra một chương mới trong hợp tác giữa IPC và Việt Nam không chỉ riêng trong các sự kiện thể thao, mà còn ở các hoạt động phong trào. 

Sau khi nghe kế hoạch hợp tác giữa 2 bên, Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương đánh giá cao sự hỗ trợ của IPC với thể thao người khuyết tật Việt Nam. Ông cũng khẳng định rằng, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ tăng cường hỗ trợ thể thao người khuyết tật, đồng thời đề xuất Chính phủ trong việc sửa đổi Luật thể thao, các Nghị định có liên quan đang thiếu đối với thể thao người khuyết tật. Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương đề nghị, Cục Thể dục thể thao Việt Nam, Ủy ban Paralympic Việt Nam phối hợp chặt chẽ với IPC trong việc hợp tác triển khai các công việc trong thời gian tới, cả về phát triển phong trào thể thao người khuyết tật trong cả nước cũng như chuẩn bị lực lượng các đội tuyển thể thao người khuyết tật Việt Nam tham dự các giải đấu quốc tế, đặc biệt là hướng tới Paralympic 2028 tại Mỹ.  

z6604749632483-c325a2b78c6e4edba3b99d0e5031ca81-1747307478.jpg

Ủy ban Paralympic Việt Nam tiền thân là Hiệp hội Thể thao người khuyết tật Việt Nam, ra đời năm 1995. Sau gần 30 năm phát triển, phong trào thể thao người khuyết tật đã có mặt tại 45/63 tỉnh, thành, với khoảng 33-35 địa phương thường xuyên cử vận động viên tham gia các giải toàn quốc. Mỗi năm có hơn 1.300 vận động viên dự thi và hơn 25.000 người khuyết tật tham gia tập luyện thể thao.

Ở lĩnh vực thể thao thành tích cao, các vận động viên khuyết tật Việt Nam đã ghi dấu ấn tại nhiều kỳ Đại hội Thể thao Đông Nam Á, châu Á và đặc biệt là 3 kỳ Paralympic gần đây. Tiêu biểu, tại Paralympic Rio 2016, đoàn Thể thao người khuyết tật Việt Nam giành 1 huy chương vàng, 1 huy chương bạc và 2 huy chương đồng, xếp hạng 55/162 quốc gia và vùng lãnh thổ - thành tích cao nhất trong lịch sử thể thao người khuyết tật Việt Nam.

Bùi Lượng