Thị trường du lịch thể thao Nhật Bản từ năm 2022 đến 2032

Theo dự kiến, thị trường du lịch thể thao Nhật Bản, có giá trị 8.787 triệu USD vào năm 2022, sẽ tăng trưởng với tốc độ mạnh mẽ là 8,7% và dự kiến đạt giá trị 20.236,53 triệu USD vào năm 2032. Việc đầu tư ngày càng nhiều vào công nghệ và có cảnh quan hỗ trợ tất cả các loại hình thể thao dự kiến sẽ thúc đẩy nhu cầu du lịch thể thao Nhật Bản.

japan1-1715329981.jpeg
Tài nguyên tuyết và băng rất phong phú ở Nhật Bản thu hút nhiều du khách trượt tuyết và ván trượt nước ngoài

Du lịch thể thao được định vị để trở thành một yếu tố thiết yếu trong nỗ lực của Chính phủ Nhật Bản nhằm đạt được tăng trưởng GDP kinh tế. Ngoài lợi ích tài chính hàng đầu, Chính phủ cũng đang tìm cách sử dụng du lịch inbound (du khách nước ngoài đến Nhật Bản) như một động lực để thúc đẩy giao lưu và hồi sinh các khu vực xa xôi, qua đó giúp hồi sinh các khu vực phi đô thị xung quanh Nhật Bản. Đất nước Mặt trời mọc đã thành công trong việc thu hút và tổ chức các sự kiện siêu lớn, đặc biệt là các sự kiện dành cho khán giả. Nước này đã tổ chức Thế vận hội mùa hè năm 1964 và năm 2020 (được lùi sang năm 2021 do đại dịch COVID-19). Sapporo và Nagano là thành phố đăng cai Thế vận hội mùa đông năm 1972 và 1998. Nhật Bản cũng đã (hoặc sẽ) đăng cai các sự kiện: Á vận hội (1958, 1994, 2026), giải vô địch Bóng đá Thế giới - FIFA World Cup (2002), giải vô địch thế giới IAAF (1991, 2007), giải vô địch Bóng bầu dục thế giới (2019), Universiade (1967, 1985, 1995), Đại hội Thể thao Sinh viên mùa đông thế giới (1991), Đại hội Thể thao thế giới (2001) và Đại hội Thể thao Masters thế giới (2021),...

Nhật Bản cũng cung cấp nhiều hoạt động hấp dẫn trải dài 4 mùa nhờ tài nguyên thiên nhiên phong phú như: chạy đường mòn vào mùa xuân, chèo bè trên sông, các môn thể thao dưới nước vào mùa hè và trượt tuyết, trượt ván tuyết vào mùa đông. Ngoài các hoạt động thể thao đa dạng, du khách còn có cơ hội tham quan và trải nghiệm các di sản văn hóa hoặc đời sống hoang dã phong phú ở địa phương. Du lịch di sản thể thao ở Nhật Bản nhận được rất ít sự chú ý. Tuy nhiên, một số bảo tàng và sự kiện liên quan đến thể thao khác nhau lại khai thác yếu tố hoài niệm.

Các nguồn tài nguyên du lịch thiên nhiên của Nhật Bản được chia thành 4 loại riêng biệt: tài nguyên biển, tài nguyên núi, tài nguyên ngoại ô và tài nguyên tuyết và băng. Các khu đô thị và chính quyền địa phương có thể tận dụng các nguồn lực này để tạo ra và cung cấp các hoạt động thể thao. Điều này dự kiến sẽ thúc đẩy nhu cầu du lịch thể thao Nhật Bản. Ngoài ra, Nhật Bản chủ yếu là đất núi, với 2 phần 3 lãnh thổ được bao phủ bởi rừng. Địa hình độc đáo của Nhật Bản tạo nên những địa điểm lý tưởng cho các hoạt động như dù lượn, đi bộ đường dài, leo núi, chạy đường mòn và trượt dây zipline. Tài nguyên tuyết và băng rất phong phú ở Nhật Bản, nơi nổi tiếng với tuyết bột, được gọi là japow (từ viết tắt của Japan - Nhật Bản và snow - tuyết) trên các mạng xã hội, các khu nghỉ dưỡng trượt tuyết ở Hokkaido (ví dụ: Niseko) thu hút nhiều du khách trượt tuyết và ván trượt nước ngoài.

Tuy nhiên, thị trường du lịch thể thao Nhật Bản cũng gặp phải một số hạn chế nhất định. Diện tích lãnh thổ của Nhật Bản rất nhỏ. Nếu những người đam mê thể thao đến thăm đất nước này, họ không thể đi tham quan nhiều địa điểm tổ chức sự kiện, không giống như các quốc gia rộng lớn như: Ấn Độ, Trung Quốc, Nga hoặc Mỹ. Nhật Bản dễ xảy ra các thiên tai như động đất và sóng thần. Đây là điều khá đáng sợ đối với du khách cũng như người dân địa phương. Hơn nữa, phần lớn người dân Nhật Bản gặp khó khăn trong việc giao tiếp và hiểu tiếng Anh. Điều này có thể dẫn đến rào cản ngôn ngữ khi giao lưu với khách du lịch nước ngoài.

japan-1715330030.jpg
Nhật Bản cung cấp nhiều hoạt động hấp dẫn trải dài 4 mùa nhờ tài nguyên thiên nhiên phong phú

Xét theo loại hình du lịch thể thao, du lịch thể thao giải trí chiếm thị phần lớn nhất trong tổng thị trường. Nhưng gần đây, Chính phủ Nhật Bản bắt đầu quảng bá các môn thể thao hoài cổ, được coi là xu hướng mới trong số khách du lịch nước ngoài. Số lượng du khách đang dần tăng lên. Sự tăng trưởng có thể được quy cho sở thích ngày càng tăng của thế hệ trẻ vì họ thích xem các trò chơi từng phổ biến, trong khi các thế hệ cũ thích các sự kiện theo trò chơi hoài cổ. Thể thao giải trí cũng bao gồm các sự kiện thể thao thu hút đông đảo du khách từ khắp nơi trên thế giới.

Người Nhật cũng đầu tư mạnh vào công nghệ, cho phép họ phát triển cơ sở hạ tầng hỗ trợ mọi loại hình thể thao, dù là trên không, dưới nước, trên đất liền hay trên núi. Nếu nói về một môn thể thao cụ thể, Nhật Bản chủ yếu dành cho các môn Võ thuật như: Judo, Karate, Sumo… Mọi người từ khắp nơi trên thế giới đến Nhật Bản để xem các sự kiện liên quan, mang lại những tác động tích cực đến xu hướng thị trường du lịch thể thao của Nhật Bản. Kể từ đầu những năm 2000, Chính phủ Nhật Bản đã coi du lịch là một ngành công nghiệp tăng trưởng quan trọng để đóng góp và phục hồi nền kinh tế trì trệ.

Liên minh Du lịch - Thể thao Nhật Bản (JSTA) được thành lập vào năm 2012 để thực hiện chính sách về du lịch thể thao. Chính phủ Nhật Bản ban hành Luật Cơ bản về Thể thao, quy định cụ thể vai trò của thể thao trong việc hồi sinh các cộng đồng, xã hội và nền kinh tế khu vực. Hơn nữa, để hiện thực hóa những ý tưởng cơ bản trong luật, Chính phủ Nhật Bản đã xây dựng Kế hoạch Cơ bản về Thể thao vào năm 2012 và Kế hoạch Cơ bản về Thể thao thứ hai vào năm 2016. Trong Kế hoạch Cơ bản về Thể thao thứ hai, thể thao được lựa chọn là một trong những động lực kinh tế quan trọng để phục hồi nước Nhật. Kế hoạch này cũng nhằm thúc đẩy du lịch thể thao để tạo ra các doanh nghiệp mới trong các vùng và nhằm mục đích thành lập 170 Ủy ban thể thao, có mục tiêu là hồi sinh nền kinh tế khu vực bằng cách thu hút và hỗ trợ các hoạt động thể thao, sự kiện và các trại tập của các đội thể thao chuyên nghiệp và nghiệp dư.

Hoàng Hà (Future Marketing Sights)