Năm 2016, Mạng lưới chính sách thể thao APEC được thành lập do Đài Bắc - Trung Quốc khởi xướng và được hỗ trợ bởi các nước thành viên từ Indonesia, Nhật Bản, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam. Mạng lưới chính sách thể thao APEC đã trở thành nơi kết nối cho sự hợp tác giữa đại diện các cơ quan quản lý và chuyên gia thể thao trong khối các nước thành viên APEC.
Đây là Hội thảo quốc tế thuộc hệ thống mạng lưới chính sách về thể thao các nước khối APEC (ASPN) với sự tham gia của đại diện của các cơ quan quản lý, trường Đại học và tổ chức thể thao đến từ: Nhật Bản, Việt Nam, Hàn Quốc, Đài Loan, Indonesia, Malaysia, Singapore, Mỹ và đại diện các đơn vị, thương hiệu, công ty lớn trên thế giới tại Đài Loan, Nhật Bản, Thái Lan, Ấn Độ, Thụy Sỹ, Ukraine hoạt động trong lĩnh vực thể thao: Kinh tế thể thao, Du lịch thể thao, Khởi nghiệp thể thao, Đổi mới thể thao, công nghệ thể thao.
Trong chương trình Hội thảo, các thành viên đã thăm và làm việc với đại diện Liên minh Thể thao Du lịch Nhật Bản; tham dự cuộc họp bàn tròn giao lưu chia sẻ giữa các thành viên ASPN tại Tokyo Midtown Hall & Conference về kinh nghiệm trong vấn đề phát triển thể thao ở các nước khối ASEAN.
Hội thảo đã diễn ra với nhiều nội dung: Phiên thảo luận giữa các nhà quản lý thể thao đến từ 5 quốc gia với chủ đề Yong and Green, chia sẻ kinh nghiệm và thực tiễn về cách quảng bá các sự kiện thể thao thế giới tới giới trẻ; thảo luận về thể thao điện tử trong xu hướng của giới trẻ cũng như cách kết hợp thể thao điện tử với các vấn đề môi trường hiện nay với mục tiêu nâng cao tính bền vững của sự phát triển thể thao và phương pháp quản lý sự kiện và mội trường liên quan đến lĩnh vực thể thao.
Tại Hội thảo, bà Lê Thị Hoàng Yến - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục thể thao - đã tham gia đối thoại và chia sẻ kinh nghiệm trong quá trình tổ chức SEA Games 31 với chủ đề "Green SEA Games".
Trong chương trình, các thành viên ASPN cũng đã tham gia trài nghiệm tham quan các gian hàng giới thiệu về các sản phẩm, chương trình đổi mới thể thao, công nghệ thể thao với sự tham gia của 10 công ty đến từ các 5 quốc gia Đài Loan, Ukraina, Ấn Độ, Canada và Thụy Sỹ. Nhìn chung các công ty đều rất xuất sắc khi đã giới thiệu đến những sản phẩm thể thao liên quan đến công nghệ mới, biết vận dụng và sử dụng những thành quả của cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0.
Tiếp nối thành công của các chương trình Demo Day, HYPE tiến hành phiên thảo luận với chủ đề xây dựng chiến lược xâm nhập thị trường có sự tham dự của các công ty khởi nghiệp xuất sắc từ HYPE GVA TW (HYPE Global Virtual Accelerator Taiwan) cùng chia sẻ những kinh nghiệm và cái nhìn sâu sắc về triển vọng phát triển thị trường công nghệ thể thao.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục thể thao Lê Thị Hoàng Yến cho biết: "Tại Hội thảo có nhiều phần thuyết trình và diễn thuyết nêu bật tầm quan trọng của sự kết hợp công nghệ thể thao. Các diễn giả đã có những chia sẻ mang tầm chiến lược trong việc phát triển thể thao đến giới trẻ thông qua thể thao điện tử, cũng là phát triển nền công nghiệp thể thao liên quan đến bảo vệ môi trường, nhằm tìm hướng đi đổi mới cho sự phát triển thể thao trong tương lai".
Hội thảo cũng tạo ấn tượng sâu sắc với những phần giới thiệu xuất sắc của các công ty phát triển công nghệ thể thao, hỗ trợ hoạt động thể thao giới trẻ nâng cao sức khỏe cũng như các vấn đề bảo vệ môi trường hiện nay. Vì vậy những thông tin chia sẻ và trao đổi tại Hội thảo rất có giá trị tham khảo về chính sách và cơ chế của mỗi quốc gia trong việc kết hợp công nghệ thể thao với bảo vệ môi trường. Ngoài ra đây còn là cơ hội mở để kết nối hơn nữa các nền kinh tế khối APEC.
Theo bà Lê Thị Hoàng Yến: Tư duy đổi mới trong thể thao là rất quan trọng để mỗi nền thể thao các quốc gia có thể bắt kịp xu thế phát triển trên thế giới, hỗ trợ một cách hiệu quả cho các nhà quản lý thể thao, các trường Đại học thể thao, các tổ chức thể thao chuyên nghiệp được tiếp cận sớm với những tiến bộ về khoa học công nghệ và kỹ thuật cao hiện đại, nhằm nâng cao thành tích thể thao nhanh chóng cũng như ý thức bảo vệ môi trường hiện nay.