Theo thông tin từ Hiệp hội Paralympic Việt Nam, số lượng thành viên Đoàn Thể thao người khuyết tật Việt Nam tham dự ASEAN Para Games 11 là 155 người, gồm: 122 vận động viên; 17 huấn luyện viên, 16 cán bộ đoàn (Trưởng đoàn, phó đoàn, bác sĩ, phiên dịch, cán bộ đoàn). Đoàn sẽ tham dự 8 môn thể thao: Điền kinh, bơi, cử tạ, cầu lông, bóng bàn, cờ vua, judo và bắn cung.
Đoàn dự kiến thời gian đi và về theo các phương án nhằm đảm bảo thuận lợi nhất cho các cán bộ, huấn luyện viên, vận động viên. Đoàn tiền trạm đi ngày 24/7 gồm 3 người sẽ đi Indonesia để tham dự cuộc họp ngày 25/7 và hoàn tất các thủ tục lệ phí với Ban Tổ chức, chuẩn bị đón đoàn chính thức. Đoàn Thể thao người khuyết tật Việt Nam lên đường ngày 26/7. Thời gian về của đoàn là ngày 7/8. Lễ xuất quân dự kiến tổ chức tại Trung tâm Huấn luyện thể thao Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh ngày 23/7.
Từ nay đến đó, Hiệp hội Paralympic Việt Nam sẽ phối hợp với Văn phòng Tổng cục Thể dục thể thao chuẩn bị trang phục (thi đấu và biểu diễn), cơ sở vật chất, dụng cụ thiết bị tập luyện và thi đấu của các môn, kinh phí, quà lưu niệm, cờ, phù hiệu…
Ông Trần Đức Thọ - Tổng Thư ký Hiệp hội Paralympic Việt Nam - cho biết, kỳ tham dự ASEAN Para Games của các vận động viên gần đây nhất là năm 2017 (Para Games 10 không được tổ chức). Bên cạnh đó sau 2 năm do ảnh hưởng dịch COVID-19, Thể thao người khuyết tật Việt Nam trải qua một giai đoạn vất vả, khó khăn. Các vận động viên ít có cơ hội cọ xát tại các giải trong nước và quốc tế. Đến tháng 5/2022 mới có thông báo chính thức của Liên đoàn thể thao người khuyết tật Đông Nam Á và nước chủ nhà về thời gian chính thức tổ chức ASEAN Para Games 11 là từ ngày 30/7 đến hết ngày 6/8 tại thành phố Solo - Indonesia.
Hiệp hội tuyển chọn vận động viên dựa trên chủ trương ngày 2/3/2022 của Tổng cục Thể dục thể thao về việc cử đoàn tham dự Đại hội trên cơ sở lực lượng vận động viên, huấn luyện viên trong danh sách tham dự ASEAN Para Games 10 năm 2019 tại Indonesia. Hiệp hội đã xây dựng Quy chế tuyển chọn năm 2022 được dựa trên Danh sách trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch năm 2019 (ASEAN Para Games 10) và bổ sung thêm vận động viên có triển vọng tại giải vô địch quốc gia năm 2020 đối với môn có thông số và năm 2020, 2022 đối với môn không có thông số. Tuy nhiên, khó khăn tại Đại hội lần này là các vận động viên không được tập huấn trước giải. Hiện nay, chỉ có 30 vận động viên đang tập huấn tại Trung tâm Huấn luyện Thể thao quốc gia thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng. Hiệp hội không đặt ra mục tiêu thứ hạng tại ASEAN Para Games 11 mà chỉ động viên các vận động viên cố gắng thi đấu hết mình, vượt qua chính mình.
Với 8 môn thi đấu tại ASEAN Para Games 11, Thể thao người khuyết tật Việt Nam có thế mạnh ở 3 môn điền kinh, bơi, cử tạ. Trong đó đội tuyển cử tạ cùng với Lê Văn Công còn là những cái tên như Đặng Thị Linh Phượng (hạng 50 kg), Châu Hoàng Tuyết Loan (55 kg), Nguyễn Bình An (54 kg nam)… đều là những vận động viên hàng đầu của Cử tạ người khuyết tật Việt Nam được hy vọng sẽ giành huy chương vàng tại Đại hội. Ở môn điền kinh, các vận động viên đã thi đấu thành công tại giải Grand Prix Điền kinh thể thao người khuyết tật vừa diễn ra tại Tunisia: Cao Ngọc Hùng giành huy chương bạc ném lao với thành tích 44,06m; Nguyễn Thị Hải giành huy chương đồng đẩy tạ nữ hạng thương tật F56-57 với thành tích 8,30m cùng 686 điểm; Nguyễn Ngọc Hiệp, T11, chạy 100m, huy chương đồng, 400m huy chương vàng; Trần Văn Nguyên, đẩy tạ đạt huy chương bạc... Ở môn bơi với các vận động viên giàu thành tích như Võ Thanh Tùng, Trịnh Thị Bích Như, Nguyễn Thanh Hải, Nguyễn Thành Trung...
Tham dự ASEAN Para Games 11, các cán bộ, huấn luyện viên, vận động viên sẽ có cơ hội được giao lưu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm và tăng cường tình đoàn kết với các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á. Đồng thời, đây cũng là dịp để kiểm tra, đánh giá năng lực, trình độ chuyên môn của các vận động viên chuẩn bị tham dự ASIAN Para Games 4 tại Hàng Châu - Trung Quốc và Paralympic Paris 2024.