Tranh luận về diện tích quảng cáo trên báo, tạp chí truyền thống
Góp ý về quảng cáo sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt, có 2 loại ý kiến khác nhau, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp) tán thành với Ban soạn thảo về loại ý kiến thứ nhất là bổ sung quy định yêu cầu về nội dung quảng cáo sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt đã nêu trong dự thảo Luật. Tuy nhiên trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện nếu có vấn đề phát sinh thêm các loại quảng cáo hàng hóa khác thì đề nghị giao cho Chính phủ quy định chi tiết, cụ thể nội dung này.
Về quảng cáo trên báo in, có 2 loại ý kiến về vấn đề này. Tuy nhiên, đại biểu đề xuất thêm ý kiến thứ ba và cho rằng, hiện nay thị phần quảng cáo trên báo in giảm mạnh, việc điều chỉnh diện tích quảng cáo trên báo in sẽ giải quyết căn bản khó khăn cho các cơ quan báo chí trong việc thực hành tự chủ tài chính. Vì vậy, đại biểu Phạm Văn Hòa đề nghị nghiên cứu phương án lược bỏ các quy định giới hạn về tỉ lệ diện tích quảng cáo trên báo, tạp chí truyền thống để cơ quan báo chí tự quyết định diện tích quảng cáo theo nhu cầu bạn đọc và nhu cầu của thị trường.
Về quảng cáo trên báo nói, báo hình, có 2 loại ý kiến về nội dung này, đại biểu Phạm Văn Hòa cho rằng, đây là vấn đề rất cần thiết mà chúng ta nên quan tâm, đề nghị đánh giá tác động chính sách nhằm tăng tính thuyết phục để quảng cáo trên truyền hình tăng từ 5-10%, đồng thời cần xem xét quảng cáo trong thời điểm nào cho phù hợp.
Liên quan đến quảng cáo trên mạng, đại biểu cho rằng, hiện nay có những hình ảnh, sản phảm quảng cáo không phù hợp với thực tế cuộc sống. Do đó, cần quan tâm hơn nữa đến quảng cáo trên mạng, người kinh doanh dịch vụ quảng cáo (gồm cả trên mạng, trên phim ảnh, truyền hình, trên báo) cần chịu trách nhiệm về nội dung quảng cáo của mình và sản phẩm mà mình đang quảng cáo. Đồng thời cần quy định rạch ròi, cụ thể những đối tượng chịu trách nhiệm cụ thể về hành vi quảng cáo.
Về tỷ lệ diện tích, vị trí quảng cáo đối với từng loại hình báo chí khác nhau
Thống nhất việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo, đại biểu Trần Thị Thanh Hương (Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang) cho rằng, đây là những vấn đề rất thiết thực nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế, bất cập, góp phần xây dựng thị trường quảng cáo Việt Nam phát triển vì lợi ích chung của toàn xã hội.
Góp ý về quảng cáo trên báo in, báo nói, báo hình, đại biểu Trần Thị Thanh Hương cho rằng, trước xu thế phát triển của quảng cáo trên mạng thì việc tăng diện tích, tăng thời lượng quảng cáo cho báo chí là một trong những yếu tố quan trọng và rất cần thiết, phần nào góp phần cho các cơ quan báo chí tăng nguồn thu, giải quyết khó khăn trong việc thực hiện tự chủ tài chính. Tuy nhiên, quan trọng vẫn là đổi mới, nâng cao chất lượng chương trình và tăng chất lượng cho các nội dung quảng cáo chứ không chỉ tăng thời lượng, diện tích quảng cáo lên quá nhiều, dễ ảnh hưởng đến thị hiếu của bạn đọc, bạn xem đài.
Vì vậy, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, đánh giá kỹ tác động để việc quy định tăng diện tích, thời lượng quảng cáo có tỷ lệ thực sự phù hợp và thuyết phục hơn. Bên cạnh đó, cần có những quy định ràng buộc về tỷ lệ diện tích, vị trí quảng cáo đối với từng loại hình báo chí khác nhau.
Rà soát nội dung về “người chuyển tải sản phẩm quảng cáo”
Phát biểu góp ý tại Phiên họp, đại biểu Trần Thị Thu Hằng (Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông) bày tỏ quan tâm đến nội dung về người chuyển tải sản phẩm quảng cáo được quy định tại dự thảo Luật, đặc biệt về quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của người chuyển tải quảng cáo…
Đại biểu cho biết, khoản 8 Điều 2 của dự thảo Luật quy định: “Người chuyển tải sản phẩm quảng cáo là người trực tiếp quảng cáo các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ thông qua hoạt động của mình trên mạng xã hội, trong sản phẩm quảng cáo hoặc thông qua hình thức mặc, treo, gắn, dán, vẽ hoặc các hình thức tương tự”.
Về nội dung này, đại biểu đề nghị cần nghiên cứu rà soát, điều chỉnh, bổ sung khái niệm “người chuyển tải sản phẩm quảng cáo” vì quy định về người chuyển tải sản phẩm quảng cáo có hoạt động “trên mạng xã hội” là phạm vi còn nhỏ hẹp, chưa đầy đủ. Trên thực tế có thể thấy, quảng cáo hiện nay nổi bật 2 xu hướng là quảng cáo trên truyền hình và quảng cáo trên internet.
Đối với quảng cáo trên truyền hình, đại biểu cho biết, nhiều năm qua, truyền hình đã trở thành phương tiện thông tin không thể thiếu trong mỗi gia đình, trở thành một loại hình tương tác hai chiều với phạm vi tác động rất rộng và khả năng hội tụ công chúng một cách đông đảo. Chính vì thế, đây là hình thức mà các nhà sản xuất, doanh nghiệp quảng cáo quan tâm, lựa chọn đầu tiên trong chiến lược quảng bá sản phẩm hàng hóa, dịch vụ đến người tiêu dùng. Khái niệm tại dự thảo Luật cũng đã bỏ qua phạm vi “trên truyền hình” này.
Đối với hình thức quảng cáo trên internet, quảng cáo thông qua các mạng xã hội như Facebook, Zalo, You Tube, Instagram,... hiện đang phát triển rất mạnh ở nước ta. Điều đó có nghĩa là quảng cáo trên internet có sự tương tác cao, tạo cơ hội cho các nhà quảng cáo nhắm chính xác vào khách hàng của mình, tiến hành quảng cáo theo đúng sở thích và thị hiếu của người dân.
Xét về tính chất, đặc điểm thì mạng xã hội là một trong những ứng dụng được sử dụng trên nền tảng internet. Do đó, đại biểu cho rằng, sử dụng khái niệm người chuyển tải sản phẩm quảng cáo có hoạt động “trên internet” sẽ khái quát hơn. Việc mở rộng phạm vi “trên mạng xã hội” thành “trên internet” cũng phù hợp với định nghĩa tại khoản 1 Điều 23 dự thảo Luật: “Hoạt động quảng cáo trên mạng bao gồm: Quảng cáo trên báo điện tử, trang thông tin điện tử, mạng xã hội, ứng dụng trực tuyến, thiết bị quảng cáo, sử dụng phương tiện điện tử, thiết bị đầu cuối, các thiết bị viễn thông khác có kết nối mạng viễn thông, mạng internet”…
Đặc biệt đại biểu đề nghị xem xét lại tiêu đề của Điều 15a về “Quyền và nghĩa vụ của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo” vì các nội dung quy định tại Điều 15a là nghĩa vụ của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo chứ không nhắc đến quyền của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo.
Bên cạnh đó, đại biểu đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu bổ sung một số quyền và lợi ích hợp pháp của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo như: Quyền được doanh nghiệp, nhà sản xuất thuê làm người chuyển tải sản phẩm quảng cáo phải cung cấp đầy đủ thông tin về sản phẩm quảng cáo…
Tại khoản 2 Điều 15a quy định người chuyển tải sản phẩm quảng cáo: “Chịu trách nhiệm liên đới trong trường hợp nội dung quảng cáo không bảo đảm các yêu cầu theo quy định tại Luật này”. Về nội dung này, đại biểu đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo xem xét lại tính hợp lý và khả thi, bởi người chuyển tải sản phẩm quảng cáo được thuê với mức thù lao như ngày công lao động thông thường để mặc trang phục, đi diễu hành nhằm gây sự chú ý, từ đó đạt được mục đích quảng bá sản phẩm của nhà sản xuất, kinh doanh, thì những người này không đủ chuyên môn và trình độ, điều kiện để kiểm tra sản phẩm quảng cáo.
Về thiết kế có tính năng lựa chọn hoặc không lựa chọn quảng cáo
Đóng góp ý kiến vào dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo, đại biểu Nguyễn Minh Tâm (Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình) cho rằng, nội dung quảng cáo đối với hàng hóa, dịch vụ đặc biệt được phân cấp nên giao cho Chính phủ quy định. Còn đối với quảng cáo trên mạng có nhiều nội dung chưa phù hợp với đối tượng như trẻ em thì Ban soạn thảo dự án Luật nên thiết kế có tính năng lựa chọn hoặc không lựa chọn quảng cáo...
Theo đại biểu Nguyễn Minh Tâm, hiện nay, việc sử dụng các phương tiện điện tử kết nối Internet được tất cả lứa tuổi sử dụng, bao gồm cả trẻ em. Trong khi đó, việc quảng cáo trên các phương tiện điện tử là hoạt động tự động, không phụ thuộc vào sự lựa chọn của người sử dụng. Mặt khác, hoạt động quảng cáo trên mạng rất đa dạng, bao gồm cả các nội dung nhạy cảm và thậm chí có yếu tố không phù hợp với một số đối tượng, lứa tuổi.
Tuy nhiên, tại điểm b khoản 2 Điều 23 mới chỉ quy định: “Đối với những quảng cáo không ở vùng cố định, phải thiết kế tính năng để có thể tắt quảng cáo trong thời gian không quá 06 giây kể từ khi bắt đầu quảng cáo và không quá 2 lần quảng cáo liên tiếp; cho phép từ chối quảng cáo hoặc báo nội dung quảng cáo không phù hợp”.
Đại biểu Nguyễn Minh Tâm cho rằng, với thời gian 6 giây thì người sử dụng mạng cũng đã nhận biết, tiếp cận được hết nội dung quảng cáo, bao gồm cả nội dung quảng cáo không mong muốn. Do đó, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo dự án Luật nghiên cứu quy định theo hướng phải thiết kế tính năng có sự lựa chọn quảng cáo hay không quảng cáo.
Cân bằng lợi ích khi quảng cáo trên truyền hình
Góp ý về quảng cáo trên báo in, theo đại biểu Hoàng Thị Thanh Thúy (Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh) tại Điều 21 của Luật quảng cáo năm 2012. Theo đó, diện tích quảng cáo không được vượt quá 30% tổng diện tích một ấn phẩm báo hoặc 40% tổng diện tích một ấn phẩm tạp chí, trừ báo tạp chí chuyên quảng cáo phải có dấu hiệu để phân biệt quảng cáo với các nội dung khác.
Đại biểu cho rằng, cần cân nhắc để điều chỉnh tăng gấp đôi diện tích quảng cáo so với quy định tại Điều 21 của luật hiện hành. Tăng diện tích quảng cáo như vậy là quá cao, không chỉ ảnh hưởng đến khối lượng, chất lượng của thông tin chính thống, mà cũng gây ảnh hưởng trái chiều, phản ứng trái chiều từ phía độc giả.
Vì vậy, đại biểu đề xuất diện tích quảng cáo không vượt quá 20% tổng diện tích của một sản phẩm báo hoặc 30% tổng diện tích của một ấn phẩm tạp chí từ báo, tạp chí chuyên quảng cáo phải có dấu hiệu phân biệt quảng cáo với các nội dung khác.
Về quảng cáo trên báo nói, báo hình, đại biểu cho biết, Điều 22 của luật hiện hành được sửa như sau: “Mỗi chương trình vui chơi giải trí không được ngắt để quảng cáo quá 4 lần, mỗi lần không quá 5 phút. Mỗi chương trình phim truyện có thời lượng dưới 30 phút được ngắt để quảng cáo hai lần, cứ mỗi 15 phút tăng trong thời lượng chương trình được ngắt quảng cáo thêm 1 lần; mỗi lần ngắt để phát quảng cáo không quá 5 phút.”
Theo đại biểu, tổng một chương trình vui chơi giải trí 60 phút thì có 40 phút nội dung, 20 phút quảng cáo; tổng một chương trình phim truyện chiếu 60 phút thì 45 phút chiếu phim và 15 phút quảng cáo (quảng cáo 3 lần). Như vậy, thời lượng quảng cáo chiếm khoảng 1/3 thời lượng chương trình vui chơi giải trí/phim.
Với quy định này dự thảo Điều 22 Luật Quảng cáo đã quy định rõ hơn phạm vi thời lượng quảng cáo đối với chương trình vui chơi giải trí/phim; gia tăng thời gian quảng cáo và số lần quảng cáo, tuy nhiên chưa thực sự quan tâm đến quyền lợi của người xem truyền hình.
Đại biểu cho rằng, để cân bằng được lợi ích giữa các Đài truyền hình với người sử dụng dịch vụ truyền hình, cần điều chỉnh quy định số lần ngắt, thời gian quảng cáo phù hợp với thời lượng các tập phim (như dự thảo là quá nhiều). Báo cáo tổng kết thi hành Luật Quảng cáo cần phải khảo sát về ý kiến của người xem truyền hình trong việc tăng thời lượng quảng cáo và số lần quảng cáo. Bên cạnh đó, việc quy định khống chế thời lượng quảng cáo là cần thiết, một chương trình giải trí hoặc 1 bộ phim không nên quá 1/5 thời lượng chương trình dành cho quảng cáo và ngắt không quá 2 lần.
Đối với quảng cáo trên báo điện tử và trang thông tin điện tử (Điều 23), đại biểu cho biết, dự thảo Luật Quảng cáo sửa theo hướng từ gia tăng “thời gian chờ tắt hoặc mở quảng cáo tối đa là 1,5 giây” thành “phải thiết kế tính năng để có thể tắt quảng cáo trong thời gian không quá 06 giây kể từ khi bắt đầu quảng cáo và không quá 02 lần quảng cáo liên tiếp; cho phép từ chối quảng cáo hoặc báo nội dung quảng cáo không phù hợp”. Điều này góp phần hỗ trợ các doanh nghiệp, các trang thông tin điện tử và báo điện tử. Tuy nhiên, lại ảnh hưởng trực tiếp đến độc giả, đối tượng sử dụng/tiếp cận thông tin. Vì vậy, theo đại biểu, việc tăng thời hạn cho phép đóng, mở quảng cáo cần được thực hiện sau khi đã đánh giá và khảo sát ý kiến của đối tượng tiếp nhận quảng cáo/ độc giả sử dụng các trang thông tin điện tử và báo điện tử này.