Thái Nguyên phát triển Võ cổ truyền trong trường học

Từ cuối năm 2024, ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thái Nguyên đã xây dựng và triển khai kế hoạch đưa Võ cổ truyền vào trường học, nhằm đẩy mạnh phát triển môn thể thao này, giúp học sinh được tiếp cận và hiểu biết thêm về Võ Việt Nam, gìn giữ và phát huy tinh hoa Võ cổ truyền dân tộc. 

Ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thái Nguyên đề ra mục tiêu: Phấn đấu đến hết năm 2025, 30% các trường Tiểu học, THCS, THPT, Cao đẳng trên địa bàn tỉnh có câu lạc bộ Võ cổ truyền được thành lập và đi vào hoạt động; phấn đấu đến năm 2030; 100% các trường Tiểu học, THCS, THPT, Cao đẳng trên địa bàn tỉnh có câu lạc bộ Võ cổ truyền được thành lập và đi vào hoạt động...

vo-1-1744101625.jpg

Để đạt được mục tiêu trên, Sở Giáo dục và Đào tạo Thái Nguyên đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục tập trung phát triển Võ cổ truyển nhằm nâng cao trình độ chuyên môn cho giáo viên và học sinh trong toàn ngành Giáo dục; Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn, vận động giáo viên, học sinh tham gia tập luyện Võ cổ truyền nhằm nâng cao sức khỏe để học tập, lao động; phối hợp với các cơ quan, tổ chức, đơn vị có liên quan chủ động triển khai thực hiện các nhiệm vụ đảm bảo đạt mục tiêu, chất lượng, hiệu quả...

Ngành Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức tập huấn cho cán bộ quản lý và giáo viên giáo dục thể chất nhằm nâng cao trình độ về võ cổ truyền; Triển khai nội dung gắn với hoạt động của trường, giúp học sinh rèn luyện thể chất, nâng cao sức khỏe để học tập, lao động cũng như nâng cao tính kỷ luật, kiên trì; Yêu cầu các Phòng Giáo dục và Đào tạo, các trường học tổ chức các giải thi đấu Võ cổ truyền hằng năm và chuẩn bị lực lượng tham gia cấp tỉnh và tại Hội khoẻ Phù Đổng bắt đầu từ năm 2025. Qua đó, thúc đẩy và phát triển phong trào thanh thiếu niên, học sinh, tập luyện và thi đấu môn Võ cổ truyền.

Đến nay, 9/9 phòng Giáo dục và Đào tạo huyện, thành đã xây dựng kế hoạch chỉ đạo các trường Tiểu học, THCS xây dựng, triển khai kế hoạch và thành lập câu lạc bộ Võ cổ truyền; 100% trường THPT đã xây dựng kế hoạch phát triển Võ cổ truyền Việt Nam. 71/427 trường phổ thông (bằng 16,6%) đã thành lập và hoạt động câu lạc bộ Võ cổ truyền (trong đó có 38 trường Tiểu học, 17 trường THCS và 16 trường THPT). Phòng Giáo dục và Đào tạo Sông Công, thành phố Thái Nguyên và huyện Định Hóa đã tổ chức tập huấn Võ cổ truyền cho giáo viên Giáo dục thể chất cấp Tiểu học, THCS và triển khai khá tích cực các nội dung, hoạt động.

Các cơ sở giáo dục đã tăng cường tuyên truyền mục đích, ý nghĩa của Võ cổ truyền, thành lập câu lạc bộ võ cổ truyền; duy trì hoạt động thông qua môn học Giáo dục thể chất, thể dục buổi sáng, thể dục giữa giờ và hoạt động ngoại khóa, thu hút đông đảo học sinh tham gia.

Nội dung hoạt động phong phú, hấp dẫn, đảm bảo mục tiêu chung chương trình giáo dục thể chất của cấp học và phát huy tối đa giáo dục toàn diện đối với học sinh. Một số trường học đã tạo điều kiện để học sinh tham gia biểu diễn Võ cổ truyền tại một số sự kiện thể dục thể thao, các hoạt động của nhà trường.

vo-1744101673.jpg

Các trường học đã tích cực đưa các bài Võ cổ truyền vào dạy, tập luyện cho học sinh, như: Cấp tiểu học (Căn bản công pháp số 1, Thần Đồng Quyền, Lão Hổ Thượng Sơn); cấp THCS (Căn bản công pháp số 2, Ngọc Trần Quyền; Hùng Kê Quyền); Cấp THPT (Căn bản công pháp số 3; Lão Mai Quyền; Phong Hoa Đao). Một số trường đã tổ chức cho học sinh luyện tập, đồng diễn võ cổ truyền trong thể dục giữa giờ, thể dục buổi sáng, các ngày học trong tuần. Từ đó, tạo ra không khi tập luyện sôi nổi, thu hút sự thích thú, hăng say tập luyện của các em học sinh.

Nhằm tiếp tục phát triển mạnh mẽ phong trào tập luyện Võ cổ truyền trong trường học, thời gian tới, Sở Giáo dục và Đào tạo Thái Nguyên phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Liên đoàn Võ thuật tỉnh tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ, kỹ năng giảng dạy; mời các võ sư, chuyên gia Võ thuật cổ truyền bồi dưỡng, nâng cao chuyên môn cho đội ngũ giáo viên thể dục để triển khai hiệu quả nội dung học tập và phát triển mạnh mẽ môn Võ cổ truyền trong các trường học.

Minh Anh