Thách thức ngoài chuyên môn ở môn Cầu lông tại SEA Games 32

Ông Rionny Mainaky - Trưởng ban Huấn luyện và Thành tích của Hiệp hội Cầu lông Indonesia (PBSI) - cho biết, điều khiến các vận động viên cầu lông cảm thấy e ngại tại SEA Games 32 lần này không hoàn toàn chỉ nằm ở các cuộc tranh tài trên sân, mà còn ở một yếu tố nằm ngoài chuyên môn mà ít ai ngờ tới…

badmintonhallmorodoktecho2-latihanperdana-seagames2023-pbsi-20230506-1683436044.jpg
Đội tuyển cầu lông Indonesia đã thử 2 sân tại Nhà thi đấu Cầu lông Morodok Techo

Đội cầu lông Indonesia đã thử 3 sân tại Nhà thi đấu Cầu lông Morodok Techo trong buổi tập đầu tiên trước thềm SEA Games 2023 ở Phnom Penh (Campuchia). Sự khác biệt đáng kể về nhiệt độ trong nhà và ngoài trời tại Phnom Penh là mối e ngại lớn nhất - theo lời Trưởng ban Huấn luyện và Thành tích tại Hiệp hội Cầu lông Indonesia (PBSI) Rionny Mainaky. 

Đội tuyển cầu lông Indonesia đang ở Campuchia để tham dự SEA Games 32 và theo Mainaky, nhiệt độ bên ngoài rất nóng trong khi nhà thi đấu trong nhà lại rất lạnh là yếu tố ảnh hưởng lớn tới sức khỏe các vận động viên. "Các vận động viên phải làm quen với thời tiết ở đây. Bên ngoài thì rất nóng nhưng trong nhà thì lạnh. Họ phải giữ gìn thể trạng, tập trung và chú ý", ông nói trong cuộc trao đổi ngày 4/5. Ông nói thêm, sự khác biệt đáng kể về nhiệt độ có thể ảnh hưởng đến sức bền và khả năng chịu đựng của các vận động viên khi thi đấu ở Phnom Penh. Về mặt kỹ thuật, các vận động viên còn phải thích nghi với quả cầu vì nó nhẹ hơn bình thường một chút. 

Tuy nhiên, PBSI cũng dành lời ca ngợi cho công tác chuẩn bị của Ban tổ chức, từ nhà thi đấu, chỗ ở và các cơ sở hỗ trợ khác. Mặc dù một số khía cạnh được cho là chưa sẵn sàng, Mainaky nói rằng nhà thi đấu và làng vận động viên đã không làm mọi người thất vọng. "Họ chuẩn bị sẵn xe đưa đón từ Làng vận động viên đến địa điểm thi đấu dù quãng đường rất ngắn. Điều này giúp chúng tôi rất nhiều vì không phải đi bộ dưới trời nắng nóng như thiêu như đốt. Trang thiết bị tập luyện khá hiện đại, dù trước đó nó được cho là chưa sẵn sàng. Tất cả đã không làm mọi người thất vọng…", ông Mainaky nói thêm. 

Môn Cầu lông tại SEA Games năm nay khởi tranh từ ngày 8 đến 16/5. Các vận động viên sẽ tham gia tranh tài ở 7 nội dung cơ bản là: đơn nam, đơn nữ, đôi nam, đôi nữ, đôi nam nữ, đồng đội nam, đồng đội nữ. Ngoài ra, lần đầu tiên ở SEA Games 32, Ban Tổ chức có thêm nội dung thứ 8 ở môn này là đồng đội hỗn hợp. Nội dung thứ 8 chỉ dành cho những nước chưa từng có huy chương môn Cầu lông và đây được coi là nội dung lạ, mới chỉ được tổ chức ở các giải câu lạc bộ quốc tế mở rộng, giải châu Á, thế giới nhưng chưa từng có trong lịch sử SEA Games, ASIAD hay Olympic. Ở nội dung này, các đội thi đấu 5 trận thắng 3, mỗi trận có 5 nội dung là đơn nam, đơn nữ, đôi nam, đôi nữ, đôi nam nữ.

Điều đặc biệt là Ban Tổ chức SEA Games 32 chỉ giới hạn 5 quốc gia tham dự nội dung thứ 8 này gồm: Myanmar, Lào, Timor Leste, Brunei và chủ nhà Campuchia. Việc chỉ giới hạn 5 quốc gia trên tham dự được Ban Tổ chức bộ môn cầu lông SEA Games 32 lý giải là tạo cơ hội cho các nước chưa từng có huy chương ở môn Cầu lông ở đấu trường khu vực.

Các quốc gia Đông Nam Á như: Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Singapore sở hữu các tay vợt hàng đầu thế giới, vì thế thường xuyên thống trị đấu trường SEA Games. Cầu lông Việt Nam chưa có huy chương vàng SEA Games nhưng vẫn có huy chương đồng, gần nhất ở SEA Games 31, các tuyển thủ cầu lông Việt Nam đoạt 3 huy chương đồng các nội dung đơn nam, đồng đội nữ, đôi nam nên không được xếp ở nhóm đấu nội dung đồng đội hỗn hợp.

Phương Hạnh