Tăng trách nhiệm của người có tầm ảnh hưởng khi tham gia quảng cáo

Trong Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của Luật Quảng cáo, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề xuất bổ sung nội dung: người chuyển tải sản phẩm quảng cáo có tầm ảnh hưởng khi đăng tải ý kiến, cảm nhận về việc sử dụng hàng hóa, dịch vụ trên mạng xã hội khi có bằng chứng cụ thể về việc trực tiếp sử dụng sản phẩm.

quang-cao-1710131191.jpg
Ảnh minh họa

Luật Quảng cáo được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 21/6/2012, thay thế cho Pháp lệnh Quảng cáo năm 2001, đánh dấu một bước phát triển quan trọng trong việc hoàn thiện hệ thống pháp luật về quảng cáo tại Việt Nam, phù hợp với sự phát triển của hoạt động quảng cáo và xu thế hội nhập quốc tế. 

Theo đó, Luật Quảng cáo ra đời đã điều chỉnh toàn diện các vấn đề liên quan đến hoạt động quảng cáo, từ quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân trong hoạt động quảng cáo; trách nhiệm quản lý nhà nước; các hành vi cấm; yêu cầu, điều kiện đối với nội dung quảng cáo; phương tiện quảng cáo cho đến các loại hình quảng cáo có yếu tố nước ngoài. Luật Quảng cáo đã góp phần tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh bình đẳng, thông thoáng, tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận các thủ tục và dịch vụ công, huy động tối đa các nguồn lực trong và ngoài nước cho đầu tư phát triển kinh tế - xã hội. 

Sau hơn 10 năm triển khai thi hành Luật, hoạt động quảng cáo đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, các quy định của pháp luật về quảng cáo đã tạo cơ sở pháp lý sự phát triển của ngành Quảng cáo theo hướng công khai, minh bạch, nhất là trong bối cảnh hội nhập kinh tế, giao thoa văn hoá và thị trường thương mại tự do. 

Thông qua các cơ chế, chính sách, văn bản pháp luật về quảng cáo được ban hành, hoạt động quảng cáo đã phát triển mạnh mẽ không chỉ với sự gia tăng cả về số lượng, chất lượng cũng như doanh thu của các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực này mà còn đóng góp cho việc kinh doanh hàng hóa, dịch vụ với vai trò cầu nối giữa người sản xuất, người kinh doanh và người tiêu dùng.  Tuy nhiên, trước những yêu cầu và đòi hỏi cấp bách từ thực tiễn, hệ thống pháp luật về quảng cáo đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập, trong đó một số quy định của pháp luật về nội dung và hình thức quảng cáo chưa phù hợp với sự phát triển đa dạng của hoạt động quảng cáo.

Hiện nay, quảng cáo đang phát triển mạnh mẽ và càng ngày một khẳng định được vị trí trong hoạt động doanh nghiệp của cơ chế thị trường. Do vậy, nhiều đối tượng đã lợi dụng sự phổ biến và thông dụng của các phương tiện quảng cáo, đặc biệt là mạng xã hội, người chuyển tải sản phẩm quảng cáo có ảnh hưởng để truyền tải các nội dung quảng cáo sai sự thật, gây ảnh hưởng đến người tiêu dùng. Bên cạnh sự phát triển của các phương tiện, nội dung quảng cáo cũng phong phú, đa dạng, đặc biệt là hình thức quảng cáo thông qua những người có ảnh hưởng (Influencer Advertising hoặc Influencer Marketing) gây tác động lớn đến xã hội. 

Người có tầm ảnh hưởng phải có bằng chứng cụ thể về việc trực tiếp sử dụng sản phẩm quảng cáo

Thời gian gần đây, xuất hiện nhiều người dùng mạng xã hội (đặc biệt là các nghệ sĩ nổi tiếng) giới thiệu, mời chào, quảng cáo cho các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ không bảo đảm chất lượng, gây bức xúc cho đông đảo người tiêu dùng.  Luật Quảng cáo hiện hành không quy định quyền và nghĩa vụ của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo mà chủ yếu tập trung vào trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hoá, dịch vụ, do đó, chưa có chế tài hoặc ràng buộc đối với người chuyển tải sản phẩm quảng cáo trong trường hợp nội dung quảng cáo là không đúng sự thật hoặc yêu cầu người chuyển tải sản phẩm quảng cáo phải là người đã tìm hiểu, sử dụng sản phẩm đó và có trách nhiệm về các nội dung mình cung cấp.

Trong Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của Luật Quảng cáo, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề xuất bổ sung khoản 2 Điều 36 về hoạt động quảng cáo của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo có tầm ảnh hưởng trên cơ sở các quy định về người có ảnh hưởng tại Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Cụ thể: Người chuyển tải sản phẩm quảng cáo có tầm ảnh hưởng là người có ảnh hưởng theo quy định tại Luật Bảo vệ người tiêu dùng hoặc những người sở hữu tài khoản mạng xã hội trên nền tảng xuyên biên giới có số lượng người theo dõi, đăng ký từ 500.000 người trở lên. 

Hoạt động của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo có tầm ảnh hưởng phải đảm bảo yêu cầu: Tuân thủ các quy định của pháp luật về quảng cáo và các quy định khác của pháp luật có liên quan về tính năng, chất lượng hàng hóa dịch vụ khi thực hiện quảng cáo. Phải có Hợp đồng bằng văn bản với tổ chức, cá nhân có sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ được quảng cáo và phải được tổ chức, cá nhân đó đồng ý, xác nhận vào nội dung quảng cáo trước khi thực hiện; Khi đăng tải ý kiến, cảm nhận về việc sử dụng hàng hóa, dịch vụ trên mạng xã hội khi có bằng chứng cụ thể về việc trực tiếp sử dụng sản phẩm”.

Từ ngữ quảng cáo phải bảo đảm thể hiện chính xác nội dung cần truyền đạt, không làm phát sinh nhiều cách hiểu

Đối với quy định về nội dung và hình thức quảng cáo, Dự thảo Luật Quảng cáo sửa đổi cũng đề xuất: Sửa đổi khái niệm người chuyển tải sản phẩm quảng cáo tại khoản 8 Điều 2, theo đó, Người chuyển tải sản phẩm quảng cáo là người trực tiếp thực hiện hợp đồng dịch vụ quảng cáo nhằm giới thiệu, thông tin về sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ trên các phương tiện quảng cáo. 

Sửa đổi, bổ sung quy định tại khoản 2 Điều 5 quy định cụ thể trách nhiệm của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, đặc biệt là trách nhiệm phê duyệt Bộ Quy tắc ứng xử nghề nghiệp về quảng cáo đối với từng lĩnh vực; 

Sửa đổi, bổ sung khoản 3, khoản 4 Điều 5 quy định cụ thể về trách nhiệm của từng Bộ, ngành, UBND các cấp trong việc thực hiện quản lý nhà nước về hoạt động quảng cáo trên các phương tiện; hoạt động quảng cáo của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt; quản lý hoạt động quảng cáo trên địa bàn; 

Sửa đổi, bổ sung quy định tại Điều 9 về thành phần Hội đồng thẩm định để bảo đảm tính đại diện của tất cả các giới liên quan, tập hợp được các ý đại diện cho chuyên môn, cho các ngành trong xã hội; giá trị và phạm vi ứng dụng của ý kiến chuyên môn của Hội đồng thẩm định;

Bổ sung khoản 1a Điều 18 như sau yêu cầu từ ngữ bằng tiếng Việt trong sản phẩm quảng cáo phải bảo đảm thể hiện chính xác nội dung cần truyền đạt, không làm phát sinh nhiều cách hiểu. 

Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 19 yêu cầu nội dung quảng cáo phải đảm bảo trung thực, chính xác, rõ ràng, không gây hiểu lầm về tính năng, chất lượng, công dụng, tác dụng của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ. Nội dung quảng cáo cần được phân biệt rõ ràng với nội dung thông tin khác;

Bổ sung khoản 1a Điều 19 loại trừ các thông tin không phải là nội dung quảng cáo, cụ thể: nội dung mà tổ chức, cá nhân cung cấp để thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại (trừ quảng cáo thương mại) theo quy định pháp luật về thương mại; nội dung mà tổ chức, cá nhân có nghĩa vụ phải cung cấp để thực hiện trách nhiệm, nghĩa vụ theo quy định của pháp luật; 

Bổ sung Điều 19a về nội dung quảng cáo các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt.

Sửa đổi quy định tại khoản 4 Điều 20 về điều kiện quảng cáo thuốc, trang thiết bị y tế. b) Quy định về quản lý hoạt động quảng cáo trên báo chí, môi trường mạng và dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới.

quang-cao-1710131277.webp
Ảnh minh họa

Diện tích quảng cáo không được vượt quá 30% tổng diện tích một ấn phẩm báo

Theo Dự thảo: Sửa đổi, bổ sung quy định tại Điều 21 về hoạt động quảng cáo trên báo in như sau: Diện tích quảng cáo không được vượt quá 30% tổng diện tích một ấn phẩm báo hoặc 40% tổng diện tích một ấn phẩm tạp chí, trừ báo, tạp chí chuyên quảng cáo; cơ quan báo chí được phép ra phụ trương quảng cáo và phải thực hiện các thủ tục về xuất bản phụ trương theo quy định tại Luật Báo chí. 

Sửa đổi, bổ sung khoản 4 của Điều 22 về quảng cáo trong chương trình phim truyện: mỗi chương trình phim truyện có thời lượng dưới 30 phút được ngắt để quảng cáo 2 lần, cứ mỗi 15 phút tăng trong thời lượng chương trình được ngắt quảng cáo thêm 1 lần; mỗi lần ngắt để phát quảng cáo không quá 5 phút; việc quảng cáo sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ lồng ghép trong phim truyện phải tuân thủ các quy định về yêu cầu, điều kiện quảng cáo và đảm bảo cung cấp đầy đủ nội dung quảng cáo các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt. 

Sửa đổi, bổ sung Điều 23 về quảng cáo trên báo điện tử, trang thông tin điện tử, mạng xã hội: quảng cáo trên báo điện tử không được thiết kế, bố trí phần quảng cáo lẫn vào phần nội dung tin; đối với những quảng cáo không ở vùng cố định, phải thiết kế để độc giả có thể chủ động tắt quảng cáo, thời gian chờ tắt quảng cáo tối đa là 3 giây.

Bổ sung tại Điều 23 và Điều 23a quy định về quy trình, biện pháp quản lý nhà nước đối với quy định hoạt động quảng cáo trên môi trường mạng và dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới: Các tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới tại Việt Nam tuân thủ các quyền và nghĩa vụ và thực hiện thủ tục thông báo với cơ quan có thẩm quyền; Không đặt sản phẩm quảng cáo vào các nội dung vi phạm pháp luật và thực hiện việc ngăn chặn, gỡ bỏ thông tin vi phạm pháp luật theo yêu cầu của các cơ quan chức năng có thẩm quyền. Đồng thời, bổ sung quy định về quảng cáo trên trang thông tin điện tử của tổ chức, cá nhân; quảng cáo trên mạng xã hội, công cụ tìm kiếm; quy trình phát hiện vi phạm, tiếp nhận thông tin, xử lý đối với hoạt động quảng cáo xuyên biên giới.

T.H