Tăng cường hợp tác giữa Hoa Kỳ và Việt Nam trong lĩnh vực bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ

Vừa qua, tại trụ sở Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, đại diện một số cơ quan liên quan của Bộ đã có buổi tiếp và làm việc với đoàn chuyên gia Văn phòng Sáng chế và Nhãn hiệu Hoa Kỳ (USPTO). 

z42-1680515699.jpg
Toàn cảnh buổi tiếp đoàn chuyên gia Văn phòng Sáng chế và Nhãn hiệu Hoa Kỳ (USPTO)​.

Tham dự buổi tiếp, về phía Bộ VHTTDL có Bà Phạm Thị Kim Oanh, Phó Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả chủ trì buổi tiếp; Bà Trần Hải Vân, Phó Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế; đại diện Thanh tra Bộ và Vụ Pháp chế. Về phía Hoa Kỳ có Ông Matthew Kohner, Tùy viên khu vực Đông Nam Á Văn phòng Sáng chế và Nhãn hiệu Hoa Kỳ (USPTO); Ông Chanchart Chotiphol và Ông Cheepchanok Chernkwanma, Chuyên gia Quyền sở hữu trí tuệ của USPTO; Bà Meredith Metzler, Chuyên gia kinh tế cùng các chuyên gia, cán bộ của Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam.

Tại buổi tiếp, bà Trần Hải Vân, Phó Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế hoan nghênh và cảm ơn ông Matthew Kohner và đoàn chuyên gia của Hoa Kỳ đã dành thời gian đến thăm và làm việc với các cơ quan của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Bà hi vọng rằng cuộc trao đổi trực tiếp giữa các cơ quan của Bộ VHTTDL và USPTO sẽ đạt được kết quả tốt đẹp và đề ra nhiều sáng kiến mới trong quan hệ hợp tác Việt Nam-Hoa Kỳ trong lĩnh vực bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) nói chung và quyền tác giả, quyền liên quan nói riêng.

Trao đổi tại buổi làm việc, bà Phạm Thị Kim Oanh cho biết Việt Nam và Hoa Kỳ đã xây dựng quan hệ hợp tác trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ từ năm 1997 với minh chứng điển hình là việc hai bên ký kết Hiệp định giữa Chính phủ Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Hợp chủng quốc Hoa Kỳ về thiết lập quan hệ quyền tác giả. Bà Oanh đánh giá cao sự quan tâm, hỗ trợ tích cực của phía Hoa Kỳ trong quá trình Việt Nam sửa đổi Luật Sở hữu trí tuệ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ thời gian qua, cũng như dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả, quyền liên quan hiện đang được Bộ VHTTDL trình Thủ tướng Chính phủ ban hành. Bà Phạm Thị Kim Oanh chia sẻ thêm về sự chủ động và tích cực của Việt Nam gia nhập Hiệp ước về quyền tác giả của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (Hiệp ước WCT có hiệu lực tại Việt Nam từ ngày 17/02/2022); Hiệp ước về cuộc biểu diễn và bản ghi âm của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (Hiệp ước WPPT có hiệu lực tại Việt Nam từ ngày 01/7/2022).

Về phần mình, ông Matthew Kohner chúc mừng những nỗ lực của Việt Nam trong quá trình xây dựng các văn bản luật, nghị định, chính sách liên quan đến việc thực thi và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, đặc biệt là Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Sở hữu trí tuệ đã được Quốc hội thông qua vào tháng 6/2022. Ông cũng mong rằng Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả, quyền liên quan mà Bộ VHTTDL đã hoàn thiện sẽ sớm được Chính phủ ban hành bởi đây là nội dung mà các chủ thể quyền rất quan tâm.

Ông Matthew Kohner chia sẻ trong thời gian thăm Việt Nam, đoàn cũng đã có dịp làm việc với Cục Sở hữu trí tuệ, Thanh tra Bộ (Bộ Khoa học và Công nghệ), Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và một số cơ quan khác liên quan để trao đổi về việc thực thi quyền SHTT. Phía Hoa Kỳ cũng đã ký kết nhiều Biên bản ghi nhớ với các cơ quan của Việt Nam ở từng lĩnh vực cụ thể liên quan đến sở hữu trí tuệ. Trong bối cảnh Việt Nam vừa thông qua Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Sở hữu trí tuệ và là thành viên của nhiều Hiệp ước của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới, USPTO sẵn sàng lắng nghe nhu cầu, đề xuất từ phía Bộ VHTTDL và sẽ xem xét khả năng hỗ trợ trong thời gian tới.

Nhắc lại Hiệp định giữa hai Chính phủ năm 1997, bà Phạm Thị Kim Oanh nhấn mạnh hai bên cần tiếp tục triển khai các hoạt động hợp tác trên cơ sở văn bản đã ký kết, đồng thời bày tỏ sự mong muốn nhận được sự hỗ trợ của phía Hoa Kỳ trong việc xây dựng hành lang pháp lý đầy đủ hơn, phục vụ việc bảo vệ và thực thi quyền SHTT của Việt Nam trên bước đường dài, trong đó có việc nghiên cứu xây dựng “Luật Bản quyền” độc lập. Đồng thời, bà Phạm Thị Kim Oanh cũng đưa ra một số đề xuất đối với phía Hoa Kỳ, cụ thể: (1) Hỗ trợ tổ chức các khóa đào tạo, học tập trao đổi nhằm nâng cao năng lực cho cán bộ, công chức, viên chức quản lý, thực thi chính sách pháp luật, quyền tác giả, quyền liên quan; (2) Phối hợp xây dựng chương trình, dự án cộng đồng nhằm tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức về quyền tác giả, quyền liên quan đến đại chúng; (3) Tăng cường hợp tác hỗ trợ đào tạo nhân lực, trang thiết bị, máy móc, phần mềm trong việc quản lý, thực thi về quyền tác giả, quyền liên quan ở cả cấp Trung ương và địa phương, đặc biệt trên môi trường số; (4) Hỗ trợ Việt Nam trong việc thực thi, bảo vệ quyền của người khuyết tật được tiếp cận các tác phẩm một cách hợp pháp trong bối cảnh Việt Nam tham gia Hiệp ước Marrakesh. Bà Oanh cũng đề nghị USPTO hỗ trợ kết nối với các doanh nghiệp, tập đoàn trong lĩnh vực công nghệ số như Youtube, Facebook… để tổ chức các hội thảo nhằm định hướng cho các start-up của Việt Nam cách khai thác thông tin hiệu quả và hợp pháp trên môi trường mạng.

Ông Matthew Kohner ghi nhận những đề xuất từ phía Bộ VHTTDL, đồng thời thông tin về việc USPTO dự kiến tổ chức một số hoạt động, chương trình nâng cao năng lực trong lĩnh vực SHTT vào mùa hè năm nay với mục tiêu trọng tâm là xây dựng văn hóa khai thác và sử dụng các sản phẩm/tác phẩm hợp pháp. Phía Hoa Kỳ sẵn sàng cung cấp, chia sẻ tài liệu và thông tin cụ thể và đề nghị Bộ VHTTDL cần gửi hồ sơ sớm nếu có nhu cầu tham gia.

z43-1680515699.jpg
Bà Trần Hải Vân, Phó Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế thay mặt các cơ quan tặng quà lưu niệm cho ông Matthew Kohner, Tuỳ viên khu vực Đông Nam Á USPTO​.

Trước quan tâm của ông Matthew Kohner về xử lý các vi phạm bản quyền trong việc sử dụng các phần mềm, đại diện Thanh tra Bộ VHTTDL cho biết Thanh tra Bộ đã và đang phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan và các chủ sở hữu quyền để xử lý các trường hợp vi phạm. Đồng thời, trong giai đoạn 2020-2021 trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19, Thanh tra Bộ đã gửi hơn 2000 khuyến cáo tới các doanh nghiệp yêu cầu chấp hành các quy định của pháp luật về quyền tác giả đối với chương trình phần mềm máy tính, không cài đặt, không sao chép sử dụng các chương trình phần mềm máy tính vi phạm quyền tác giả/ quyền sáng chế và các tài liệu chuyên dụng của các thành viên Liên minh Phần mềm BSA. Đại diện Thanh tra Bộ đề xuất phía Hoa Kỳ chia sẻ kinh nghiệm và xem xét hỗ trợ Việt Nam trong việc giải quyết các trường hợp vi phạm xuất phát từ nước ngoài thông qua Công ty Cloudflare của Hoa Kỳ chuyên cung cấp mạng phân phối nội dung, dịch vụ bảo mật Internet và các dịch vụ phân phối máy chủ tên miền.

z44-1680515708.jpg

Cuối buổi tiếp, bà Trần Hải Vân, Phó Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế cảm ơn và đánh giá cao những chia sẻ hết sức thẳng thắn và những đề xuất hợp tác thiết thực từ phía USPTO và khẳng định Bộ VHTTDL Việt Nam rất coi trọng các vấn đề, nội dung về SHTT, đặc biệt trong bối cảnh Bộ VHTTDL đang chủ trì triển khai Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa đến năm 2030, trong đó việc thực thi, bảo vệ bản quyền tác giả là cốt lõi để phát triển bền vững các ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo tại Việt Nam. Bà Trần Hải Vân chia sẻ trong quá trình triển khai Chiến lược, Bộ đã nhận được sự hỗ trợ tích cực từ phía các đối tác Hoa Kỳ trong đó có Amcham, Netflix, MPA, Meta… và tin tưởng rằng sau buổi làm việc ngày hôm nay, hai bên sẽ tăng cường trao đổi thông tin, triển khai hiệu quả các hoạt động hợp tác phù hợp nhu cầu, thế mạnh của các bên trong thời gian tới.

Nguyễn Oanh