Củng cố việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực văn hóa và sáng tạo ở Việt Nam

Ngày 24/10, tại Hà Nội, Viện Văn hoá Nghệ thuật quốc gia Việt Nam phối hợp với Cục Bản quyền tác giả (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) tổ chức Hội thảo chuyên đề “Củng cố việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực văn hóa và sáng tạo ở Việt Nam”. Hội thảo với sự tham gia của các lãnh đạo Sở, ban ngành, cùng các chuyên gia và nhà thực hành văn hóa.

Hội thảo là một phần của Dự án "Củng cố việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ ở Việt Nam" đã được Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam đề xuất và nhận được sự hỗ trợ của Quỹ quốc tế vì Đa dạng Văn hóa của UNESCO.

Dự án được thực hiện từ tháng 3/2022 - 3/2023, triển khai một loạt các hoạt động nhằm cải thiện việc bảo vệ và nâng cao hiệu quả thực thi quyền sở hữu trí tuệ ở Việt Nam, thực hiện các nhiệm vụ đặt ra trong Chiến lược Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030, đóng góp vào sự phát triển bền vững của các ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo trong nước.

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã tác động và tạo ra những thay đổi to lớn trong đời sống kinh tế, xã hội ở mỗi quốc gia. Trong bối cảnh đó, các ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo đóng vai trò quan trọng thúc đẩy nền kinh tế toàn cầu, và điều đó cũng thể hiện rất rõ tại Việt Nam, khi mà các ngành này đóng góp 8,081 tỷ USD, chiếm 3,61% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) vào năm 2018 và mang lại công việc cho hơn 3 triệu lao động, chiếm 6,1% tổng lao động có việc làm trên cả nước vào năm 2019.

sequence-01-1666664470.jpg
Toàn cảnh Hội thảo “Củng cố việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực văn hóa và sáng tạo ở Việt Nam”. Ảnh: Lê Minh

Các diễn giả và đại biểu tại Hội thảo đều thống nhất, các ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo có tiềm năng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Việt Nam với một thị trường sôi động cho các sản phẩm và dịch vụ văn hóa sáng tạo nội địa trong tương lai. Tuy nhiên, các ngành này hiện đang gặp phải nhiều thử thách do những vi phạm về quyền sở hữu trí tuệ của nghệ sỹ và những người sáng tạo, gây ảnh hưởng tiêu cực tới sự phát triển của các ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo.

Theo nhóm kết quả khảo sát về thực thi quyền sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực văn hóa và sáng tạo ở Việt Nam, của nhóm nghiên cứu đến từ trường Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội), TS. Lê Tùng Sơn, ThS. Hoàng Lan Phương, cho hay, trong hơn 10 năm qua (từ năm 2006), đã có 158 vụ tranh chấp về quyền tác giả, 10 vụ tranh chấp về quyền Sở hữu Công nghiệp. Kết quả khảo sát cũng chỉ ra rằng, nhận thức, mức độ am hiểu về các quyền SHTT của các chủ thể sáng tạo mới chỉ dừng lại ở mức độ trung bình hoặc yếu, cụ thể, nhận thức về quyền tác giả và quyền của chủ sở hữu tác phẩm hiện tại chỉ chiếm 43,1%; nhận thức về quyền tác giả (QTG), quyền liên quan (QLQ) đối với từng loại hình tác phẩm được bảo hộ chiếm 36,2%.

Trong số các sản phẩm văn hóa, sáng tạo bị xâm phạm thì âm nhạc chiếm 76,9%, điện ảnh là 71,6%, xuất bản 50,7%. Các quyền sở hữu trí tuệ bị xâm phạm gồm sao chép (64,9%), làm tác phẩm phái sinh (37,8%), quyền nhân thân (27%).

sequence-02-1666664384.png
Bà Phạm Thị Kim Oanh - Phó Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) trình bày tham luận tại Hội thảo. Ảnh: Lê Minh

Theo bà Phạm Thị Kim Oanh - Phó Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), cho rằng, nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên đến từ việc: Nhận thức của công chúng về QTG/QLQ còn hạn chế; Nhiều kẻ vụ lợi, đặc biệt là trên môi trường kỹ thuật số; Còn thiếu sự chủ động của chủ thể quyền trong bảo vệ quyền của mình; Các tổ chức quản lý tập thể chưa đủ mạnh để tự bảo vệ quyền của các chủ thể QTG và QLQ...

Những hạn chế trong hiểu biết của người dân nói chung và cộng đồng sáng tạo nói riêng về ảnh hưởng tiêu cực của việc vi phạm các khuôn khổ pháp lý hiện hành về quyền sở hữu trí tuệ và bản quyền có thể gây ra cho các ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo ở Việt Nam.

sequence-03-1666664470.jpg
Hội thảo với sự tham gia của các lãnh đạo sở, ban ngành, cùng các chuyên gia và nhà thực hành văn hóa. Ảnh: Lê Minh

Tại hội thảo, các đại biểu được lắng nghe chia sẻ của ông Miguel Matthew Del Mundo - Sáng lập SIKAP, Nhà tư vấn - Chiến lược & Hệ sinh thái Sở hữu trí tuệ, về kinh nghiệm của các quốc gia khu vực ASEAN từ khía cạnh chính sách. Cụ thể, năm 2022, Philipines đã thông qua Đạo luật Phát triển Công nghiệp sáng tạo, đồng thời thành lập Hội đồng bao gồm các cơ quan, chính phủ khác nhau với sự hướng dẫn từ khu vực tư nhân sẽ giúp cho việc thúc đẩy phát triển các lĩnh vực sáng tạo khác nhau hướng đến bối cảnh toàn cầu mới.

Về mặt giải pháp, nhiều đại biểu, cho rằng, cần đẩy mạnh tuyên truyền phổ biến nâng cao nhận thức trong thực thi pháp luật về sở hữu trí tuệ. Cần xây dựng mối liên kết giữa Nhà nước - Tổ chức đại diện tập thể QTG, QLQ - Chủ sở hữu sản phẩm văn hóa sáng tạo và cộng đồng. Ngoài ra, cần đề cao vai trò của các hiệp hội, tổ chức trong lĩnh vực văn hóa, sáng tạo, tăng cường hợp tác quốc tế, ứng dụng khoa học và công nghệ hiện đại hiệu quả.

sequence-04-1666664383.jpeg
Các kết quả nghiên cứu mới được thực hiện trong năm 2022 được công bố tại Hội thảo.

Những ý kiến ghi nhận tại Hội thảo là cơ sở để gợi mở các giải pháp nhằm thúc đẩy việc bảo vệ và thực thi có hiệu quả quyền sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực văn hóa và sáng tạo ở Việt Nam, hướng tới việc khai thác giá trị các sở hữu trí tuệ cho phát triển các ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo ở Việt Nam.

Thu Mai