Sức sống của các môn thể thao dân tộc trong lễ hội đầu xuân

Vào mỗi dịp xuân về, tại nhiều địa phương trong cả nước đều tổ chức các hoạt động văn nghệ, thể thao, trò chơi dân gian như: bắn nỏ, kéo co, đẩy gậy, ném còn, ném pao, tu lu… Các hoạt động này đã trở thành sân chơi hấp dẫn mang đến không khí vui tươi, phấn khởi cho nhân dân, góp phần gìn giữ, bảo tồn, phát triển các môn thể thao dân tộc (TTDT).

Hấp dẫn các môn thể thao dân tộc
Cao Bằng là nơi có nhiều dân tộc sinh sống, mỗi dân tộc đều có nét văn hóa đặc trưng và môn TTDT riêng. Trong đó, các dân tộc thiểu số đến nay vẫn gìn giữ và phát triển các môn TTDT đặc trưng riêng của dân tộc mình như: tung còn, tranh đầu pháo, kéo co, đẩy gậy, bắn nỏ... Các môn TTDT có đặc điểm chung là bắt nguồn từ đời sống, nhiều trò chơi đã hình thành, phát triển từng bước thành những môn TTDT hấp dẫn, phù hợp với điều kiện của địa phương, không đòi hỏi nhiều về kỹ thuật. Các trò chơi dân gian vừa là môn thể thao truyền thống, thường được tổ chức vào dịp đầu xuân, trong những ngày Tết, ngày hội... tạo nên vẻ đẹp mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc và là hình ảnh đặc trưng của miền non nước Cao Bằng. Tại Lễ hội Pháo hoa, Lễ hội Lồng tồng, Lễ hội Thanh minh… tổ chức hàng năm luôn có phần thi đấu các môn TTDT và các trò chơi dân gian như: đẩy gậy, đánh yến, kéo co, tung còn... Ngoài phần tranh tài giữa các đội thi của các xã, ban tổ chức còn bố trí phần thi đấu giao lưu dành cho du khách. Nhiều du khách đã được hướng dẫn và cùng người dân địa phương tham gia thi đấu các môn TTDT, qua đó, tạo sự gần gũi, đồng thời truyền bá nét đẹp văn hóa đặc sắc của địa phương đến với du khách.

day-gay-1674870369.jpg
Đẩy gậy- môn thể thao thu hút nhiều người tham gia

Tại Lào Cai, nhiều môn TTDT đã được tổ chức ở các địa phương và trong lễ hội đầu năm như Lễ hội xuống đồng ở Tả Van (Sa Pa), lễ hội Gầu Tào xã Tả Giàng Phình (Sa Pa); lễ hội Lồng Tồng xã Xuân Giao, lễ hội Trầu Sun (lễ hội cầu mùa) của đồng bào Dao đỏ thị trấn Tằng Loỏng (Bảo Thắng); Lễ hội đền Phúc Khánh (Bảo Yên); Lễ hội Gầu Tào xã Thải Giàng Phố, Lễ hội Say Sán tại thôn Dì Thàng, xã Thải Giàng Phố (Bắc Hà), Lễ hội Đền Ken tại xã Chiềng Ken (Văn Bàn); lễ hội Đền Thượng (Lào Cai) … thu hút đông đảo quần chúng nhân dân tham gia thi đấu và cổ vũ.

Các môn TTDT không chỉ giúp rèn luyện sức khỏe, sự dẻo dai, nhanh nhẹn mà còn giúp thắt chặt tình đoàn kết cộng đồng. Nhiều môn thể thao như: bắn nỏ, đẩy gậy, kéo co, ném còn, tu lu… đã trở thành nét đẹp mang bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc. Nếu môn kéo co đòi hỏi tính tập thể, đoàn kết cao của cả đội để giành chiến thắng thì môn bắn nỏ lại đòi hỏi người chơi phải có đôi tay khỏe, đôi mắt tinh nhanh, tinh thần vững vàng và tâm lý ổn định để có thể giương cánh cung ngắm bắn chính xác vào tiêu điểm. Trong khi đó, ném còn lại là môn thể thao đòi hỏi sự khéo léo và kỹ thuật, đảm bảo độ chính xác cao của cả 2 người chơi để có thể tung quả còn trúng vào vòng tròn, người bên này phải lựa sao cho đỡ được quả còn… Và với mỗi người tham gia các môn TTDT, trò chơi dân gian trong những ngày đầu xuân năm mới đều mong muốn mọi sự tốt lành, thuận lợi và mùa màng bội thu, cây cối sinh sôi nảy nở, con người tràn đầy sức sống, năng lượng để tham gia sản xuất.

Cần bảo tồn và phát triển các môn thể thao dân tộc
Những năm gần đây, bên cạnh việc chăm lo đời sống vật chất thì các hoạt động thể dục thể thao (TDTT) trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã được chính quyền các địa phương quan tâm. Bên cạnh những môn thể thao hiện đại, các môn thể thao dân tộc truyền thống đang dần được khôi phục, duy trì và phát triển tại nhiều địa phương, thu hút đông người dân tham gia tập luyện và thi đấu. Việc bảo tồn, phát triển các môn thể thao truyền thống không chỉ góp phần nâng cao đời sống tinh thần, mà còn phát huy giá trị văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc. TTDT là bản sắc của các vùng, miền. Hiện nay các môn thể thao TTDT đã phát triển khá rộng ở các vùng miền, trong đó tiêu biểu có 3 môn thể thao đặc trưng như đẩy gậy, kéo co, bắn nỏ thì ở vùng miền nào cũng có. Mỗi vùng miền lại có môn thể thao riêng như phía nam còn có thêm môn bắn ná, chạy cà kheo…; phía bắc có thêm tung còn, tulu, đánh quay, đánh cù…; đồng bằng sông Cửu Long lại đặc trưng với đua ghe ngo.

tung-con-1674870427.jpg
Tung còn- môn thể thao dân tộc hấp dẫn 

Để gìn giữ và phát huy hơn nữa những giá trị văn hóa mang đậm đà bản sắc dân tộc thông qua các môn TTDT, nhiều tỉnh đã khuyến khích các địa phương tích cực tổ chức lồng ghép những nội dung thi đấu TTDT truyền thống vào lễ hội. Nhiều tỉnh, thành đã tổ chức thường niên các Giải đẩy gậy, kéo co, bắn nỏ, Hội thi thể thao các dân tộc thiểu số cấp tỉnh. Từ các giải thể thao quần chúng, sẽ là nơi để các địa phương lựa chọn những vận động viên xuất sắc đi thi đấu tại các giải đấu lớn trong khu vực và gặt hái nhiều thành công.

Các môn TTDT cần được quan tâm hơn nữa, cần có chiến lược đầu tư cụ thể hơn để phong trào phát triển, mọi người dân đều có thể tham gia, qua đó có cơ hội lựa chọn được những vận động viên tham gia thi đấu ở những giải lớn hơn, thúc đẩy phát triển thể thao thành tích cao. Sự quan tâm của các cấp trong việc gây dựng các phong trào, đầu tư cơ sở vật chất luyện tập, thi đấu sẽ giúp các môn TTDT phát triển thành một phong trào rèn luyện sức khỏe rộng rãi trong cộng đồng các dân tộc và làm phong phú đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân.

Để bảo tồn và phát triển các môn TTDT, cần có cơ chế để các địa phương quan tâm phát triển các môn TTDT. Nếu nhiều môn TTDT được đưa vào Đại hội Thể thao toàn quốc sẽ góp phần khuyến khích các địa phương khơi dậy, phát triển các môn thể thao truyền thống. Các môn TTDT được tổ chức thi đấu ngoài phát huy, duy trì nét đặc sắc còn góp phần nâng cao tình đoàn kết, xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở.

Phương Mai