Kết thúc trận chung kết môn Bóng chuyền nữ trong nhà giữa đội tuyển Việt Nam và Thái Lan vào tối 22/5, tại Nhà thi đấu 5.000 chỗ Đại Yên (thành phố Hạ Long) cũng là thời điểm khép lại 7 môn thi đấu trong khuôn khổ SEA Games 31 do tỉnh Quảng Ninh đăng cai tổ chức.
Chắc chắn, dư âm về niềm vui chiến thắng của đội tuyển Việt Nam, niềm tự hào của người dân Việt Nam nói chung, của vùng Mỏ nói riêng về một kỳ SEA Games thành công sẽ còn hiện hữu, lan tỏa trong đoàn thể thao các nước và người hâm mộ.
SEA Games lan tỏa
Tạm biệt Quảng Ninh, địa phương diễn ra nhiều môn thi đấu sau Hà Nội, trên trang cá nhân của mình, ông Brian See - Giám sát Liên đoàn Bóng đá châu Á (AFC) - viết: “Thay mặt cho AFC tại Quảng Ninh, tôi xin gửi lời cảm ơn tới các bạn và người dân Quảng Ninh về sự kiện tuyệt vời và thành công này. Tất cả phái đoàn từ AFC và VFF (Liên đoàn Bóng đá Việt Nam) đều rất vui và vinh dự được làm việc với Ban tổ chức địa phương tỉnh Quảng Ninh. Sự cam kết, tận tâm và thái độ thể hiện ngay từ ngày đầu tiên đã chứng minh rằng Quảng Ninh đã sẵn sàng cho những sự kiện tầm cỡ thế giới lớn hơn".
Để đảm bảo cho các môn thi đấu diễn ra tại Quảng Ninh, địa phương này đã dồn lực, huy động sức mạnh của hệ thống chính trị, khơi dậy tinh thần đoàn kết, vì thể thao trong nhân dân… tất cả tạo nên một chuỗi mắt xích đồng nhịp, vận hành với tinh thần “kỷ luật đồng tâm” của vùng đất mỏ hào sảng, thân thiện.
Ông Jeff Jiang Jie - huấn luyện viên trưởng môn Bóng chuyền nam Indonesia - phấn khởi chia sẻ, đây là lần đầu tiên ông đến Việt Nam, trong thời gian đội tuyển thi đấu tại Quảng Ninh. Ông cảm nhận mọi thứ ở đây đều rất tuyệt vời, từ con người, phong cảnh, sự nhiệt tình của các tình nguyện viên. Người Quảng Ninh rất thân thiện, vui tính, xem họ như người thân.
Ông Jiang Jie rất hài lòng vì sự chuyên nghiệp, quy củ, đúng giờ của Ban Tổ chức để kỳ SEA Games 31 diễn ra thành công tốt đẹp.
Cùng cảm nhận, ông Ahmad Faisal thuộc đoàn quan chức trọng tài quốc tế rất ấn tượng với con người, vẻ đẹp ở Quảng Ninh và mong sẽ có dịp trở lại để tham quan, khám phá nhiều hơn về vùng đất này.
Thời gian diễn ra các môn thi đấu tại Quảng Ninh cũng là dịp để các đoàn khách, vận động viên tham quan, thưởng ngoạn, chiêm ngưỡng sự hùng vĩ của vịnh Hạ Long - kỳ quan thiên nhiên thế giới, vẻ đẹp mê đắm, huyền bí, trong lành của Khu nghỉ dưỡng Legacy Yên Tử (thành phố Uông Bí), Khu Du lịch quốc tế Tuần Châu, vịnh Bái Tử Long... Cùng với đó là những trải nghiệm hấp dẫn với đặc sản ẩm thực của Quảng Ninh.
Tỏa sáng cùng SEA Games
Để các vận động viên thi đấu tỏa sáng tại SEA Games 31, công tác hậu cần, y tế, hướng dẫn đoàn, đảm bảo an ninh, trật tự, hạ tầng kỹ thuật, điện chiếu sáng… được Ban Tổ chức SEA Games địa phương đặc biệt quan tâm, bố trí phù hợp, linh hoạt, đảm bảo luôn trong trạng thái sẵn sàng.
Sân vận động 16.000 chỗ Cẩm Phả, một trong những địa điểm luôn “nóng” từ vòng ngoài ở các trận đấu có đội bóng đá nữ chủ nhà. Đặc biệt, ở các trận bán kết, chung kết, hàng nghìn người tập trung từ trước khi diễn ra trận đấu để xếp hàng nhận vé mời, do đó các lực lượng phải căng mình đảm bảo an ninh.
Trung úy Tăng Thanh Ban - Phòng Cảnh sát cơ động (Công an tỉnh Quảng Ninh) - cho biết, các cán bộ, chiến sỹ đứng liên tục trong một trận đấu hơn 90 phút, luôn quan sát tình hình trên sân. Những ngày có 2 trận đấu thời gian đứng nhân đôi. Tuy nhiên, các cán bộ, chiến sỹ luôn xác định, trách nhiệm của mình là đảm bảo an toàn, không để cổ động viên quá khích tràn xuống sân.
Nhà thi đấu 5.000 chỗ Đại Yên, thành phố Hạ Long luôn trong trạng thái “bùng nổ” ở các trận đấu có đội Việt Nam. Rất đông cổ động viên ùn ùn kéo đến khiến lối vào tắc nghẽn. Lực lượng Công an phải phối hợp nhịp nhàng, kiểm soát chỗ ngồi bên trong nhà thi đấu để vòng ngoài phân luồng, hướng dẫn người dân quay về khi hết chỗ.
Thượng úy Lê Mạnh Hùng - Phó Đội trưởng đội An ninh văn hóa, thể thao, thông tin và truyền thông, Phòng An ninh chính trị nội bộ, Công an tỉnh Quảng Ninh - thông tin tại điểm thi đấu Đại Yên có gần 160 cán bộ, chiến sỹ công an được huy động thực hiện nhiệm vụ, 24/24 giờ phải có quân số túc trực, đảm bảo an ninh, an toàn.
Vào thời điểm thi đấu, 100% lực lượng được bố trí ở các cửa vào, trên khán đài để điều tiết, hướng dẫn cổ động viên vị trí ngồi. Mặt khác, các cán bộ, chiến sỹ phải linh hoạt trong xử lý tình huống trên sân.
Thượng úy Lê Mạnh Hùng bày tỏ niềm tự hào khi cùng đồng đội và các lực lượng khác góp phần vào sự thành công của SEA Games 31.
Những bữa ăn nhanh, những lần vội vàng di chuyển, giấc ngủ có thể chưa đầy… trong quá trình phục vụ SEA Games 31 đã trở nên quen thuộc đối với 300 tình nguyện viên là sinh viên Trường Đại học Hạ Long (Quảng Ninh) trong những ngày sự kiện thể thao lớn nhất khu vực diễn ra trên địa bàn. Tuy nhiên, trên gương mặt các em vẫn luôn hiện hữu nụ cười. Với các em, đây là trải nghiệm rất đặc biệt trong đời.
Chung niềm vui, tự hào, 2 em Hoàng Đức Anh và Hà Đồng Thành - sinh viên trường Đại học Hạ Long - cho biết đây là cơ hội tốt để thử sức, học hỏi, hiểu biết hơn về nền văn hóa các nước cũng như các môn thể thao. Trong quá trình làm phiên dịch, các em tự điều chỉnh được cách phát âm tiếng Anh chính xác hơn. Những lúc trống lịch thi đấu, các em làm hướng dẫn viên cho đoàn đi tham quan một số điểm như Bảo tàng, Thư viện, Quảng trường, ngắm vịnh, thăm chợ Hạ Long… Một số đoàn mua đặc sản chả mực Hạ Long mang về nước. Các em mong muốn góp sức trẻ của mình để lan tỏa hình ảnh Việt Nam nói chung, Quảng Ninh nói riêng với bạn bè khu vực.
Góp sức làm nên sự thành công của SEA Games 31 ở Quảng Ninh còn có hàng nghìn người luôn đứng sau "cánh gà", đảm bảo cho hệ thống điện chiếu sáng, công nghệ thông tin, vệ sinh môi trường… Đặc biệt là những phóng viên, nhà báo, quay phim… từ các hãng thông tấn quốc gia, cơ quan báo chí trong và ngoài nước, những người đã đưa thông tin đến đông đảo công chúng trong nước, quốc tế về diễn biến các môn thi đấu tại Quảng Ninh.
SEA Games 31 khép lại nhưng đã mở ra nhiều cánh cửa về tình hữu nghị, sự gắn kết, giao lưu văn hóa, cơ hội để lan tỏa hình ảnh, nét văn hóa, con người vùng mỏ, gợi mở những thị trường du lịch mới, tiềm năng.