Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa ban hành Kế hoạch tổ chức triển lãm “Sắc màu di sản văn hóa, thiên nhiên và sản phẩm thủ công truyền thống Việt Nam”. Triển lãm có sự tham gia của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND các tỉnh/thành phố trên toàn quốc.
Triển lãm “Sắc màu di sản văn hóa, thiên nhiên và sản phẩm thủ công truyền thống Việt Nam” là hoạt động văn hóa chào mừng Ngày Di sản hoá Việt Nam (23/11) nhằm giới thiệu, quảng bá, tôn vinh những di sản văn hóa, thiên nhiên, các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh và sản phẩm du lịch đặc sắc của đất nước con người Việt Nam, khẳng định tiềm năng phát triển văn hóa, du lịch giữa các địa phương trong cả nước, tạo động lực thu hút mạnh mẽ các nguồn lực phát triển du lịch, nâng cao vị thế hình ảnh đất nước, con người Việt Nam.
Triển lãm giới thiệu, các sản phẩm nghề thủ công truyền thống của các làng nghề sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp ở các vùng, miền, động viên, khích lệ tinh thần lao động sáng tạo của các nghệ nhân, là dịp để các nghệ nhân giao lưu, quảng bá về tiềm năng du lịch làng nghề, mở rộng mối quan hệ giữa các làng nghề truyền thống, từng bước hội nhập kinh tế quốc tế.
Các hoạt động tại Triển lãm góp phần tăng cường giao lưu giữa các địa phương trong việc tổ chức các hoạt động văn hóa nghệ thuật, quảng bá về du lịch.
Triển lãm cũng nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cộng đồng đặc biệt là thế hệ trẻ trong việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể, phi vật thể, di sản thiên nhiên, khơi dậy tình yêu quê hương, đất nước, niềm tự hào dân tộc về nền văn hóa lâu đời, đậm đà bản sắc được kết tinh và tiếp nối qua nhiều thế hệ, phấn đấu xây dựng đất nước Việt Nam ngày càng giàu đẹp.
Triển lãm có nhiều hoạt động đặc sắc, khu vực chung với chủ đề “Sắc màu di sản văn hóa, thiên nhiên Việt Nam” sẽ trưng bày các nội dung: Sự quan tâm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Lãnh đạo Đảng, Nhà nước với di sản văn hóa dân tộc. Chủ tịch Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới. Sinh thời Người luôn quan tâm đến sự nghiệp bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân tộc, Người khẳng định: Di sản văn hóa dân tộc là vốn quý, là bệ đỡ cho nền văn hóa dân tộc.
Trưng bày giới thiệu hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm các di sản văn hóa, thiên nhiên; Các văn bản của Chủ tịch Hồ Chí Minh về bảo tồn, phát huy di sản văn hóa. Ngày 24/2/2005, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 36/2005/QĐTTg về việc lấy ngày 23/11 hằng năm là “Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam”. Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: Nhiều giá trị văn hoá truyền thống và di sản văn hoá của dân tộc được kế thừa, bảo tồn và phát triển; Trưng bày những tư liệu, văn bản chỉ đạo, hình ảnh các đồng chí Lãnh đạo Đảng, Nhà nước thăm các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, di tích lịch sử, di sản thiên nhiên...
Trưng bày ảnh giới thiệu “Di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh Việt Nam”: Triển lãm hình ảnh về di sản đã được UNESCO vinh danh: di sản văn hóa thế giới; các di sản thiên nhiên thế giới, di sản hỗn hợp văn hóa và thiên nhiên thế giới; di sản văn hóa phi vật thể; di sản tư liệu; Giới thiệu hình ảnh các di tích quốc gia đặc biệt, di sản văn hóa vật thể, phi vật thể cấp quốc gia, các danh lam thắng cảnh nổi tiếng và cuộc sống sinh hoạt văn hóa đặc trưng của cộng đồng các dân tộc Việt Nam ở mọi miền trên cả nước; Các di sản thiên nhiên: Vườn quốc gia, khu dự trữ sinh quyển, danh lam thắng cảnh.
Trưng bày, giới thiệu Đặc trưng di sản văn hóa các dân tộc Việt Nam; Triển lãm “Những bài thơ của Bác Hồ trên Sen thư pháp”;
Không gian văn hóa trà Việt - Không gian trưng bày, giới thiệu sản phẩm và giao lưu văn hóa trà các tỉnh Điện Biên, Thái Nguyên, Nghệ An, Hà Giang, Lâm Đồng… các dụng cụ pha trà, thưởng trà... giới thiệu sản phẩm du lịch cộng đồng gắn với sản phẩm trà và văn hóa trà.
Trưng bày và trình diễn nghệ thuật điêu khắc ánh sáng: Nghệ thuật điêu khắc ánh sáng là sự kết hợp giữa điêu khắc với nguồn ánh sáng cố định, qua đó tạo nên những hình ảnh độc đáo bằng phần bóng của vật thể được điêu khắc sắp đặt với các nội dung: Hình ảnh Làng Sen quê Bác; Hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh đi tìm đường cứu nước; Hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản tuyên ngôn độc lập; Hình ảnh Bản đồ Việt Nam; Hình ảnh núi non Đất Việt.
Triển lãm “Áo dài Việt Nam”:Trưng bày và giới thiệu các bộ sưu tập áo dài Việt Nam của các nhà thiết kế, tôn vinh và lan tỏa hình ảnh, vẻ đẹp của người phụ nữ với những chiếc áo dài qua từng thời kỳ để nâng tầm áo dài thành một “vật phẩm văn hóa” trong ngoại giao, phát triển văn hóa và du lịch Việt Nam đến với thế giới.
Không gian trưng bày “Sắc màu di sản văn hóa, thiên nhiên và sản phẩm thủ công truyền thống” sẽ giới thiệu những nét văn hóa và sản phẩm thủ công truyền thống đặc trưng của các tỉnh/thành phố tham gia sự kiện: Cao Bằng, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Điện Biên, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Bình Phước, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, thành phố Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang, Hậu Giang, Bạc Liêu.
Trong khuôn khổ chương trình sẽ diễn ra Hội thi sản phẩm thủ công mỹ nghệ Việt Nam năm 2024; không gian trưng bày sản phẩm thủ công mỹ nghệ đạt giải Hội thi, không gian tôn vinh, quảng bá các sản phẩm OCOP tiêu biểu toàn quốc, các sản phẩm chất lượng cao phục vụ đời sống tiêu dùng - Giới thiệu, quảng bá, tôn vinh các sản phẩm thủ công mỹ nghệ đạt giải tại Hội thi sản phẩm thủ công mỹ nghệ Việt Nam do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức; sản phẩm của các làng nghề truyền thống trong cả nước, các sản phẩm gắn với du lịch nông nghiệp - nông thôn; Trưng bày và tôn vinh các sản phẩm OCOP tiêu biểu của các địa phương trong cả nước; Thao diễn một số nghề truyền thống để giới thiệu và thu hút khách thăm quan; Tổ chức chương trình quảng diễn và thử nếm một số món ăn truyền thống vùng miền được khách du lịch đánh giá cao.
Liên hoan nghệ thuật dân gian truyền thống “Việt Nam - những sắc màu Di sản” trong khuôn khổ Triển lãm “Sắc màu di sản văn hóa, thiên nhiên và sản phẩm thủ công truyền thống Việt Nam”.