Trong 6 tháng đầu năm, các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý Nhà nước của Bộ VHTTDL đạt được nhiều dấu ấn quan trọng. Cụ thể, trong lĩnh vực bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, Bộ đang triển khai xây dựng Dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), Nghị định quy định biện pháp quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể trong các Danh sách của UNESCO và Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Trong lĩnh vực xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, đang triển khai xây dựng hồ sơ đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo; Kế hoạch triển khai xây dựng môi trường văn hóa cơ sở giai đoạn 2023-2025...
Các lĩnh vực điện ảnh; nghệ thuật biểu diễn; mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm; bảo vệ bản quyền tác giả và các quyền liên quan; thư viện; công tác quản lý nhà nước về gia đình…tiếp tục đạt nhiều kết quả quan trọng, góp phần vào dấu ấn của ngành.
Trong lĩnh vực thể dục, thể thao, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt Chiến lược phát triển thể dục, thể thao Việt Nam đến năm 2023, tầm nhìn đến năm 2045. Thể thao thành tích cao đạt được nhiều kết quả quan trọng như tập trung chuẩn bị lực lượng tham dự SEA Games 32, ASIAD 19 tại Trung Quốc, vòng loại Olympic, các giải thể thao cấp khu vực, châu lục và thế giới; phối hợp tổ chức 61 giải thể thao quốc gia và quốc tế tổ chức tại Việt Nam; đoàn Thể thao Việt Nam thi đấu xuất sắc giành được 751 huy chương quốc tế. Về thể thao quần chúng, phối hợp tổ chức 13 giải thể thao quần chúng cấp quốc gia, 01 giải thể thao quốc tế tại Việt Nam, 8 lớp tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ. Tại Para Games lần thứ 12 tổ chức tại Campuchia, Đoàn Thể thao Người khuyết tật Việt Nam đã trải qua một kỳ Đại hội thành công ngoài mong đợi, đứng thứ 3 trên bảng tổng sắp với 66 huy chương vàng, 58 huy chương bạc, 77 huy chương đồng (sau Indonesia và Thái Lan).
Trong lĩnh vực du lịch, 5 tháng đầu năm 2023, lượng khách du lịch quốc tế ước đạt 4.599.959 lượt; khách du lịch nội địa ước đạt 50,5 triệu lượt, tăng 3,9% so với cùng kỳ năm 2022; tổng thu từ du lịch ước đạt 267,2 nghìn tỉ đồng, tăng 26,6% so với cùng kỳ năm 2022. Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách trong lĩnh vực du lịch: tham mưu trình Chính phủ ban hành Nghị quyết số 82/NQ-CP ngày 18/5/2023 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững…
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng ghi nhận các lĩnh vực hoạt động của Bộ trong 6 tháng đầu năm đã có nhiều chuyển biến tích cực, một số lĩnh vực đã tạo nên những dấu ấn quan trọng, đóng góp vào dấu ấn đột phá của ngành VHTTDL trong nửa nhiệm kỳ qua. Tuy nhiên, Bộ trưởng chỉ ra một số công việc cụ thể còn chuyển biến chậm, yêu cầu các Cục, Vụ, đơn vị chức năng từ giờ đến cuối năm cần nỗ lực hết sức, triển khai hiệu quả các nhiệm vụ theo chủ đề công tác năm 2023 của Ngành: "Quyết liệt, hiệu quả, nêu gương, kỷ cương, trách nhiệm". "Quyết liệt hơn trong hành động, chú trọng cơ chế phối hợp, với tinh thần chọn việc, chọn điểm; phát huy trách nhiệm người đứng đầu, có chính sách và giải pháp để thực hiện các nhiệm vụ sao cho đảm bảo tính thiết thực, hiệu quả. Các công việc, nhiệm vụ được giao cần hoàn thành đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng" - Bộ trưởng yêu cầu.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhắc lại các nhóm việc lớn cần tập trung triển khai. Trước hết là những công việc được Đảng, Nhà nước cho chủ trương và cần thể chế hoá, đặc biệt là những công việc Đảng, Nhà nước lưu ý ngành VHTTDL tập trung thực hiện. "Cần khẩn trương nghiên cứu, trình Chính phủ để trình Quốc hội Chương trình mục tiêu quốc gia chấn hưng, phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam giai đoạn 2026-2030. Đây phải là dấu ấn quan trọng của ngành VHTTDL"… Bộ trưởng nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, cần có những giải pháp thúc đẩy mạnh mẽ việc phát triển các ngành công nghiệp văn hóa. Theo Bộ trưởng, chúng ta nói đến công nghiệp văn hóa đã lâu, đã nhiều nhưng sản phẩm cụ thể như thế nào, có sức thu hút, tạo nguồn thu ra sao… thì lâu nay vẫn chưa có giải pháp hiệu quả.
Về du lịch, ban hành Kế hoạch hành động của Bộ VHTTDL triển khai Nghị quyết số 82/NQ-CP ngày 18/5/2023 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững; Đề án Phát triển du lịch cộng đồng Việt Nam; đặc biệt cần chú trọng về quảng bá và xây dựng thương hiệu du lịch.
"Có những sự kết hợp cần được đẩy mạnh nhưng lâu nay các đơn vị chưa thực sự chú trọng. Đơn cử, giữa du lịch và điện ảnh lâu nay vẫn chưa gắn kết chặt chẽ. Vừa rồi, Cục Điện ảnh có sáng kiến khi đặt vấn đề về xây dựng sản phẩm du lịch, xây dựng thương hiệu du lịch qua điện ảnh tại Khánh Hòa bước đầu đã tạo hiệu quả tích cực. Những cái "bắt tay" hiệu quả này cần được thúc đẩy trong thời gian tới …", Bộ trưởng yêu cầu.
Thể thao trong bối cảnh hiện nay, tập trung hoàn thiện Đề án phát triển các môn thể thao trọng điểm chuẩn bị tham dự các kỳ Olympic và ASIAD giai đoạn 2024-2045; đề án chuyển đổi số trong lĩnh vực Thể dục thể thao. Theo Bộ trưởng, cần tính toán nguồn lực để phát huy thành tích đã có, tháo gỡ những điểm nghẽn, thúc đẩy sự phát triển của thể thao thành tích cao và thể thao quần chúng.
Bộ trưởng lưu ý một số nội dung quan trọng, đòi hỏi các đơn vị phải nỗ lực để "về đích" đảm bảo thời gian, chất lượng công việc. Cụ thể, về công tác văn hóa đối ngoại, Bộ trưởng đặt câu hỏi, trong quá trình tiếp biến, hội nhập văn hóa mạnh mẽ như hiện nay, các hoạt động đối ngoại của Bộ VHTTDL cần được định hướng, triển khai như thế nào để mang lại hiệu quả thực sự? Bên cạnh nguồn lực đã có, cần tìm kiếm, khai thác các nguồn lực để phát triển theo chiều sâu.
Bộ trưởng nêu vấn đề quản lý văn hóa trên không gian mạng là vấn đề được dư luận và Quốc hội đặc biệt quan tâm. "Các đơn vị chức năng của Bộ đã có những giải pháp nào để nâng cao hiệu quả quản lý trong lĩnh vực này?", Bộ trưởng đặt câu hỏi.
Bên cạnh đó là các vấn đề về sử dụng và phát huy hệ thống thiết chế văn hoá; xây dựng, phát triển hệ thống cơ sở vật chất của ngành… Đây là những vấn đề được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm, đồng thời cũng là những bài toán đặt ra trong công tác quản lý và hoạt động của toàn ngành. "Việc phát huy giá trị các thiết chế văn hóa ở cơ sở thuộc về các địa phương, tuy nhiên, các đơn vị quản lý của Bộ đã hướng dẫn như thế nào để phát huy giá trị" - Bộ trưởng nêu vấn đề.
Một đầu việc nữa là vai trò Bộ VHTTDL trong tổ chức, chỉ đạo các sự kiện văn hoá, thể thao, du lịch cấp quốc gia. "Cần rà soát từ nay đến 2025 có bao nhiêu sự kiện ở tầm quốc gia được Bộ VHTTDL tổ chức? Trong bối cảnh hiện nay, cần có giải pháp gì, sáng tạo như thế nào để những sự kiện lớn, tầm vóc này thực sự trở thành những dấu ấn trong bức tranh phát triển tổng thể của quốc gia" - Bộ trưởng yêu cầu.
Bộ trưởng cũng lưu ý các nhóm công việc lớn khác cần được các đơn vị nỗ lực, tập trung thực hiện trong thời gian từ nay đến cuối năm như tổ chức bộ máy; hoàn thiện thể chế, chính sách, thanh tra, kiểm tra…
"Đây là những công việc lớn gắn liền với trách nhiệm của chúng ta. Toàn ngành cần nỗ lực, phát huy tối đa sức mạnh tổng hợp để đưa "về đích" các nhiệm vụ trọng tâm, không chỉ hoàn thành đúng tiến độ mà còn phải đảm bảo chất lượng, có chiều sâu", Bộ trưởng chỉ đạo.