Phụ huynh Paris 2024 phàn nàn về việc phải mua vé cho trẻ sơ sinh

Những bậc cha mẹ có con là trẻ sơ sinh đang kêu gọi thay đổi quy tắc bán vé cho Thế vận hội Olympic Paris 2024 sau khi phát hiện ra con của họ sẽ bị từ chối vào địa điểm thi đấu trừ khi có chỗ ngồi riêng được trả phí.

Margaux Giddings - một y tá đến từ Tây Nam nước Pháp, đã mua vé xem môn Thể dục dụng cụ vào năm ngoái khi chúng được bán lần đầu, sau đó mang thai và gần đây đã sinh con. Người phụ nữ 33 tuổi nói với AFP: "Tôi đang cho con gái bú và con bé sẽ được 5 tháng tuổi vào thời điểm diễn ra Thế vận hội. Tôi cảm thấy phiền khi phải rời xa con bé. Tôi muốn được mang con theo trong địu em bé hoặc ba lô".

Quy định cho Thế vận hội, diễn ra từ ngày 26/7 đến ngày 11/8, là "tất cả khán giả cần có vé hợp lệ để vào địa điểm thi đấu Olympic, bao gồm trẻ em ở mọi lứa tuổi", điều này đã được thử nghiệm, mặc dù không thành công, tại Thế vận hội gần đây nhất ở Anh vào năm 2012.

baby-paris-1710751344.jpg

"Tôi không thể tin được khi biết rằng, sau khi sinh con, trẻ sơ sinh cần có chỗ ngồi riêng" - Tom Baker, 37 tuổi , một người có vé đến từ London đang mong đợi đứa con đầu lòng với vợ là Kate vào tháng 5 năm nay - cho biết. Anh đã liên hệ với Ban Tổ chức Paris 2024 và được thông báo rằng, anh nên cân nhắc mua vé cho Thế vận hội Paralympic, nơi không giống như Thế vận hội Olympic, có vé giảm giá cho trẻ em. "Tôi nói, 'Chờ đã! Chúng tôi đã mua vé một năm rưỡi trước sự kiện, thậm chí chúng tôi còn không biết chắc chắn chúng tôi có thể có con hay không'"- anh nói với AFP- "Bạn không thể biết trước được, và bạn không thể giải quyết vấn đề này vì vé đã được bán hết"- anh phàn nàn, và điều đó hoàn toàn chính đáng.

Trong khi đó, Ủy Ban Tổ chức Paris, vốn đã phải đối mặt với những lời chỉ trích về giá vé, đang bảo vệ quyết định yêu cầu mọi người, kể cả trẻ sơ sinh đi cùng bố mẹ, đều phải có chỗ ngồi riêng. Ban Tổ chức cho biết trong một tuyên bố gửi AFP: "Nhìn chung, Paris 2024 không khuyến khích cha mẹ mang trẻ em dưới 4 tuổi đến địa điểm thi đấu". "Paris 2024 kêu gọi các bậc cha mẹ lưu ý đến môi trường của các địa điểm thể thao có thể không phù hợp với sức khỏe của trẻ nhỏ".

Ở các môn thể thao khác, chính sách đối với trẻ sơ sinh là khác nhau. Tại Euro và World Cup, trẻ em ở mọi lứa tuổi phải có chỗ ngồi và nhiều câu lạc bộ lớn không khuyến khích trẻ sơ sinh, nhưng chúng thường được miễn phí vào cửa tại các môn thể thao như Bóng bầu dục, Cricket hoặc Điền kinh. Một số sự kiện không tính phí vào cửa nhưng yêu cầu bảo hiểm trách nhiệm, chẳng hạn như giải Bóng đá chuyên nghiệp Argentina.

Thế vận hội London 2012 bắt đầu với chính sách bán vé giống như Paris, nhưng Ban Tổ chức đã thay đổi chính sách này dưới áp lực của dư luận và truyền thông. Tại Rio 2016, Ban Tổ chức đưa ra các giá vé khác nhau cho người hưu trí, sinh viên và người khuyết tật.

Adrien Pol - một nhân viên xã hội đến từ Liege, Bỉ, người đang mong đợi đứa con đầu lòng vào tháng 6 - hy vọng có sự thay đổi tương tự. "Điều này phân biệt đối xử với phụ nữ"- anh nói về chính sách này- "Chúng tôi muốn cho con bú, vì vậy cuối cùng người ở lại với con chúng tôi sẽ là Marine, vợ tôi. Có thể cô ấy sẽ phải hy sinh...". Pol cho biết, cha mẹ nên được tự do đưa ra quyết định của mình, đồng thời nói thêm rằng các buổi tập bóng rổ và bóng chuyền bãi biển của anh ấy chỉ kéo dài 3 giờ. "Đây không phải là một buổi hòa nhạc, nếu bạn được trang bị tốt, đứa trẻ có thể ở đó, ngay từ 6 tuần tuổi, tất cả những gì chúng cần là cảm giác an toàn và được ở trong vòng tay của cha mẹ chúng”.

Mai Anh (Inside the Games)