Thành phố trực thuộc Trung ương, đô thị di sản đặc trưng
Tại Hội nghị, Thừa Thiên Huế công bố Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 1745/QĐ-TTg ngày 30/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ; Quyết định phê duyệt Quy hoạch chung đô thị tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065.
Quy hoạch tỉnh và quy hoạch chung đô thị Thừa Thiên Huế đã được chuẩn bị công phu, bài bản, khoa học; xây dựng trên cơ sở phát huy tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh, cũng như khắc phục những tồn tại, hạn chế của tỉnh.
Theo quy hoạch, đến năm 2025, Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương; đến năm 2030 là đô thị di sản đặc trưng của Việt Nam; một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của khu vực Đông Nam Á về văn hóa, du lịch và y tế chuyên sâu; một trong những trung tâm lớn của cả nước về khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao; trung tâm kinh tế biển mạnh của cả nước; quốc phòng, an ninh được đảm bảo vững chắc; đời sống vật chất và tinh thần người dân đạt mức cao.
Tầm nhìn đến năm 2050, Thừa Thiên Huế là thành phố trực thuộc Trung ương với đặc trưng văn hóa, di sản, xanh, bản sắc Huế, thông minh, hướng biển, thích ứng và bền vững; là đô thị lớn thuộc nhóm có trình độ phát triển kinh tế ở mức cao của cả nước; thành phố festival, trung tâm văn hóa - du lịch, giáo dục, khoa học công nghệ và y tế chuyên sâu của cả nước và châu Á; là điểm đến an toàn, thân thiện, hạnh phúc.
Về các định hướng, ưu tiên phát triển, quy hoạch xác định 3 trung tâm đô thị, 3 hành lang kinh tế, 3 động lực tăng trưởng, 5 khâu đột phá phát triển.
3 trung tâm đô thị, gồm: (1) Đô thị trung tâm (gồm thành phố Huế, quận Hương Thủy, thị xã Hương Trà), (2) Đô thị vùng Tây Bắc (gồm thị xã Phong Điền - Quảng Điền - A Lưới), (3) Đô thị vùng Đông Nam (gồm các huyện Phú Vang, Phú Lộc, Nam Đông).
3 hành lang kinh tế, gồm: Hành lang kinh tế Bắc - Nam, Hành lang kinh tế Đông - Tây, Hành lang kinh tế đô thị hướng biển.
3 động lực tăng trưởng, gồm: Thành phố Huế, Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô, Khu công nghiệp Phong Điền.
5 khâu đột phá phát triển là: Phát triển hệ thống đô thị di sản kết hợp đô thị hiện đại, thông minh; Hoàn thiện hạ tầng giao thông chiến lược, hạ tầng viễn thông, Phát triển kinh tế biển, đầm phá, hệ thống cảng biển nước sâu; Phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp năng lượng; Thúc đẩy dịch vụ - du lịch, công nghiệp văn hóa, bảo tồn di sản Cố đô Huế.
Tại Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao tỉnh Thừa Thiên Huế cùng các cơ quan, địa phương, đối tác đã phối hợp chuẩn bị chu đáo Hội nghị "3 trong 1": công bố Quy hoạch tỉnh, Quy hoạch chung đô thị Thừa Thiên Huế và xúc tiến đầu tư của tỉnh; thể hiện tầm nhìn phát triển Thừa Thiên Huế được xây dựng một cách bài bản, lớp lang, chiến lược, dài hạn và sự quan tâm đặc biệt của các doanh nghiệp, nhà đầu tư.
Thủ tướng đánh giá tóm tắt Quy hoạch Thừa Thiên Huế trong 13 chữ: Bản sắc, thông minh, thích ứng, xanh, sạch, đẹp, an toàn, bền vững.
Nhấn mạnh thêm một số nội dung trọng tâm, Thủ tướng trước hết dành thời gian phân tích về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác quy hoạch.
Huế có thể trở thành một hình mẫu về phát triển công nghiệp văn hóa
Về tiềm năng, lợi thế của tỉnh, Thủ tướng nêu rõ, Thừa Thiên Huế có vị trí chiến lược quan trọng, đặc biệt, là cầu nối từ Bắc vào Nam. "Việc phát triển Huế toàn diện là yêu cầu khách quan, lựa chọn chiến lược, ưu tiên hàng đầu", Thủ tướng nhấn mạnh.
Thừa Thiên Huế có tiềm năng to lớn về phát triển kinh tế biển - đầm phá với hệ đầm phá Tam Giang - Cầu Hai lớn nhất Đông Nam Á.
Thừa Thiên Huế là vùng đất địa linh, nhân kiệt, văn hiến, Cố đô lịch sử, thành phố di sản của thế giới, với 5 di sản văn hóa thế giới được UNESCO công nhận (gồm: Quần thể di tích Cố đô Huế, Nhã nhạc Cung đình Huế, Mộc bản triều Nguyễn, Châu bản triều Nguyễn và Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế); đặc biệt là hệ thống di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh. Theo Thủ tướng, Huế có thể trở thành một hình mẫu về phát triển công nghiệp văn hóa.
Người Thừa Thiên Huế có bản sắc, nét đẹp văn hóa đặc trưng, "rất Huế", hiền hòa, tinh tế, chân thành, hiếu khách, chịu thương, chịu khó, yêu lao động, có truyền thống hiếu học lâu đời. Con người là yếu tố quan trọng nhất, quyết định tới sự phát triển của Thừa Thiên Huế.
Thừa Thiên Huế có hệ thống giáo dục, y tế phát triển với Đại học Huế, Trường Đại học Phú Xuân, Trường Quốc học Huế, Bệnh viện Trung ương Huế…
Tăng cường kết nối vùng, khu vực, trong nước và quốc tế thông qua văn hóa và du lịch
Thủ tướng nhấn mạnh, Thừa Thiên Huế cần chú trọng, tập trung thực hiện "1 trọng tâm, 2 tăng cường, 3 đẩy mạnh" khi triển khai các quy hoạch.
"Một trọng tâm" là huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực hợp pháp để thúc đẩy các động lực tăng trưởng truyền thống (đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng); đột phá vào các động lực tăng trưởng mới như kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức, công nghiệp văn hóa, công nghiệp giải trí, ứng phó biến đổi khí hậu.
"Hai tăng cường", gồm: Tăng cường đầu tư, phát triển yếu tố con người (nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực chất lượng cao, bồi dưỡng nhân tài; bảo đảm công bằng, tiến bộ, an sinh xã hội, không để ai bị bỏ lại phía sau); Tăng cường kết nối vùng, khu vực, trong nước và quốc tế thông qua kết nối văn hóa và du lịch, kết nối giao thông, hệ thống sản xuất và cung ứng theo chuỗi, đa dạng hóa thị trường.
"Ba đẩy mạnh", gồm: Đẩy mạnh phát triển hệ thống hạ tầng chiến lược đồng bộ, bao trùm (về giao thông, ứng phó biến đổi khí hậu, hạ tầng số, văn hóa, y tế, giáo dục, xã hội...); Đẩy mạnh phát triển công nghiệp văn hóa, công nghiệp giải trí, công nghiệp phục vụ cho chế biến, chế tạo, chuỗi sản xuất - cung ứng cho khu vực, thế giới; nhất là những ngành có thế mạnh, khai thác tối đa tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của địa phương; Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp trong sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, sinh kế cho người dân ổn định và phát triển.