Phát huy di sản văn hóa Võ cổ truyền Bình Ðịnh

Ngày 5/1, tại thành phố Quy Nhơn, UBND tỉnh Bình Định phối hợp với Viện Nghiên cứu Văn hóa (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế với chủ đề “Bảo vệ và phát huy Di sản văn hóa phi vật thể và Võ cổ truyền Bình Định”. 

Dự Hội thảo có: ông Hoàng Đạo Cương - Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; ông Nguyễn Tuấn Thanh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Định; đại diện các đơn vị của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; học giả, nhà khoa học, nhà nghiên cứu đến từ các Ủy ban thuộc UNESCO; các chuyên gia về di sản văn hóa trong nước và quốc tế; các đại võ sư, võ sư…

Tại Hội thảo việc xây dựng hồ sơ đệ trình UNESCO để ghi nhận võ cổ truyền Bình Ðịnh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại không chỉ là nhiệm vụ quốc gia, mà còn là cơ hội để Việt Nam giới thiệu đến thế giới một phần tinh hoa văn hóa đặc sắc của dân tộc. Mục tiêu lớn nhất là gìn giữ di sản võ thuật cho các thế hệ hiện tại và tương lai, đồng thời nâng cao vị thế của Bình Ðịnh nói riêng và Việt Nam nói chung trên bản đồ di sản văn hóa toàn cầu.

Di sản sống, mang bản sắc độc đáo

Phát biểu tại Hội thảo, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Định Nguyễn Tuấn Thanh khẳng định: “Bình Định là cái nôi của nhiều nghệ thuật truyền thống đặc sắc, trong đó võ cổ truyền là linh hồn của đất và người nơi đây. Không chỉ là môn võ thuật, võ cổ truyền Bình Định còn là phương tiện rèn luyện tâm, trí, thể lực, thể hiện tinh thần thượng võ, ý chí tự cường và bản lĩnh dân tộc”.

binh-dinh-2-1736141896.jfif
Võ đường Phan Thọ (xã Bình Nghi, huyện Tây Sơn) tổ chức đón khách du lịch nước ngoài đến tham quan và tìm hiểu về võ đường

Võ cổ truyền Bình Định đã tồn tại và phát triển hàng nghìn năm, gắn liền với bước chân mở cõi của cha ông. Theo dòng chảy lịch sử, võ cổ truyền trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống văn hóa của người dân đất Võ. Các thế võ, bài quyền, cùng với những triết lý sống được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, tạo nên một di sản sống, mang trong mình những giá trị đạo đức, nhân cách con người, sự kiên cường và khả năng vượt qua thử thách. Hơn nữa, võ cổ truyền Bình Định không chỉ xuất hiện trong các hoạt động thể thao, còn là hình thức giáo dục đạo đức, phát triển trí tuệ và nuôi dưỡng phẩm chất con người.

Với nhận thức sâu sắc về tầm quan trọng của di sản này, tỉnh Bình Định đã triển khai Đề án bảo tồn và phát huy võ cổ truyền, tổ chức hoạt động sưu tầm các bài quyền, binh khí và nghiên cứu những ảnh hưởng tích cực của võ thuật đối với đời sống cộng đồng. Tỉnh cũng đã tổ chức thành công Liên hoan quốc tế Võ cổ truyền Việt Nam từ năm 2006 đến nay, không chỉ đưa võ cổ truyền đến với người dân trong nước mà còn giới thiệu ra thế giới.

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương nhấn mạnh, Võ cổ truyền Bình Định với chiều sâu lịch sử, văn hóa và triết lý sống, là một trong những di sản phi vật thể cần được nhận diện, bảo vệ và phát huy. Võ cổ truyền Bình Định không chỉ là một môn võ thuật, mà còn là kết tinh của tinh thần thượng võ, ý chí tự cường và văn hóa ứng xử cao đẹp của người Việt. Những bài quyền, thế võ, võ y, võ đạo được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, thể hiện đậm đà bản sắc của vùng đất và con người Bình Định. Việc xây dựng hồ sơ ghi danh võ cổ truyền Bình Định vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại sẽ mang lại niềm tự hào lớn lao, đồng thời, đặt lên vai chúng ta trách nhiệm bảo vệ và phát huy di sản một cách bền vững. Với vai trò là cơ quan quản lý văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ phối hợp chặt chẽ với các cấp chính quyền, cộng đồng chủ thể và các chuyên gia trong và ngoài nước để thực hiện nhiệm vụ quan trọng này.

Cho rằng võ cổ truyền Bình Định là một hệ thống thống nhất nhưng cũng rất đa dạng, kết hợp hài hòa giữa các yếu tố võ thuật, đạo đức và văn hóa cộng đồng, ông Frank Proschan, nguyên chuyên gia cao cấp của UNESCO, chia sẻ: “Giá trị sâu sắc của võ cổ truyền Bình Định không chỉ là những động tác kỹ thuật, mà còn là một phần không thể tách rời của đời sống văn hóa, mang trong mình những triết lý sống về đạo đức, nhân cách và mối quan hệ giữa người với người”, đồng thời kỳ vọng di sản này có tiềm năng lan tỏa ra toàn cầu, trở thành một hình mẫu trong việc bảo tồn và phát triển di sản sống.

Hướng đi cho tương lai

Việc ghi danh võ cổ truyền Bình Định vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại là một mục tiêu đầy tham vọng và sẽ gặp nhiều thách thức. Câu hỏi lớn được đặt ra tại Hội thảo là làm thế nào để vừa bảo vệ được bản sắc di sản, vừa phát huy được tính linh hoạt và khả năng phát triển bền vững của nó trong bối cảnh hiện đại.

Các chuyên gia tham dự Hội thảo đều thống nhất quan điểm rằng võ cổ truyền Bình Định cần được bảo vệ như một di sản sống, có sự phát triển liên tục và không bị đóng khung trong một khuôn mẫu cố định. Điều này không chỉ giúp di sản này thích ứng với thời đại mà còn giữ vững mối liên kết mật thiết với cộng đồng nơi nó sinh ra và phát triển.

binh-dinh-1736141788.jfif
Tại Hội khỏe Phù Đổng tỉnh Bình Định lần thứ X năm 2024, nội dung đối kháng trong môn thi đấu Võ cổ truyền được đưa vào chương trình thi đấu chính thức

Để bảo vệ và phát huy giá trị di sản này một cách hiệu quả, các chuyên gia đưa ra một số khuyến nghị quan trọng. Ông Frank Proschan nói, một trong những yếu tố then chốt là “trao quyền tự quyết cho cộng đồng”. Tức là các võ sư, võ sinh và những người tham gia vào việc thực hành võ cổ truyền phải được tạo điều kiện để tự bảo vệ và phát triển di sản của mình, không bị can thiệp quá mức từ các yếu tố bên ngoài. Điều này không chỉ bảo vệ giá trị cốt lõi của di sản mà còn duy trì tính liên tục và bền vững của võ cổ truyền Bình Định qua các thế hệ.

Ngoài ra, việc xây dựng các tiêu chí rõ ràng để đánh giá và công nhận chất lượng của võ cổ truyền trong các sự kiện và cuộc thi cũng rất quan trọng. Điều này sẽ giúp duy trì chất lượng và uy tín của môn võ, đồng thời tránh tình trạng lệch lạc trong việc thực hành và phát triển di sản. Một yếu tố quan trọng không thể thiếu là đảm bảo sự cân bằng giữa việc phát triển kinh tế và bảo vệ di sản, nhằm tránh thương mại hóa quá mức, làm mất đi giá trị nguyên bản của võ cổ truyền Bình Định.

Tiến sĩ, võ sư Hồ Minh Mộng Hùng (Trường Đại hội Quy Nhơn), bày tỏ, việc nhận diện đầy đủ và chính xác các giá trị của võ cổ truyền Bình Định là rất quan trọng. Do đó, cần tập trung làm rõ các giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học và khả năng võ cổ truyền Bình Định có thể làm nền tảng cho sự phát triển văn hóa mới. Các thành tố văn hóa liên quan đến võ thuật, võ y và nhạc võ cần được củng cố và phát triển để đáp ứng các tiêu chí của UNESCO. Các nghiên cứu đã xác định rõ các giá trị này, đồng thời đang hoàn thiện cơ sở lý luận và thực tiễn vững chắc để trình hồ sơ đề nghị UNESCO ghi danh võ cổ truyền Bình Định là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Việc phát huy và bảo vệ di sản này không chỉ là trách nhiệm của chính quyền mà còn là của cộng đồng, những người trực tiếp thực hành và gắn bó với di sản văn hóa này trong suốt nhiều thế kỷ qua. Việc hoàn thiện hồ sơ khoa học để đề xuất UNESCO ghi danh võ cổ truyền Bình Định không chỉ là một bước đi quan trọng trong việc bảo tồn di sản văn hóa mà còn tạo cơ hội để lan tỏa những giá trị độc đáo này ra thế giới.