Hiện mỗi năm Trường Trung cấp Du lịch và khách sạn Saigontourist (Trường Saigontourist) đào tạo hơn 1.000 học viên bậc sơ cấp và các khóa học thường xuyên; 2.000 học viên bậc trung cấp với 9 ngành đào tạo cơ bản, bao gồm: Quản lý và kinh doanh khách sạn, quản lý và kinh doanh khách sạn (chuyên ngành tiếp tân 5 sao), quản lý, kinh doanh nhà hàng và dịch vụ ăn uống, kỹ thuật chế biến món ăn (chuyên Á, chuyên Âu), kỹ thuật làm bánh, kỹ thuật pha chế đồ uống, hướng dẫn du lịch, quản trị lữ hành, marketing du lịch.
Ngoài hệ trung cấp, nhà trường có 2 nhóm ngành đang liên kết đào tạo liên thông lên bậc cao đẳng với nhóm ngành quản trị dịch vụ du lịch-lữ hành và quản trị nhà hàng; liên thông lên đại học với ngành quản trị du lịch.
Ngoài ra, nhà trường ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác về đào tạo và cung ứng nguồn nhân lực chất lượng cao giữa nhà trường với 13 DN trong nước và quốc tế về lĩnh vực du lịch, nhà hàng, khách sạn.
Chương trình đào tạo được thiết kế mang tính thực tiễn cao, chú trọng kỹ năng tay nghề với hơn 70% thời lượng thực hành.
Trường Saigontourist thường xuyên khảo sát DN về nhu cầu thực tập, việc làm theo mùa vụ vào các đợt 'Ngày hội việc làm"; đẩy mạnh mô hình hợp tác đào tạo thông qua môi trường làm việc thực tế tại các DN; giúp cho học viên tìm hiểu thị trường lao động, đảm bảo 100% sinh viên tìm được việc làm phù hợp sau khi tốt nghiệp.
Trường hợp tác với nhiều đối tác là các trường, học viện ở các nước như Australia, Canada, Luxembourg, Na Uy… để triển khai các chương trình đào tạo chứng chỉ quốc tế tại trường, trao đổi sinh viên, giáo viên; ký kết cung ứng nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao cho các thị trường lao động quốc tế như Australia, Đức, Pháp…
Đánh giá cao mô hình đào tạo hiệu quả của Trường Saigontourist, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, để thu hút được du khách, thì những tiềm năng, thế mạnh về thiên nhiên, văn hoá, con người, ẩm thực… phải trở thành sản phẩm du lịch hấp dẫn. Nhân lực du lịch là người tạo ra những sản phẩm du lịch và đem đến cho du khách.
Vì vậy, nhân lực du lịch có vai trò rất quan trọng. Tuy nhiên, nhân lực du lịch vẫn thiếu dù chúng ta luôn khuyến khích phát triển các trường nghề, phát triển du lịch.
Theo Phó Thủ tướng, đến nay vẫn chưa có kế hoạch hành động thống nhất, xuyên suốt nhằm tạo cơ chế khuyến khích thiết thực để các DN du lịch tham gia đào tạo nhân lực cho ngành du lịch vốn yêu cầu rất cao về thực hành.
Phó Thủ tướng mong muốn, với lợi thế của một DN du lịch lớn, có nhiều cơ sở tại các địa phương trên cả nước, hợp tác với nhiều tập đoàn khách sạn, nhà hàng cao cấp, Saigontourist sẽ phát triển mạng lưới cơ sở đào tạo, có thể đáp ứng nhu cầu học tập đa dạng, linh hoạt của học viên, cũng như các DN du lịch, khách sạn, nhà hàng.
"Saigontourist đã dành nhiều nỗ lực để đào tạo nhân lực. Đây là thế mạnh của đơn vị. Nếu có cơ chế thực sự tốt thì Saigontourist cần hướng tới đào tạo, cung cấp nhân lực cho cả ngành du lịch nói chung, chứ không chỉ cho riêng mình", Phó Thủ tướng chia sẻ.