- Sau SEA Games 31 tại Việt Nam, xin ông cho biết, Trung tâm Doping và Y học Thể thao Việt Nam đã rút ra được những kinh nghiệm gì?
+ Thông qua việc tổ chức thành công 2 sự kiện lớn là Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 31 (SEA Games 31) và Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ IX - 2022, công tác phòng chống doping trong hoạt động thể thao tại Việt Nam có được những kết quả nhất định.
Tại SEA Games 31 vừa qua, lần đầu tiên một quốc gia đăng cai Đại hội Thể thao khu vực Đông Nam Á có khối lượng mẫu thử doping lớn như vậy. Chúng tôi đã lấy hơn 1.000 mẫu trong hơn 2 tuần diễn ra Đại hội. Có thể khẳng định, trong thời gian ngắn như vậy chưa có quốc gia nào làm được trừ ở đấu trường Olympic.
Đặc biệt, Trung tâm Doping và Y học Thể thao Việt Nam là một đơn vị thuộc Tổng cục Thể dục thể thao với lực lượng khá mỏng nhưng chúng tôi đã hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Để làm được điều này, chúng tôi đã nhận được chỉ đạo kịp thời từ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng như Tổng cục Thể dục thể thao để nắm vững yêu cầu công việc và đề ra bộ tiêu chuẩn để có thể triển khai theo đúng trình tự.
SEA Games 31 không chỉ có riêng vận động viên Việt Nam mà còn có các vận động viên của 10 quốc gia khác trong khu vực tranh tài. Chính vì vậy, cả một hệ thống quan sát quốc tế theo dõi bằng con mắt chuyên môn nên sự đồng thuận của tất cả quốc gia trong công tác phòng, chống doping với nước chủ nhà là hết sức quan trọng. Và tại SEA Games 31 chúng ta đã làm được điều đó!
Để có thể hoàn thành nhiệm vụ lấy hơn 1.000 mẫu thử đòi hỏi một lực lượng hùng hậu và chúng tôi đã mời những đơn vị ngoài ngành có chuyên môn cao. Chỉ trong vòng 3 tháng, Trung tâm Doping và Y học Thể thao Việt Nam đã huy động, phối hợp với hơn 100 cán bộ chuyên môn của Viện Khoa học hình sự (Bộ Công an) và nhiều đơn vị tại 11 tỉnh, thành phố, 20 nhân viên nước ngoài và 4 chuyên gia để tổ chức thực hiện toàn bộ công tác kiểm tra doping theo đúng quy định, tạo ảnh hưởng rất lớn trong sự nhìn nhận, đánh giá chung của Hội đồng Thể thao Đông Nam Á cũng như các tổ chức Phòng, chống Doping các quốc gia và quốc tế khi kết thúc SEA Games 31.
Trong thời gian diễn ra SEA Games 31, vận động viên được lấy nước tiểu để kiểm tra doping, một số trường hợp phải lấy thêm mẫu máu để phục vụ những xét nghiệm phức tạp và chuyên sâu hơn. Một vận động viên có thể được kiểm tra doping nhiều lần trong quá trình thi đấu nếu họ giành nhiều huy chương tại Đại hội.
Cán bộ lấy mẫu (DCO) là người trực tiếp quan sát khi vận động viên đi tiểu để lấy mẫu. Các mẫu kiểm tra này được bảo quản nghiêm ngặt, sau đó vận chuyển đến phòng thí nghiệm tại Bangkok (Thái Lan) để làm xét nghiệm trước khi công bố kết quả.
Với khối lượng công việc đồ sộ như vậy, nhân viên của chúng tôi có mặt 24/24 giờ tại Trung tâm nhằm đảm bảo công tác tiếp nhận và vận chuyện các mẫu thử.
- Chuẩn bị cho SEA Games 32, ông có lưu ý gì cho các thành viên của đoàn Thể thao Việt Nam trong việc sử dụng thuốc và các thực phẩm bổ sung không?
+ Trước khi đoàn Thể thao Việt Nam lên đường tham dự SEA Games 32 sẽ có một đợt kiểm tra lớn. Để không chậm trễ, đề nghị Ủy ban Olympic Việt Nam, Tổng cục Thể dục thể thao, các Liên đoàn Thể thao quốc gia… cần tổ chức ngay mạng lưới liên hệ với các đầu mối cụ thể, chịu trách nhiệm cá nhân về việc phối hợp triển khai các công tác phòng, chống doping đối với các vận động viên, huấn luyện viên và các đối tượng liên quan trong phạm vi quản lý của mình.
Trong đó, có những hướng dẫn cụ thể như: các vận động viên tuyệt đối không sử dụng thuốc bổ, thuốc điều trị, thực phẩm chức năng nếu không có ý kiến chỉ định của bác sỹ có trách nhiệm. Trong trường hợp có sử dụng theo chỉ định, yêu cầu lưu giữ đủ thông tin về sản phẩm thuốc, thực phẩm chức năng, đơn thuốc có chữ ký của các bác sỹ và các giấy tờ y tế liên quan.
Các vận động viên cần phải khai báo đầy đủ các loại thuốc, thực phẩm chức năng (nếu có sử dụng) trong biên bản kiểm tra doping, lưu trữ các bản sao biên bản sau khi kiểm tra doping để đối chiếu khi cần thiết. Trong trường hợp bắt buộc sử dụng một số thuốc có trong danh mục chất cấm do yêu cầu điều trị chấn thương, chữa bệnh, vận động viên phải làm đơn xin miễn trừ do điều trị theo đúng quy định của Cơ quan Phòng, chống Doping quốc tế (WADA).
Vận động viên, huấn luyện viên cần cập nhật danh mục các chất cấm có nguy cơ vi phạm. Việc sử dụng thuốc, thực phẩm chức năng chỉ cần một sơ suất nhỏ sẽ để lại hậu quả khôn lường. Bên cạnh ý thức của các vận động viên, huấn luyện viên cũng cần thực hiện đầy đủ yêu cầu, quy định về việc phòng, chống doping.
- Trong cuộc làm việc với Cơ quan Phòng, chống Doping thế giới (WADA) mới đây, VADA có thêm kinh nghiệm gì trong công tác phòng, chống doping không thưa ông?
+ Chuyến công tác của đại diện Cơ quan Phòng, chống Doping thế giới (WADA) tại Việt Nam vào ngày 6/4 vừa qua, chúng tôi cũng đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp. Mặc dù, đoàn WADA đã dời Việt Nam nhưng cho đến ngày 10/4 chúng tôi vẫn trao đổi với nhau nhằm nắm bắt rõ hơn để đảm bảo tuân thủ nghiêm ngặt các quy tắc về phòng, chống doping theo quy định của Cơ quan Phòng, chống Doping thế giới. Việc này cũng góp phần khẳng định, thành tích của các vận động viên đạt được là trung thực và trong sạch. Trong những năm gần đây, Thể thao Việt Nam đã có sự phát triển mạnh và đạt được nhiều thành tích đáng ghi nhận. Đó là lý do để Việt Nam nhận được sự quan tâm nhiều hơn từ Cơ quan Phòng, chống Doping thế giới trong việc phòng chống doping cũng như để bảo vệ sự trong sạch của các vận động viên.
- Trong tháng 3 vừa qua, VADA cũng đã phối hợp với các Trung tâm Huấn luyện Thể thao Quốc gia tổ chức nhiều lớp tập huấn phòng, chống doping. Xin ông cho biết kết quả thu được tại các lớp tập huấn này?
+ Với kinh nghiệm có được từ kỳ SEA Games 31 diễn ra trên sân nhà, chúng ta cần tiếp tục quyết liệt trong công tác này. Theo đó, để có sự chuẩn bị tốt nhất cho các vận động viên Việt Nam trước thềm Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 32, Trung tâm Doping và Y học Thể thao Việt Nam đã cử các cán bộ đồng hành cùng các Trung tâm Huấn luyện Thể thao Quốc gia để tuyên truyền, kiểm soát trong việc triển khai nhiệm vụ liên quan tới doping đến từng vận động viên. Qua đó, hạn chế tối đa việc vận động viên Việt Nam vi phạm việc sử dụng các chất doping nằm trong danh mục cấm.
Trong tháng 4, Trung tâm Doping và Y học Thể thao Việt Nam tiếp tục tổ chức truyền thông về phòng, chống doping tại các giải vô địch quốc gia cho các vận động viên người khuyết tật tại tỉnh Đồng Nai, thành phố Hồ Chí Minh...
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Tổng cục Thể dục thể thao, Trung tâm Doping và Y học Thể thao Việt Nam đã xây dựng kế hoạch để tăng cường tuyên truyền về công tác phòng, chống doping cho các vận động viên, huấn luyện viên tại các Trung tâm Huấn luyện Thể thao Quốc gia, các địa điểm tập huấn bằng việc mở các lớp bồi dưỡng phòng, chống tác hại của doping cho các vận động viên, huấn luyện viên.
Bên cạnh đó, chúng ta cần phải tiến hành kiểm tra doping một cách nghiêm túc để các vận động viên nhận thức được bất cứ lúc nào, thời điểm nào cũng cần phải kiểm tra doping để bản thân họ tự nâng cao tinh thần phòng, chống doping cho mình.