Tham dự Hội nghị còn có các Phó Chủ tịch Ủy ban Olympic Việt Nam, Ủy viên Ban Thường vụ, các Ủy viên Ban Chấp hành Ủy ban Olympic Việt Nam cùng các khách mời là Chủ tịch các Liên đoàn, Hiệp hội Thể thao quốc gia, đại diện các Ban, Bộ, ngành, đại diện Lãnh đạo các Vụ, đơn vị của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tổng cục Thể dục thể thao...
Hội nghị được triển khai nhằm đánh giá những kết quả đạt được trong năm 2022 và đề ra các nhiệm vụ trọng tâm năm 2023 của phong trào thể thao Olympic Việt Nam.
Để kiện toàn công tác nhân sự, tại Hội nghị, các Ủy viên Ban Chấp hành Ủy ban Olympic Việt Nam đã tiến hành biểu quyết bầu chức danh Phó Chủ tịch đối với ông Đặng Hà Việt - Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục thể thao. Với đại đa số ý kiến tán thành, Ban Chấp hành Ủy ban Olympic Việt Nam đã thống nhất bầu ông Đặng Hà Việt - Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục thể thao giữ chức Phó Chủ tịch Ủy ban Olympic Việt Nam nhiệm kỳ VI (2021-2026).
Trong năm 2022 vừa qua, mặc dù bối cảnh trong nước và quốc tế còn gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của sự suy thoái kinh tế thế giới nhưng được sự quan tâm chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ủy ban Olympic Việt Nam đã cùng với Tổng cục Thể dục thể thao phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan, Liên đoàn, Hiệp hội Thể thao quốc gia hoàn thành tốt kế hoạch công tác đề ra; Triển khai hiệu quả nhiều chương trình hoạt động thể thao, Olympic quan trọng; Thực hiện tốt các nhiệm vụ của Ủy ban Olympic Việt Nam về đối ngoại, tuyên truyền, giáo dục Olympic và thể thao cho mọi người cũng như tích cực, góp ý, tham mưu cho lãnh đạo về việc xây dựng một số đề án quan trọng như Đề án “Phát triển nâng cao thành tích các môn thể thao trọng điểm chuẩn bị tham dự các kỳ Olympic và ASIAD giai đoạn 2022-2040"; Đề án Tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng tài năng thể thao và nhân lực thể thao thành tích cao đến năm 2035... Đặc biệt, năm 2022 Ủy ban Olympic Việt Nam đã phối hợp với Ban Tổ chức SEA Games, Tổng cục Thể dục thể thao chuẩn bị tốt các công việc đăng cai tổ chức SEA Games 31 tại Việt Nam góp phần vào sự thành công chung của Đại hội, được bạn bè quốc tế đánh giá cao về chuyên môn, năng lực tổ chức cũng như lòng mến khách của nước chủ nhà Việt Nam.
Năm 2022 cùng với việc đã đón hơn 20 đoàn khách quốc tế thăm và làm việc tại Việt Nam cũng như chuẩn bị chu đáo cho gần 20 đoàn cán bộ, lãnh đạo đi công tác nuớc ngoài và trực tiếp tổ chức cũng như phối hợp với các đơn vị liên quan cùng tổ chức gần 100 sự kiện, chương trình thể thao, các khóa học chuyên môn thể thao, khóa quản lý thể thao, tuyên truyền giáo dục Olympic góp phần cổ vũ, khích lệ tinh thần rèn luyện thể thao đến với đông đảo người dân trong nước.
Với phương châm "Quyết liệt hành động, Khát vọng cống hiến" và "Luôn luôn đổi mới, Sáng tạo trong công việc", năm 2023 Ủy ban Olympic Việt Nam sẽ kế thừa và phát huy thành công của năm trước và sẽ tập trung cao độ để hoàn thành tốt các mảng công tác như: Đối ngoại thể thao; Công tác thể thao cho mọi người, thể thao thành tích cao; Công tác tuyên truyền, giáo dục Olympic; Công tác tiếp thị và tài trợ; Các công tác khác cũng như bám sát kế hoạch được Ban Chấp hành, Ban Thường vụ thông qua và đặc biệt tập trung công việc cho 6 đoàn Thể thao Việt Nam tham dự các Đại hội Thể thao quốc tế như: SEA Games 32 từ ngày 5 đến 17/5/2023 và ASEAN Para Games 12 từ ngày 28/5 đến 10/6/2023 tại Campuchia; ASIAD 19 từ ngày 23/9 đến 8/10/2022 và ASIAN Para Games 4 từ ngày 18 đến 28/10/2023 tại Hàng Châu - Trung Quốc; Đại hội Thể thao Bãi biển Thế giới ANOC tại Bali, Indonesia từ ngày 5 đến 12/8/2023; Đại hội Thể thao Trong nhà và Võ thuật châu Á lần thứ VI từ ngày 17 đến 26/11/2023 tại Bangkok và tỉnh Chonburi (Thái Lan) và chuẩn bị tốt cho các vận động viên tham gia thi đấu vòng loại Olympic 2024 tại Paris (Pháp).
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Bộ trưởng đánh giá cao những kết quả đã đạt được của Uỷ ban Olympic Việt Nam trong năm qua. Theo Bộ trưởng, những kết quả ấy có được là do cơ quan quản lý nhà nước về Thể dục thể thao và Uỷ ban Olympic Việt Nam dù là 2 tổ chức độc lập nhưng đã nhìn chung về một hướng - vì thành công của thể thao Việt Nam. Điều đó cho thấy, Thể thao Việt Nam đang đi đúng hướng từ việc phát triển phong trào thể thao cho mọi người, làm nền tảng để từ đó tìm kiếm, phát hiện các tài năng đưa lên các đội tuyển quốc gia.
Bộ trưởng mong muốn, Uỷ ban Olympic Việt Nam, Tổng cục Thể dục thể thao, các Liên đoàn, Hiệp hội cùng đặt lợi ích của Thể thao Việt Nam lên trên hết; các Liên đoàn, Hiệp hội nên chủ động phát huy vai trò trong việc thực hiện xã hội hoá, trong các quan hệ đối ngoại để huy động được thêm nhiều nguồn lực từ trong nước và quốc tế; phối hợp chặt chẽ với các Trung tâm Huấn luyện Thể thao quốc gia để chăm lo cho vận động viên.
Với những mục tiêu cụ thể đã đề ra trong năm 2023, Bộ trưởng yêu cầu tập trung cho một số nhiệm vụ trọng tâm, trước hết, Ủy ban Olympic Việt Nam phải kiến nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch làm rõ hơn vai trò quản lý nhà nước về thể thao, định hướng rõ hơn chức năng, nhiệm vụ của các Liên đoàn, hiệp hội, đề cao vai trò xã hội hóa trong các hoạt động này. Đặc biệt: "Thực hiện nghiêm, đúng Điều lệ hoạt động của Ủy ban Olympic Việt Nam, quy chế hoạt động của ban chấp hành, ban thường vụ… để chủ động phối hợp, tạo sự liên thông trong hoạt động của Ủy ban Olympic Việt Nam".
Về công tác đối ngoại, Bộ trưởng cho rằng, ở đây không chỉ là mối quan hệ hợp tác với các tổ chức quốc tế mà còn là giữa các Liên đoàn với Liên đoàn, Liên đoàn với các cơ quan quản lý nhà nước và thành phần kinh tế xã hội, trên tinh thần là hợp tác 2 bên cùng có lợi.
Đối với báo cáo về công tác chuẩn bị cho SEA Games 32, Bộ trưởng yêu cầu thường trực Ủy ban Olympic Việt Nam ra thông báo cho các Liên đoàn để phối hợp với các Trung tâm Huấn luyện nhằm giải quyết, hỗ trợ, tạo điều kiện tốt nhất về cơ sở vật chất, chế độ dinh dưỡng, nguồn lực cho công tác tập huấn và huấn luyện.