
Theo Cục Bản quyền tác giả (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), ngày 26/4 hằng năm đã được Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) quyết định tôn vinh là Ngày sở hữu trí tuệ thế giới nhằm tăng cường luận bàn về vai trò của sở hữu trí tuệ trong việc khuyến khích đổi mới và sáng tạo. Năm nay, WIPO đưa ra thông điệp “Sở hữu trí tuệ và âm nhạc - Cảm nhận nhịp điệu của Sở hữu trí tuệ”.
Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới 2025 nêu bật cách thức mà sự sáng tạo và sự đổi mới sáng tạo, với sự hậu thuẫn của quyền sở hữu trí tuệ, đã gìn giữ cho âm nhạc phát triển mang lại lợi ích cho mọi người trên toàn thế giới.
Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới kêu gọi chúng ta cùng khám phá cách thức mà quyền sở hữu trí tuệ cùng với các chính sách đổi mới sáng tạo trao quyền cho các chủ thể sáng tạo, nhà đổi mới sáng tạo và doanh nhân để đem lại những ý tưởng mới cho ngành công nghiệp âm nhạc, bảo vệ các tác phẩm của các nhà soạn nhạc, nhạc sĩ, nghệ sĩ biểu diễn và tất cả những ai đã tạo nên những âm sắc làm rung động chúng ta.

Thúc đẩy các hoạt động sáng tạo, bảo hộ thành quả sáng tạo trong phát triển ngành công nghiệp âm nhạc
Hưởng ứng Ngày sở hữu trí tuệ thế giới 26/4, Cục Bản quyền tác giả phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao Thành phố Hồ Chí Minh, Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam tổ chức sự kiện Chương trình giới thiệu, giao lưu về bản quyền trong lĩnh vực âm nhạc tại tại Phố đi bộ Nguyễn Huệ (thành phố Hồ Chí Minh) vào tối ngày 20/4/2025.
Tham dự Chương trình dự kiến có đại diện Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các cơ quan, đơn vị có liên quan trực thuộc; Đại diện Lãnh đạo UBND thành phố Hồ Chí Minh và các Sở, ngành trực thuộc; đại diện các Bộ, ngành, cơ quan liên quan; các tác giả, các nhà sáng tạo; đại diện hội, hiệp hội về văn học nghệ thuật (Lĩnh vực âm nhạc); đại diện các Tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan trong lĩnh vực âm nhạc (Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam, Hội Nghệ sĩ biểu diễn Việt Nam, Hiệp hội Công nghiệp ghi âm Việt Nam); các nhạc sĩ, tác giả, người biểu diễn, nhạc công, nhà sản xuất bản ghi, các đơn vị khai thác sử dụng tác phẩm âm nhạc; một số cơ quan truyền thông báo chí và công chúng khán giả yêu âm nhạc...
Chương trình sẽ diễn ra với nhiều hoạt động thú vị như: giao lưu với các nghệ sĩ, nhạc sĩ, khách mời: NSND Tạ Minh Tâm; NSƯT Hải Phượng; nhạc sĩ Hoài An, nhạc sĩ Đức Trí, ca sĩ Võ Hạ Trâm, nhóm MTV, nhạc sĩ, ca sĩ Nguyễn Đình Vũ, nhạc sĩ Tuấn Cry, nhà sản xuất âm nhạc Kai Đinh, Rapper Bảo Kun,… để cùng chia sẻ những góc nhìn sâu sắc về trách nhiệm của cộng đồng đối với việc bảo vệ sở hữu trí tuệ...

Trong khuôn khổ sự kiện sẽ diễn ra chương trình nghệ thuật biểu diễn ca khúc của các nhạc sĩ nổi tiếng, ca khúc mang thông điệp rõ ràng về giá trị và ý nghĩa của việc bảo vệ quyền tác giả; biểu diễn các ca khúc mới viết về TP.HCM, nhân dịp chào mừng kỷ niệm 50 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/04/1975-30/04/2025);
Các nghệ sĩ cũng sẽ tương tác với khán giả, chia sẻ quan điểm, câu chuyện thực tế liên quan đến nhận thức và thực hành bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, trao đổi những giải pháp cụ thể, khả thi để mỗi cá nhân và cộng đồng có thể chung tay hành động hiệu quả trong việc bảo vệ quyền tác giả và cuối chương trình là hoạt động vinh danh những nghệ sĩ, nhạc sĩ đã có những đóng góp cho bản quyền âm nhạc, các đơn vị kinh doanh âm nhạc thực hiện tốt về bản quyền âm nhạc, tặng quà cho các nhạc sĩ, nghệ sĩ có hoàn cảnh khó khăn.
Chương trình giới thiệu, giao lưu về bản quyền trong lĩnh vực âm nhạc sẽ là một sự kiện để lại dấu ấn đặc biệt, là dịp để giao lưu, trao đổi nhiều nội dung thú vị, bổ ích về quyền tác giả, quyền liên quan; góp phần nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan, thúc đẩy các hoạt động sáng tạo, bảo hộ thành quả sáng tạo và phát triển ngành công nghiệp âm nhạc nói riêng, công nghiệp văn hóa nói chung.
Trong kỷ nguyên số và sự lan tỏa của công nghệ AI, âm nhạc cần được bảo vệ bằng công cụ pháp lý hiệu quả để đảm bảo giá trị gốc của sáng tạo không bị mai một. Hệ thống sở hữu trí tuệ chính là cây cầu kết nối người sáng tạo - người sử dụng - nhà đầu tư, góp phần hình thành một hệ sinh thái âm nhạc công bằng, phát triển và bền vững.
Lĩnh vực âm nhạc là một trong 12 lĩnh vực công nghiệp văn hoá Việt Nam (theo Quyết định số 1755/2016/QĐ-TTg ngày 08/9/2016 phê duyệt chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030).
Quyền tác giả, quyền liên quan đã tăng cường sự kết nối liên ngành từ âm nhạc tới lĩnh vực điện ảnh, giải trí và công nghệ, đến thời trang, trò chơi điện tử và hàng tiêu dùng, tạo điều kiện cho sự hợp lực sáng tạo và đổi mới giữa các lĩnh vực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.