Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch năm 2022: Nhiều dấu ấn và kết quả tích cực

Sáng 22/12, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác Văn hóa, Thể thao và Du lịch năm 2022, phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2023. Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị.

qc-hoi-nghi-1671700186.jpg
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng và các Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì Hội nghị.

Hội nghị được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức theo hình thức trực tiếp tại trụ sở Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, kết hợp trực tuyến với 65 điểm cầu khắp cả nước. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cùng Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, các Thứ trưởng Tạ Quang Đông, Trịnh Thị Thủy, Hoàng Đạo Cương, Đoàn Văn Việt chủ trì Hội nghị.

Cùng dự Hội nghị có các Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng: Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh.

Dự Hội nghị còn có Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh, Thiếu tướng Phạm Trường Sơn - Phó Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Sỹ Hiệp, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động Việt Nam Trần Thanh Hải, Bí thư Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh Nguyễn Tường Lâm.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh: “Hôm nay, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2022. Hội nghị đặc biệt phấn khởi được chào đón Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cùng nhiều đồng chí Bộ trưởng, những người luôn đồng hành với Bộ trong thực hiện nhiệm vụ Chấn hưng phát triển văn hóa Việt Nam theo Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021”.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng chân thành cảm ơn sự quan tâm tham dự của hơn 50 lãnh đạo các tỉnh, thành phố, minh chứng cho sự lan tỏa của sức mạnh mềm văn hóa, cho thấy sự phát triển văn hóa là phát triển có tính chất bền vững nên ngày càng nhận được nhiều sự quan tâm hơn của các Bộ ngành, địa phương. Hội nghị tổng kết ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch diễn ra trong thời khắc hết sức ý nghĩa khi toàn Đảng, toàn quân và toàn dân đang long trọng tổ chức kỷ niệm 78 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam. Từ diễn đàn Hội nghị này, Bộ trưởng thay mặt toàn ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch gửi lời chúc mừng tốt đẹp nhất đến Quân đội nhân dân Việt Nam, quân đội anh hùng của dân tộc anh hùng. Hy vọng, sự phối hợp giữa ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Bộ Quốc phòng tiếp tục đi vào chiều sâu trong thời gian tới.

hung-1671700186.jpg
Bộ trường Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng phát biểu khai mạc Hội nghị.

Bộ trưởng khẳng định: “Chúng ta đã có cách nhìn thực tiễn từ việc thực hiện nhiệm vụ của ngành ở các địa phương, đơn vị, qua xem phóng sự tổng hợp lại kết quả của ngành trong một năm, chúng ta có thể khẳng định rằng năm 2022 Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã để lại nhiều dấu ấn, kết quả tích cực. Chưa bao giờ, những kết quả của ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch được Đảng, Nhà nước và nhân dân ghi nhận, đánh giá một cách sâu sắc, toàn diện thời điểm này”.

Báo cáo tại Hội nghị nêu rõ: Năm 2022 là năm có ý nghĩa quan trọng, tạo nền tảng thực hiện các mục tiêu phát triển văn hóa, thể thao và du lịch theo Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 với những thuận lợi và thách thức đan xen. Nhìn chung, công tác văn hóa, thể thao và du lịch có xu hướng phục hồi tích cực sau 02 năm chịu tác động nặng nề của đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, năm 2022 cũng chứng kiến nhiều yếu tố rủi ro, bất định ngày càng gia tăng, những vấn đề mới phát sinh chưa có tiền lệ, khó khăn hơn so với dự báo đã ảnh hưởng tới công tác triển khai nhiệm vụ của Ngành.

Trong bối cảnh đó, dưới sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Đảng, Nhà Nước, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự ủng hộ của các địa phương, nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là sau thành công của Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021, toàn Ngành được tiếp thêm động lực mới, tinh thần mới, niềm tin mới, phấn chấn mới để khắc phục, vượt qua khó khăn, quyết tâm thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị được Đảng, Nhà nước, nhân dân tin tưởng, giao phó; các nhiệm vụ phát triển Ngành cơ bản bảo đảm tiến độ, chất lượng.

Để triển khai hiệu quả các Kết luận của Trung ương, Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 và kế hoạch 5 năm 2021-2025 nói chung, về phát triển văn hóa nói riêng, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp tục thực hiện phương châm hành động đã đặt ra cho cả nhiệm kỳ “Quyết liệt hành động - Khát vọng cống hiến”, phát động và triển khai chủ đề công tác năm 2022 “Xây dựng môi trường văn hóa cơ sở và công tác tổ chức cán bộ” với tinh thần quyết tâm, quyết tâm hơn nữa, để cùng với các ngành, các cấp từng bước hiện thực hóa mục tiêu chấn hưng, phát triển văn hóa Việt Nam.

Những bước chuyển tích cực

Điểm nhấn nổi bật trong công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế năm 2022 là, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tham mưu Chính phủ, trình Quốc hội thông qua 02 dự án Luật, phối hợp trình 01 dự án Luật, gồm: Luật Điện ảnh (Luật số 05/2022/QH15 ngày 15/06/2022); Luật Phòng chống bạo lực gia đình (sửa đổi) (Luật số 13/2022/QH15 ngày 14/11/2022); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ (Luật số 07/2022/QH15 ngày 16/6/2022).

Trong lĩnh vực văn hóa, gia đình, kết quả nổi bật là những dấu ấn trong việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa: Hoàn thiện, trình Chính phủ xem xét Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Di sản văn hóa (sửa đổi). Xây dựng dự thảo Nghị định quy định biện pháp quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị Di sản văn hóa phi vật thể trong các Danh sách của UNESCO và Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và 05 thông tư.

Nghệ thuật làm gốm của người Chăm được UNESCO ghi danh vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp; Bia ma nhai tại danh thắng Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng và Văn bản Hán Nôm làng Trường Lưu, Hà Tĩnh (1689-1943) được Ủy ban Chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương của UNESCO (MOWCAP) ghi danh là Di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Trình Thủ tướng Chính phủ: phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Quần thể di tích Cố đô Huế đến năm 2030, tầm nhìn 2050; phát huy giá trị di tích quốc gia đặc biệt Khởi nghĩa Bắc Sơn (Lạng Sơn); gia hạn thời gian thực hiện và điều chỉnh Quy hoạch tổng thể bảo tồn Khu di tích lịch sử - văn hóa Côn Sơn - Kiếp Bạc gắn với phát triển du lịch thành phố Chí Linh, Hải Dương; cho phép: chỉnh sửa, bổ sung tên gọi Hồ sơ khoa học di sản “Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử” (Quảng Ninh, Bắc Giang, Hải Dương) trình UNESCO công nhận là di sản thế giới; Hồ sơ “Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam” gửi UNESCO đề cử ghi danh vào Danh sách di sản văn hoá Phi vật thể đại diện của nhân loại. Hướng dẫn các địa phương xây dựng hồ sơ: Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà, Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử (Bắc Giang, Hải Dương, Quảng Ninh), Khu di tích khảo cổ Óc Eo - Ba Thê (An Giang), Hang Con Moong (Thanh Hóa) để trình UNESCO ghi danh là di sản thế giới; hồ sơ trình UNESCO vinh danh, kỷ niệm 300 năm Ngày sinh Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác. Quyết định xếp hạng 12 di tích quốc gia; đưa 46 di sản văn hóa phi vật thể vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; cấp phép thăm dò, khai quật khảo cổ tại 42 địa điểm. Đàm phán thành công việc hồi hương ấn vàng từ Pháp về Việt Nam. Ký kết Chương trình phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo trong công tác giáo dục truyền thống cho học sinh, sinh viên thông qua các di tích, di sản văn hóa phi vật thể, các bảo tàng từ Trung ương đến địa phương. Việt Nam đã trúng cử 1/24 thành viên Ủy ban liên Chính phủ Công ước bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể nhiệm kỳ 2022-2026.

Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận: Trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy định tiêu chí, trình tự, thủ tục xét công nhận đô thị văn minh; Chỉ thị về tiếp tục hoàn thiện, khai thác và phát huy hiệu quả hệ thống thiết chế văn hoá, thể thao cơ sở. Báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả 10 năm thi hành Luật Quảng cáo và triển khai Lập đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo, trình Chính phủ trong năm 2023. Hoàn thiện Hồ sơ đề nghị xây dựng Nghị định quy định về thực hiện nếp sống văn minh trong tổ chức lễ cưới, lễ tang; Xây dựng Nghị định quy định về khung tiêu chuẩn, quy trình xét tặng danh hiệu Gia đình văn hóa, Thôn, tổ dân phố văn hóa, Xã, phường, thị trấn tiêu biểu...

Hoạt động văn hóa, gia đình tại các địa phương sau thời gian dài chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19, các tỉnh/thành trên cả nước tổ chức nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật sôi nổi, phục vụ các nhiệm vụ chính trị và nhu cầu hưởng thụ văn hóa, nghệ thuật nhân dân trong điều kiện cả nước bước vào giai đoạn bình thường mới, đặc biệt là trong các dịp lễ, kỷ niệm lớn của đất nước.
Đời sống văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi có nhiều khởi sắc; lĩnh vực thư viện nỗ lực đổi mới, đa dạng hóa các phương thức hoạt động...

Điện ảnh Việt Nam ghi dấu ấn với thành công với Luật Điện ảnh 2022 được Quốc hội thông qua; nhiều hoạt động phục hồi ấn tượng, trong đó có thành công của Liên hoan phim Quốc tế Hà Nội lần VI.

toan-canh-1671700506.jpg
Quang cảnh Hội nghị.

Năm 2022 cũng được ghi nhận là một năm nhiều thành công ở lĩnh vực bảo vệ bản quyền tác giả và các quyền liên quan. Việt Nam đã hoàn thành gia nhập Hiệp ước về biểu diễn và bản ghi âm của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (Hiệp ước WPPT); Hiệp ước về tạo điều kiện cho người khiếm thị, người khuyết tật về thị giác và người khuyết tật khác không có khả năng đọc tiếp cận với các tác phẩm đã công bố (Hiệp ước Marrakesh). Trong năm, Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ; với nhiều nội dung về quyền tác giả, quyền liên quan được nghiên cứu sửa đổi, bổ sung....

Thể thao thành công rực rỡ

Năm 2022, Việt Nam đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ nước chủ nhà đăng cai tổ chức SEA Games 31, để lại ấn tượng sâu sắc đối với các đoàn thể thao và người hâm mộ các nước. Đoàn Thể thao Việt Nam đã thi đấu xuất sắc, xếp thứ nhất toàn đoàn tại SEA Games 31, với số huy chương vượt trội (446 huy chương, trong đó có 205 huy chương vàng, 125 huy chương bạc, 116 huy chương đồng), phá 21/41 kỷ lục tại Đại hội, bảo vệ thành công huy chươngvàng SEA Games của môn Bóng đá nam và huy chương vàng SEA Games lần thứ 7 của đội tuyển bóng đá nữ.

Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ IX năm 2022 diễn ra từ ngày 9 đến 21/12/2022 tại tỉnh Quảng Ninh cùng 10 tỉnh/thành khu vực phía Bắc, tranh tài 933 bộ huy chương ở 43 môn thể thao, có 17.108 cán bộ, huấn luyện viên, vận động viên, trọng tài, nhân viên phục vụ của 65 đoàn thể thao của 63 tỉnh/thành và 2 ngành Quân đội và Công an. Kết thúc Đại hội, đoàn Thể thao Hà Nội dẫn đầu trong Bảng tổng sắp huy chương, đứng nhì là đoàn Thể thao TP. Hồ Chí Minh và đứng thứ ba là đoàn Thể thao Quân đội và với 53 kỷ lục Quốc gia, 96 kỷ lục Đại hội được xác lập.

Triển khai tích cực Cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” gắn với Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và “Chương trình xây dựng nông thôn mới” thông qua tổ chức các hoạt động thể dục thể thao mừng Đảng, mừng Xuân, Đại hội Thể dục thể thao các cấp và Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ IX năm 2022.

Tổ chức tháng hành động thể dục thể thao cho mọi người nhân dịp kỷ niệm Ngày Thể thao Việt Nam 27/3, Ngày chạy Olympic vì sức khỏe toàn dân và Lễ Khai mạc hè, ngày Olympic trẻ em; phát động toàn dân tập luyện môn Bơi phòng, chống đuối nước quy mô cấp quốc gia. Tổ chức 35 hội thi và các giải thể thao quần chúng cấp quốc gia thu hút gần 12.000 cán bộ, vận động viên tham dự, 16 lớp tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ cho 2.162 cán bộ, cộng tác viên, hướng dẫn viên thể dục thể thao cơ sở. Tham dự các giải thể thao người khuyết tật quốc tế, giành 65 huy chương vàng, 65 huy chương bạc và 57 huy chương đồng. Đoàn Thể thao người khuyết tật Việt Nam giành 65 huy chương vàng, 62 huy chương bạc, 56 huy chương đồng, xếp thứ 3/11 đoàn, lập 16 kỷ lục ASEAN Para Games 11.

Công tác quản lý nhà nước, xây dựng văn bản, đề án về thể dục thể thao: Trình Thủ tướng Chính phủ Chiến lược phát triển Thể dục, thể thao Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Tiếp tục hoàn thiện Đề án phát triển các môn thể thao trọng điểm chuẩn bị tham dự các kỳ Olympic và ASIAD giai đoạn 2022-2045 và Đề án ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong lĩnh vực thể dục thể thao; xây dựng tiêu chí, tiêu chuẩn tuyển chọn vận động viên, huấn luyện viên theo Đề án “Tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng tài năng thể thao và nhân lực thể thao thành tích cao đến năm 2035”...

Du lịch phục hồi ngoạn mục

Vượt lên những khó khăn, thách thức, năm 2022, tổng lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam ước đạt 3,5 triệu lượt; khách du lịch nội địa ước đạt 101,3 triệu lượt; tổng thu từ du lịch ước đạt 495 nghìn tỷ đồng. lượng khách du lịch quốc tế năm 2022 ước đạt 3,5 triệu lượt (đạt 70% so với chỉ tiêu đặt ra từ đầu năm). Lượng khách du lịch nội địa đạt 101,3 triệu lượt, tăng hơn gấp rưỡi so với mục tiêu đặt ra cho năm 2022 là 60 triệu lượt khách và vượt xa con số 85 triệu lượt khách nội địa năm 2019 khi chưa xảy ra đại dịch COVID-19. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 495 nghìn tỷ đồng, vượt trên 23% so với kế hoạch năm 2022 và đạt 66% so với năm 2019. Sự tăng trưởng ngoạn mục của thị trường du lịch nội địa sau dịch COVID-19 là một điểm sáng.

Với việc mở cửa trở lại hoạt động du lịch từ 15/3/2022, Việt Nam được Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) đánh giá là một trong những nước có chính sách mở cửa cởi mở nhất thế giới. Việt Nam cũng là một trong những nước mở cửa sớm nhất khu vực.

Những nỗ lực nhằm thích ứng an toàn, linh hoạt và tái thiết ngành du lịch Việt Nam đã mang lại thành tựu đáng ghi nhận. Theo báo cáo năm 2022 của Diễn đàn Kinh tế thế giới, Chỉ số năng lực phát triển của Du lịch Việt Nam năm 2021 xếp thứ 52, tăng 8 bậc so với năm 2019, nằm trong nhóm 3 quốc gia có mức độ cải thiện tốt nhất trên thế giới.

Tại giải thưởng World Travel Awards 2022, Du lịch Việt Nam xuất sắc giành được 16 hạng mục giải thưởng hàng đầu Thế giới và 48 hạng mục giải thưởng hàng đầu Châu Á. Trong 5 năm gần nhất, Việt Nam 3 lần được tôn vinh là Điểm đến Di sản hàng đầu thế giới; 4 lần nhận danh hiệu Điểm đến hàng đầu châu Á; Tổng cục Du lịch Việt Nam 3 lần được bình chọn là Cơ quan quản lý du lịch hàng đầu châu Á; Việt Nam lần thứ 6 đoạt danh hiệu "Điểm đến du lịch Golf tốt nhất châu Á" tại giải thưởng World Golf Awards 2022 cùng nhiều danh hiệu quốc tế uy tín khác dành cho các địa phương, doanh nghiệp của Việt Nam...

Năm 2023 là năm bản lề thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025. Quan điểm chỉ đạo của Đảng và Chính phủ là ưu tiên giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, các loại dịch bệnh; chú trọng phát triển toàn diện và đồng bộ các lĩnh vực văn hoá, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân; tiếp tục nâng cao uy tín, vị thế của nước ta trên trường quốc tế.

Trong bối cảnh đó, Ngành thể dục thể thao cả nước cần phát huy hơn nữa vai trò lực lượng nòng cốt trong sự nghiệp “Chấn hưng văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới”, tiếp tục triển khai hiệu quả 6 nhóm nhiệm vụ và 4 nhóm giải pháp xây dựng, giữ gìn và phát huy những giá trị đặc sắc của nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc đã được Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ đạo tại Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021. Mục tiêu, nhiệm vụ xuyên suốt là “Khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”, tích cực góp phần cùng cả nước hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2023 đã đề ra.

Kiên trì và tỉ mỉ trong thực hiện các nhiệm vụ văn hóa

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trân trọng ghi nhận, biểu dương nỗ lực rất lớn cũng như những thành tích rất toàn diện của ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

dam-1671700186.jpg
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu chỉ đạo Hội nghị.

Trong năm 2022, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã triển khai nhiều hoạt động cụ thể nhằm thực hiện kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hoá toàn quốc (tháng 11/2021), một hội nghị mà từ nhiều năm, không chỉ những người làm công tác quản lý về văn hóa, không chỉ giới văn nghệ sĩ, mà đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân đều trông đợi. Từ đó góp phần nâng cao nhận thức về vai trò của văn hoá trong toàn Đảng, toàn xã hội lên một tầm mức mới. Điều này rất đúng với xu thế phát triển bền vững hiện nay, đó là không chỉ bảo vệ môi trường mà còn phải hết sức chú ý đến các vấn đề văn hoá, xã hội.

Theo Phó Thủ tướng, nếu một đất nước chỉ tập trung vào tăng trưởng kinh tế, không chú ý đến môi trường thì có khi phải mất nhiều chục năm thì mới khắc phục được các hệ lụy. Nhưng đã chú ý đến môi trường rồi mà không chú ý đến văn hóa xã hội thì phải mất nhiều thế hệ mới khắc phục lại được và thậm chí là sụp đổ.

Trong từng giai đoạn, Đảng, Nhà nước đều chú trọng phát triển hài hoà giữa kinh tế và văn hoá, xã hội, văn hoá trong từng giai đoạn. Việt Nam là một quốc gia tiên phong trong phát triển bền vững (đứng thứ 51 trên thế giới), trong đó có vấn đề môi trường, văn hoá, xã hội, dù trình độ phát triển kinh tế còn thấp so với nhiều nước.

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cho rằng cần thẳng thắn nhìn nhận kết quả thực hiện các văn kiện, nghị quyết, chủ trương, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về văn hoá xã hội trên thực tế còn khoảng cách khá xa.

Ba "khó khăn đặc trưng" của ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong những năm qua được đã được Phó Thủ tướng chỉ ra. Thứ nhất, lĩnh vực văn hóa, xã hội trước mắt, trong ngắn hạn không làm ra tiền mà chỉ tiêu tiền nên dường như bị lép vế, không được đặt ngang với kinh tế. Thứ hai, văn hóa như phù sa bồi đắp dần dần, "không phải là việc cháy nhà, chết người", nếu làm tốt thì cũng phải nhiều chục năm mới thấy thành quả, nếu xấu thì hậu quả cũng sau nhiều năm mới bộc lộ ra mà phải mất rất nhiều thời gian, thậm chí hàng thế hệ để khắc phục. Thứ ba là các ngành kinh tế kỹ thuật thì đòi hỏi phải có chuyên môn sâu mới nói được, nhưng trong lĩnh vực văn hóa, xã hội, giáo dục dường như ai cũng cảm thấy mình biết. Nhiều khi, ý kiến của các chuyên gia, của những người hoạt động thực tiễn có kinh nghiệm không được tôn trọng. Một mặt là những người có trách nhiệm đưa ra quyết định thực ra là không đúng mà không biết là mình không đúng, mặt khác đội ngũ chuyên gia và những người làm thực tiễn có kinh nghiệm vì không được trọng dụng dần dần bị mai một và dẫn đến bị hụt hẫng lực lượng.

Trong năm 2023, Phó Thủ tướng đề nghị ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch, những người làm công tác tiếp tục “lấy công, làm lãi”, chịu khó, tỉ mỉ, kiên trì trong thực hiện các nhiệm vụ của mình, "như phù sa bồi đắp hằng ngày". Ngành văn hoá phải mạnh mẽ, sáng tạo hơn. "Làm theo kiểu cũ cùng tốt nhưng có những việc nếu không làm theo lối mới thì không bao giờ làm được", Phó Thủ tướng nói và lấy ví dụ trong thực hiện chuyển đổi số, số hoá toàn bộ di sản, bảo vật quốc gia, tư liệu quý… để nhân dân được chiêm ngưỡng, tiếp cận.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh: “Thời gian tới, các đồng chí phải chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để đầu tư, xây dựng các công trình văn hoá mang tầm vóc của một dân tộc có nền văn hiến rực rỡ như: Các bảo tàng, thư viện có đủ điều kiện trưng bày các hiện vật, tư liệu, tác phẩm nghệ thuật quý... Đây phải là những di sản về kiến trúc văn hoá. Tinh thần này cũng phải lan toả xuống các địa phương”. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ​​​​​​​cần chủ động hơn nữa, tăng cường phối hợp ngày càng chặt chẽ với các bộ, ngành Trung ương trong triển khai các hoạt động quản lý chuyên ngành dưới góc độ văn hoá như: Bảo vệ môi trường, xử lý rác thải, chăm sóc người có công, bảo vệ trẻ em, xây dựng nông thôn mới… “Bộ phải coi đây là trách nhiệm của mình”.

Phó Thủ tướng cũng đề nghị không chỉ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch mà cả các Bộ, ngành cần quan tâm thực sự, thực chất đến giới văn nghệ sĩ, những người hoạt động trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật, văn hoá. Trong đó, cần đặc biệt tháo gỡ những vướng mắc về đặt hàng sáng tác, đào tạo trong lĩnh vực văn hoá nghệ thuật; hết sức quan tâm đến tính đặc thù của các ngành biểu diễn nghệ thuật khi thực hiện tinh giản, sáp nhập các đoàn nghệ thuật thay vì sáp nhập cơ học những chuyên ngành nghệ thuật rất khác nhau vào trong một đoàn nghệ thuật sẽ dẫn đến nguy cơ mai một; có cơ chế khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư vào văn hoá, nghệ thuật.

Về du lịch, Phó Thủ tướng lưu ý, để du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn thì rất cần các giải pháp, chính sách thật đột phá, với sự ủng hộ của các bộ, ngành, nhằm khai thác hiệu quả các nguồn lực hiện có, trong đó dựa vào con người, văn hoá, tài nguyên thiên nhiên.

P.V