Tại phiên thảo luận tại tổ (ngày 26/10) trong chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025; Tình hình thi hành Hiến pháp; thi hành luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Tình hình thực hiện ngân sách Nhà nước năm 2024, dự toán ngân sách Nhà nước, phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2025..., Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết, đối với lĩnh vực Thể dục thể thao, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang triển khai thực hiện tinh thần chỉ đạo Kết luận 70 của Bộ Chính trị về phát triển thể dục thể thao trong giai đoạn mới cũng như Chiến lược phát triển thể dục thể thao mới được Chính phủ ghi nhận.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, việc cải thiện, nâng cao thành tích của Thể thao Việt Nam cần phải có thời gian và có sự đầu tư lớn, bài bản, khoa học và lâu dài. Thực tế cho thấy các quốc gia thành công tại các kỳ Olympic, ASIAN Games đều là những nền kinh tế lớn, có sự tập trung đầu tư lớn.
Để tháo gỡ điểm nghẽn trong lĩnh vực quản lý của Bộ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đã đề nghị, phối hợp cùng các bộ, ngành liên quan để sửa đổi về thể chế như sửa đổi thông tư về chế độ, chính sách, thù lao cho các diễn viên hay cải thiện chế độ, chính sách cho các vận động viên.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cũng bày tò “Mong muốn là vậy nhưng văn hóa là lĩnh vực đặc thù, không thể có kết quả trong ngày một, ngày hai mà cần phải có thời gian để thực hiện”.
Văn hóa, thể thao, du lịch đạt nhiều kết quả cụ thể, rõ nét
Tại phiên thảo luận, phát biểu về nội dung liên quan đến lĩnh vực văn hóa, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh, báo cáo của Chính phủ đã đánh giá toàn diện về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 trong đó có lĩnh vực văn hoá.
Theo Bộ trưởng, trong báo cáo của Chính phủ trình bày trước Quốc hội, Thủ tướng đã đề cập một cách cô đọng, khái quát để thấy được những kết quả đã đạt được cũng như các giải pháp để phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới nhằm hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới của dân tộc.
Đối với lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch mà Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang quản lý, báo cáo của Chính phủ đã nêu rõ, các lĩnh vực này đạt nhiều kết quả cụ thể, rõ nét.
Văn hóa đã có bước phát triển về mặt nhận thức và hành động, văn hóa không chỉ là nền tảng tinh thần mà còn hiện diện ở mọi lĩnh vực, là động lực phát triển bền vững đất nước và giữ vai trò điều tiết sự phát triển của xã hội. Văn hóa hiện diện trong kinh tế cũng như kinh tế có trong văn hóa.
Theo Bộ trưởng, thời gian qua, Đảng, Nhà nước đã đặc biệt quan tâm tới lĩnh vực văn hoá. Có thể nói, chưa bao giờ văn hóa nhận được nhiều sự quan tâm như hiện nay. Từ sự quan tâm đó, lĩnh vực văn hóa đang ngày càng phát triển, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa dân tộc theo tinh thần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Điểm qua nhiều hoạt động văn hóa lớn đã được tổ chức rộng khắp, có sức lan tỏa những điều tốt đẹp, góp phần gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa của dân tộc đồng thời nâng cao nhu cầu hưởng thụ của Nhân dân về văn hoá, Bộ trưởng cho biết, những thành quả có được không chỉ là nỗ lực riêng của ngành Văn hóa mà còn là kết quả chung của các cấp, ngành, địa phương và toàn xã hội.
Theo Bộ trưởng, điểm sáng đáng mừng trong lĩnh vực văn hóa thời gian qua đó là việc xây dựng môi trường văn hóa ở cơ sở đang ngày càng khởi sắc, đời sống văn hóa ở khu dân cư đang ngày càng chú trọng, đã góp phần bồi đắp tâm hồn, nuôi dưỡng nhân cách cho người dân ở khắp mọi vùng, miền của Tổ quốc.
Về phát triển công nghiệp văn hóa, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, ở nhiệm kỳ này, Chính phủ đã đánh giá lại việc phát triển công nghiệp văn hóa và dành sự quan tâm lớn cho lĩnh vực này.
Lần đầu tiên, Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì Hội nghị về phát triển các ngành Công nghiệp Văn hoá. Trước đó, Chính phủ đã giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các bộ, ngành, địa phương xây dựng Chiến lược phát triển các ngành Công nghiệp Văn hoá. Đây là lĩnh vực nếu được khai thác tốt sẽ đóng góp vào sự phát triển chung của nền kinh tế đất nước.
Bộ trưởng nhấn mạnh vai trò quan trọng của việc khai thác tài nguyên văn hóa: “Có thể thấy, các ngành công nghiệp muốn phát triển đều dựa vào nguồn tài nguyên, nguồn tài nguyên này khai thác đến một thời điểm nào đó sẽ cạn kiệt. Tuy nhiên, đối với tài nguyên văn hóa, khi chúng ta càng khai thác nguồn tài nguyên này không những cạn kiệt mà còn càng được bật lên, được sáng lên”.
Theo Bộ trưởng, Việt Nam là quốc gia đi sau trong lĩnh vực phát triển các ngành công nghiệp văn hoá, vì vậy, muốn phát triển chúng ta buộc phải “đi tắt, đón đầu”.
Và để làm được điều này, chúng ta đã xác định 3 chủ thể phát triển công nghiệp văn hóa. Trong đó, Nhà nước đóng vai trò kiến tạo, ban hành cơ chế chính sách; doanh nghiệp tham gia bằng việc sử dụng tài nguyên văn hóa để thu hút đầu tư, phát triển thị trường, tạo ra lợi nhuận, làm rõ hơn giá trị của văn hóa trong kinh tế và đội ngũ văn nghệ sĩ đóng vai trò sáng tạo quan trọng.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, trong báo cáo của Chính phủ, bên cạnh việc ghi nhận những kết quả đạt được của lĩnh vực văn hoá, cũng đã chỉ rõ những điều còn băn khoăn, trăn trở, đó cũng là những băn khoăn, trăn trở của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Khẳng định sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với lĩnh vực văn hóa thời gian qua, Bộ trưởng cho biết, lần này trong báo cáo chính trị cũng như trong các văn kiện chuẩn bị trình cho Đại hội lần thứ XIV của Đảng, văn hóa được xác định với một mục riêng. Trong đó, phát triển văn hóa và con người luôn luôn đi kèm với nhau. “Điều đó tiếp tục cho thấy nhận thức của Đảng ta về văn hóa ngày càng sâu sắc hơn, cụ thể hơn. Văn hóa luôn nhận được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng”, Bộ trưởng bày tỏ.
Bộ trưởng cho biết, văn hóa là lĩnh vực rất rộng với hàng trăm khái niệm, liên quan đến nhiều bộ, ngành, lĩnh vực, địa phương nên chỉ một mình nỗ lực của ngành văn hóa là chưa đủ. Đặc biệt, Bộ trưởng cho rằng những hiện tượng xã hội, những mong muốn của xã hội phải được phân định, được đánh giá đúng mức và gắn cho cơ quan quản lý cụ thể.
Theo Bộ trưởng, trong phạm vi quản lý nhà nước, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang rà soát để hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, như mong muốn của Quốc hội đó là pháp luật phải kiến tạo sự phát triển bền vững chứ không phải chỉ là công cụ quản lý.
Tại kỳ họp lần này, Chính phủ sẽ trình Quốc hội thông qua Luật Di sản văn hóa (sửa đổi). Với mong muốn biến di sản thành tài sản, từ di sản đó để phát triển, Bộ trưởng chi biết điểm mới của Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) là đẩy mạnh phân cấp phân quyền, theo đúng tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm là “địa phương biết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”. Bộ trưởng mong nhận được sự ủng hộ, góp ý để hoàn thiện dự thảo Luật của các đại biểu.
Đối với Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo được Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp này, Bộ trưởng cho biết, dự thảo luật đã tiếp cận rất nhiều điều mới trong bối cảnh hiện nay, khi khoa học công nghệ phát triển. Sửa Luật Quảng cáo phải theo hướng phát triển quảng cáo thành một ngành Công nghiệp Văn hóa, đóng góp vào ngân sách Nhà nước để phục vụ đời sống Nhân dân.
Đối với Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035 được Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp lần này, Bộ trưởng cho biết, Chương trình cũng sẽ được thực hiện trên tinh thần phân cấp, phân quyền. Nguồn vốn sẽ được công khai, minh bạch, không có cơ chế xin - cho.
Về lĩnh vực Du lịch, Bộ trưởng cho biết, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, lĩnh vực du lịch đã phục hồi, đạt nhiều kết quả tích cực. Năm nay chúng ta chắc chắn sẽ hoàn thành các chi tiêu do Chính phủ giao. Trong đó, ở nhiều địa phương các chỉ số phát triển du lịch đã vượt xa giai đoạn trước khi đại địch Covid-19 năm 2019. Theo Bộ trưởng, sự phát triển Du lịch tác động đến 18 nhóm ngành kinh tế khác nhau và phát triển du lịch có sự tương hỗ giữa các ngành kinh tế.