Mở đầu phiên họp, ông Yuji Kakizawa - Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Giáo dục, Văn hóa, Thể thao, Khoa học và Công nghệ Nhật Bản), đồng Chủ tịch phiên họp - đã khẳng định: ASEAN và Nhật Bản cùng đề cao tầm quan trọng và giá trị của quan hệ đối tác chiến lược toàn diện trong đó có thể thao. ASEAN và Nhật Bản hiện là một trong những mối quan hệ năng động, thực chất và hiệu quả trong phối hợp phát triển thể thao. Trong đó, Nhật Bản nỗ lực thúc đẩy nâng cao năng lực giáo dục thể chất, nâng cao chất lược cuộc sống, bình đẳng giới và chia sẻ kinh nghiệm tại khu vực Đông Nam Á bằng những chương trình cụ thể. Vì thế, Hội nghị mong muốn nhận được nhiều đóng góp ý kiến đến từ các quốc gia ASEAN để tiếp tục phát triển trong thời gian tới.
Tại phiên họp, các đại biểu đã nghe báo cáo tóm tắt của Ban Thư ký ASEAN về những quyết định của các Hội nghị khác tại ASEAN liên quan đến SOMS + Nhật Bản lần thứ 6 tổ chức tại Thái Lan. Hội nghị lần này tiếp tục thảo luận về chương trình thúc đẩy bình đẳng giởi trẻ em gái và phụ nữ. Theo đó, chương trình do Nhật Bản triển khai từ năm 2021 và sẽ xây dựng chương trình cụ thể tại mỗi quốc gia trong khối ASEAN theo tiêu chí riêng. Bà Aya Noguchi - Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế về Thể thao và Bình đẳng giới (Đại học Seijo - Nhật Bản) - chia sẻ: Thể thao là nền tảng mạnh mẽ để thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái; Xóa bỏ bạo lực và quấy rối trong các môn thể thao; Vai trò quan trọng của vận động viên nữ trong việc hỗ trợ ngoại giao thể thao; Các chương trình giáo dục và đào tạo sau khi kết thúc sự nghiệp là một trong những chương trình mà Nhật Bản mong muốn các quốc gia có những sáng kiến và có một bộ chỉ số, chỉ tiêu để xây dựng kho dữ liệu tại mỗi nước để thúc đẩy bình đẳng giới trong thể thao một cách sâu sắc.
Vấn đề này đã thu hút rất nhiều sự quan tâm của mỗi quốc gia, trong đó có Việt Nam. Theo Trưởng đoàn Việt Nam, bà Lê Thị Hoàng Yến - Phó Cục trưởng Cục Thể dục thể thao - cho rằng: Thể thao Việt Nam đã phát triển nhiều chương trình, hoạt động để thúc đẩy sự quan tâm của xã hội và hỗ trợ truyền thông cho các vận động viên nữ. Các doanh nghiệp và tổ chức xã hội cũng đang tham gia vào các chương trình tài trợ khác nhau, tạo cơ hội việc làm sau khi giải nghệ cho đối tượng này.
Liên quan tới giáo dục thể chất và thể thao cho người khuyết tật, bà Lê Thị Hoàng Yến cũng cho biết, Việt Nam sẽ phối hợp với Nhật Bản để tổ chức Hội thảo về vấn đề này dự kiến vào tháng 2/2025 tại Hà Nội và mong muốn các quốc gia tham dự để thúc đẩy các Dự án trên.
Bên cạnh đó, Hội nghị còn thảo luận về các vấn đề bóng đá và phụ nữ tại ASEAN với mong muốn mời các lãnh đạo nữ của Liên đoàn Bóng đá Thế giới (FIFA) và Liên đoàn Bóng đá châu Á (AFC) cùng trao đổi, từ đó đưa ra những chia sẻ, những cơ hội và thách thức để phát triển thể thao cộng đồng trong các nước thành viên ASEAN.
Ngày mai (16/10), Việt Nam tiếp tục vai trò chủ trì Hội nghị Quan chức cấp cao ASEAN về Thể thao và Trung Quốc lần thứ ba. Hội nghị sẽ thảo luận các vấn đề chính gồm: Trao đổi và phục hồi các môn thể thao và trò chơi truyền thống như di sản văn hóa phi vật thể,...