Mong mỏi kiểm tra Doping tại các Giải vô địch quốc gia

Không phải đến bây giờ mới có những lời bóng gió về việc VĐV sử dụng doping tại các giải vô địch quốc gia. Thể thao Việt Nam hội nhập với thể thao thế giới cũng là lúc những cái hay, cái dở cùng du nhập và khái niệm “doping” được biết đến rộng rãi trong làng thể thao Việt Nam. Tuy vậy, các VĐV Việt Nam bị phát hiện doping đều là ở các giải quốc tế, còn tại các giải trong nước thì họ rất “sạch”, đơn giản là bởi giải trong nước không tổ chức xét nghiệm chất kích thích. 

Trước Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ VI nhiều năm, đã có không ít đề nghị phải xét nghiệm doping tại các giải quốc gia, dù là ít mẫu thử, nhằm trả lại cho thể thao giá trị thật, giúp cho khâu tuyển chọn VĐV vào đội tuyển quốc gia chính xác hơn.

do1-1672306170.jpeg

Tuy nhiên, do vấn đề kinh phí bởi chi phí xét nghiệm cho một mẫu thử là 300 USD (xét nghiệm tại Bắc Kinh, Trung Quốc), đắt hơn là 500 USD/mẫu thử (tại Thái Lan)… quá đắt đỏ, nên phải đến tận ĐH TT toàn quốc lần thứ 6, việc thử doping mới được thực hiện và nỗ lực phòng, chống doping của BTC đã không vô ích. Tỷ lệ 1/30 mẫu thử dương tính với doping là không nhỏ chút nào nếu so sánh với kết quả thử doping tại Olympic Bắc Kinh 2008 (trong hơn 5.000 mẫu thử chỉ có 6 mẫu dương tính). Lãnh đạo ngành thể thao đã khẳng định, sau ĐH TDTT toàn quốc lần thứ VI đến nay, đã là kỳ Đại hội IX, việc này chắc chắn sẽ được tiến hành thường xuyên hơn ở các giải đấu quốc gia. Đấy là điều đương nhiên phải làm.

Một trong những vấn đề được quan tâm tại Đại hội Thể thao toàn quốc kỳ này là công tác phòng, chống doping. Đặc biệt sau những nghi vấn về doping của các vận động viên Việt Nam tại SEA Games 31 gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh cho Ban tổ chức, huấn luyện viên và vận động viên.

do2-1672306170.jpg

Chỉ đạo lĩnh vực này, Thứ trưởng Bộ VHTT&DL ông Hoàng Đạo Cương đã khẳng định: “Công tác phòng, chống doping ở kỳ đại hội này cần phải làm thật tốt qua việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, để nâng cao ý thức của huấn luyện viên, vận động viên về phòng, chống doping. Bên cạnh đó phải tăng cường công tác kiểm tra doping đối với các tuyển thủ đoạt huy chương tại đại hội, để kịp thời phát hiện các trường hợp vi phạm. Từng tiểu ban phải phát huy tốt nhất trình độ chuyên môn, phối hợp chặt chẽ để giải quyết, xử lý các vướng mắc, khó khăn một cách nhanh nhất, hiệu quả nhất, tránh chồng chéo công việc. Tất cả hướng tới mục tiêu tổ chức một kỳ đại hội trong sạch, bảo đảm đúng tinh thần thể thao cao thượng”.

Hồng Minh