Môn thể thao "vua" ở vùng cao Minh Hóa

Huyện vùng cao Minh Hóa - tỉnh Quảng Bình hiện có hàng chục sân chơi cầu lông trong nhà và ngoài trời, thu hút hàng nghìn người tham gia tập luyện thuộc nhiều độ tuổi, ngành nghề khác nhau.

Đưa môn Cầu lông lên vùng cao

Trước năm 2004, Bóng đá và Bóng chuyền là 2 môn thể thao được người dân Minh Hóa ưa chuộng và chơi nhiều nhất. Để góp phần đa dạng hóa hoạt động thể thao, rèn luyện sức khỏe cho cả gia đình và hàng xóm, ông Đinh Minh Điều - Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Truyền thông huyện Minh Hóa - đã mua vợt, kẻ sân để chơi cầu lông.

Ông Điều cho biết: “Sau khi học đánh cầu lông từ một người bạn ở Thủ đô Hà Nội, tôi về quê làm sân cầu lông tại cơ quan Đài Truyền thanh - Truyền hình huyện, đầu tư cầu, vợt, lưới rồi 2 cha con chơi với nhau. Qua một thời gian, nhiều người trong xóm đến cùng chơi để rèn luyện sức khỏe”.

minh-hoa-1-1705715263.jpg
Các câu lạc bộ cầu lông tại huyện Minh Hóa thường tổ chức giải nội bộ để giao lưu, học hỏi kinh nghiệm

Ngày đó, cả huyện Minh Hóa chỉ có mỗi sân cầu lông ngoài trời ở trong khuôn viên Đài Truyền thanh - Truyền hình huyện. Hàng ngày, kể cả sáng hay chiều, cha con ông Điều cùng những người hàng xóm đều say mê tập luyện rồi thu hút thêm nhiều người cùng tham gia. Từ đó, phong trào cầu lông bắt đầu hình thành, phát triển ở huyện vùng cao. Do số người tập đông, sân ít nên một số cơ quan trên địa bàn cũng kẻ sân để tập luyện, như: Chi cục Thuế, Kho bạc Nhà nước, Công an huyện, Hạt Kiểm lâm… Tuy nhiên, các sân cầu lông trên địa bàn thời điểm đó đều ngoài trời nên không thể tập luyện khi mưa, gió. Mãi đến năm 2016, Hạt Kiểm lâm Minh Hóa mới làm được mái che ở sân cầu lông để tập luyện. Từ đây, trên địa bàn đã xuất hiện nhiều người chơi nổi bật, thể hiện được các kỹ thuật cơ bản, khó của môn thể thao này. Một số người chơi đầu tiên như cha con ông Điều và những người hàng xóm bắt đầu tham gia các giải đấu ở tỉnh, cụm đạt thành tích cao. Một số bạn trẻ nhờ đánh cầu lông tốt đã thi đỗ vào các trường đại học thể thao chuyên ngành cầu lông…

Cầu lông lên ngôi “vua”

Năm 2020, nhà thi đấu thể thao đa năng huyện Minh Hóa được xây dựng hoàn thành và đưa vào sử dụng, trong đó có 4 sân cầu lông bảo đảm cho việc tập luyện, thi đấu của người dân trong huyện. Tiếp theo, các nhà thi đấu đa năng tại Trường THPT Minh Hóa, Trường THCS và THPT Hóa Tiến, Trung Hóa lần lượt đưa vào sử dụng, nâng tổng số sân cầu lông trong nhà toàn huyện lên con số 15. Ngoài ra, một số cơ quan, gia đình vẫn duy trì hàng chục sân tập luyện cầu lông ngoài trời. Đến nay, toàn huyện đã có hàng nghìn người biết chơi cầu lông, trong đó có trên 300 người tham gia tập luyện thường xuyên trong 10 câu lạc bộ tại các nhà thi đấu, "biến" cầu lông thành môn thể thao “vua” ở vùng cao.

Đối tượng chơi cầu lông tại huyện Minh Hóa, gồm: Cán bộ nhà nước, giáo viên, nông dân, người buôn bán, học sinh… Kinh phí hoạt động của các câu lạc bộ đều được xã hội hóa. Để phát triển môn Cầu lông, huyện Minh Hóa thường xuyên tổ chức các giải thi đấu, tạo cơ hội cho các tay vợt phong trào có dịp giao lưu, trao đổi, học hỏi kinh nghiệm.

Anh Đinh Thanh Bình - Chủ nhiệm câu lạc bộ Cầu lông 5 giờ sáng (Trường THPT Minh Hóa) - cho biết: “Ngày mới thành lập, câu lạc bộ chỉ có hơn 10 thành viên, tất cả đều là những người có chung niềm đam mê cầu lông. Đến nay, câu lạc bộ đã tăng lên 30 thành viên với đủ thành phần, lứa tuổi. Qua tập luyện, chúng tôi đã lựa chọn ra những vận động viên xuất sắc tham gia giải đấu của huyện, tỉnh hoặc giao lưu với câu lạc bộ khác”.

cau-long-2-1705715412.jpg
Một buổi học cầu lông của các em nhỏ ở huyện Minh Hóa

Để có thế hệ kế cận và đào tạo nguồn vận động viên cầu lông cho huyện, Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Truyền thông huyện Minh Hóa còn mở lớp dạy cầu lông cho các em học sinh từ lớp 4 đến lớp 11. Lớp học luôn duy trì trên 30 học viên, riêng mùa hè có trên 60 học viên tham gia. Huấn luyện viên cầu lông Cao Việt Hùng cho biết: “Sau gần 1 năm dạy, tôi thấy các em đã nắm bắt được các kỹ năng cơ bản, sức khỏe, thể chất được cải thiện. Trong đó, có nhiều em thể hiện được năng khiếu và đoạt giải cao trong các giải trẻ do huyện, tỉnh tổ chức”.

Kết quả mà cầu lông huyện Minh Hóa đạt được thời gian qua là năm 2022, các vận động viên trẻ của huyện đã giành được 6 huy chương vàng, 3 huy chương bạc, 1 huy chương đồng tại Giải Cầu lông trẻ - Thiếu niên - Nhi đồng ươm mầm - phát triển, tranh cúp: Yến Nest 100 - Đức Tâm” lần thứ IV tỉnh Quảng Bình. Năm 2023, cũng tại giải này mở rộng với sự tham gia của hơn 200 vận động viên đến từ Quảng Bình, Quảng Trị, Hà Tĩnh, các vận động viên huyện Minh Hóa vẫn xuất sắc giành được 1 huy chương vàng, 2 huy chương bạc và 3 huy chương đồng…

Ông Đinh Thanh Duẩn - Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Truyền thông huyện Minh Hóa - cho biết: “Để bộ môn Cầu lông trên địa bàn Minh Hóa phát triển hơn nữa, thời gian tới, huyện sẽ đầu tư phát triển phong trào ở cơ sở, trong đó lấy các câu lạc bộ làm trung tâm để thu hút người chơi. Đồng thời, khuyến khích các câu lạc bộ kết nạp thêm hội viên là học sinh, thanh thiếu nhi để tập luyện; sử dụng hiệu quả các thiết chế văn hóa thể thao ở cơ sở xã, thị trấn để người dân tập luyện, thi đấu cầu lông. Khuyến khích các địa phương, cơ quan thường xuyên tổ chức các giải đấu để tìm kiếm nhân tài bổ sung cho đội tuyển cầu lông của huyện”.

Xuân Vương (Báo Quảng Bình)