Ông Nguyễn Trọng Nghĩa - Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; ông Trương Hòa Bình - nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ; ông Nguyễn Văn Hùng - Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; ông Nguyễn Văn Được - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Long An; ông Nguyễn Văn Út - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Long An đến dự buổi lễ.
Sau 15 ngày diễn ra, với 27 vở của 22 đoàn cải lương trong cả nước, Ban Tổ chức Liên hoan đã trao hơn 100 huy chương vàng, bạc, đồng cho các vở diễn, cá nhân.
Theo đó, Ban Tổ chức đã trao 5 huy chương vàng cho các vở: Điều còn lại (Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh Thanh Hóa), Phận má đào (Nhà hát cải lương Hà Nội), Truyền thuyết chàng Sa Mộc (Công ty TNHH tổ chức biểu diễn Hoàng Song Việt), Sứ Mệnh (Nhà hát Nghệ thuật Đồng Nai), Nguyễn cầm ca-Kiều (Nhà hát cải lương Việt Nam). Ban Tổ chức còn trao huy chương bạc cho 7 vở diễn, huy chương Đồng cho 3 vở diễn.
Đặc biệt, 2 vở Bên dòng Long Khốt (Đoàn nghệ thuật cải lương Long An), Đất liền và biển cả (Đoàn Cải lương Hải Phòng) đã được Ban Tổ chức trao giải Xuất sắc liên hoan.
Ở giải cá nhân, Ban Tổ chức trao 40 huy chương vàng, 53 huy chương bạc, 31 huy chương đồng. Ngoài ra, Ban Tổ chức cũng trao giải tác giả xuất sắc cho tác giả Nguyễn Đăng Chương (vở Đất liền và biển cả), đạo diễn xuất sắc NSND Hoàng Quỳnh Mai (vở Đất liền và biển cả), nhạc sĩ xuất sắc Đặng Sơn Thủy (vở Hương tràm), họa sĩ xuất sắc cho NSƯT Đạt Tăng (vở Phận má đào), biên đạo múa xuất sắc Lê Phương (Phận má đào).
Phát biểu bế mạc liên hoan, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông đánh giá nội dung các vở diễn tại Liên hoan lần này đã cho thấy sự phong phú, đa dạng về đề tài, từ lịch sử dựng nước, giữ nước đến công cuộc đổi mới, xây dựng đất nước và bảo vệ Tổ quốc.
Nhiều vở diễn mang đậm bản sắc văn hóa của vùng đất nơi họ sinh sống; ngợi ca lịch sử hào hùng, những tấm gương tiêu biểu, phản ánh được đời sống sinh hoạt cùng những phong tục tập quán tốt đẹp, khơi dậy niềm tự hào và tình yêu quê hương đất nước trong mỗi người, được Hội đồng nghệ thuật, những nhà chuyên môn ghi nhận, đánh giá cao.
Từ liên hoan lần này, Thứ trưởng Tạ Quang Đông yêu cầu, các đơn vị cần tiếp tục quan tâm đầu tư kỹ lưỡng cả về con người và vật chất cho các vở diễn; tăng cường các vở diễn có nội dung kịch bản mang ý nghĩa giáo dục cao về tư tưởng, thẩm mỹ, tinh thần nhân văn, yêu nước. Các đề tài cần mang hơi thở thời đại và tính thời sự của cuộc sống.
Đồng thời, các đơn vị cần tập trung nâng cao đào tạo kỹ thuật cho diễn viên bảo đảm các yếu tố truyền thống của nghệ thuật Cải lương. Chú trọng đến việc vai diễn phải phù hợp với nội dung chủ đề, tổng thể chung của vở diễn; cũng như có chính sách đặc thù để thu hút các diễn viên trẻ, tài năng về làm việc tại các nhà hát, các đoàn nghệ thuật.
“Các vở diễn đạt chất lượng tốt tại liên hoan lần này cần được tuyên truyền, lan tỏa đến công chúng, đáp ứng sự kỳ vọng của khán giả, công chúng đối nghệ thuật truyền thống cải lương”, Thứ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông nhấn mạnh.
Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật, Nhà viết kịch Nguyễn Sỹ Chức đánh giá: "Trong tổng số 27 vở diễn tham dự Liên hoan, có 7 vở diễn đề tài lịch sử, 04 vở diễn đề tài dân gian, 16 vở diễn đề tài chiến tranh cách mạng và đề tài đương đại. Điều ấy, chứng tỏ đề tài được khai thác qua các vở diễn tại Liên hoan Cải lương toàn quốc - 2021 thực sự phong phú và rất đa dạng…
Liên hoan Cải lương toàn quốc - 2021 đã xuất hiện nhiều vở có chất lượng cao, chủ đề, tư tưởng rõ ràng, sâu sắc, được chuyển tải qua những nội dung hấp dẫn. Mỗi vở diễn là một đóa hoa với những sắc màu khác lạ, thật khó trộn lẫn đã tạo nên một dáng vẻ hết sức riêng biệt, với một sức hút kỳ lạ của Liên hoan Cải lương toàn quốc - 2021.
Chủ tịch Hội đồng giám khảo cho biết: "Liên hoan lần này, vẫn có sự hiện diện tên tuổi của những nhà viết kịch thực sự uy tín trong loại kịch hát dân tộc. Chính "thủ pháp biên kịch mang đậm dấu ấn về cá tính sáng tạo của cá nhân" cộng với việc sử dụng một cách linh hoạt, chuẩn xác hệ thống bài bản Cải lương và các thể điệu lý dân ca Nam bộ của các tác giả chuyển thể đã tạo ra rất nhiều đất cho người diễn "trổ giọng, phô tài".
Các đạo diễn đang tiếp tục khẳng định tài năng của mình, đã xuất hiện những đạo diễn trẻ khác trong những vở diễn thi. Đội ngũ đạo diễn đã chứng minh được sức nặng của mình đối với trọng trách "trưởng Ê kíp sáng tạo của vở diễn". Nhiều vở diễn đã đạt được sự thăng hoa về cảm xúc bởi nội dung vở diễn sâu sắc, chất lượng nghệ thuật cao và thật sự có giá trị về tư tưởng.