Lễ hội và Tuần Văn hóa, Thể thao và Du lịch Sóc Trăng lần thứ nhất đang diễn ra, người dân rất háo hức và vui mừng tham gia nhiều hoạt động với nhiều nội dung đặc sắc. Có mặt theo dõi các đội ghe Ngo tập dượt tại đoạn đua ghe Ngo thành phố Sóc Trăng, cô Lâm Thị Siêl, ngụ ấp Bưng Sa, xã Viên An, huyện Trần Đề (Sóc Trăng) phấn khởi cho biết: “Dù chưa tới ngày đua, nhưng thấy không khí các đội đến tập dợt trên dòng sông Maspero rất sôi nổi và hào hứng. Tôi đến đây xem và cổ vũ tinh thần cho 2 đội ghe ngo (nam, nữ) quê nhà, với kỳ vọng cả 2 đội tham gia giải năm nay đạt kết quả cao, đem niềm vui cho nhà chùa, địa phương”.
Với đồng bào Khmer, chiếc ghe ngo chiếm vị trí vô cùng quan trọng trong đời sống tâm linh. Ghe Ngo được xem là vị thần bảo vệ sự bình yên, là hiện thân của tình đoàn kết và sức mạnh thôn xóm. Vì thế, khi có ghe Ngo thì bà con Khmer từ trẻ đến già đều thể hiện sự trân trọng và luôn có lòng yêu thích khi được tham gia cùng góp một phần công sức cho đội ghe và thôn xóm của mình. Chính vì lòng đam mê môn thể thao truyền thống của dân tộc nên nhiều gia đình đã tự bỏ tiền ra để lo cho cả đội ghe ngo từ lúc tập luyện cho đến ngày khai hội.
Anh Kim Trường - vận động viên đội ghe ngo nam chùa Tum Núp, xã An Ninh (huyện Châu Thành) - phấn khởi cho biết: "Sau khi hạ thủy, các đội ghe Ngo của chùa đã di chuyển đến đường đua để tập, thử tốc độ ghe. Đến với hội đua năm nay, đội chúng tôi quyết tâm giữ vững thành tích của mình trên đường đua xanh".
Trong những năm gần đây, được sự quan tâm hỗ trợ từ các cấp chính quyền, nguồn vận động từ các chùa, nhiều chùa đã đóng ghe ngo mới, góp phần đưa môn thể thao Đua ghe ngo truyền thống ngày càng phát triển sâu rộng. Nhiều huyện, thị xã, thành phố cũng đã quan tâm hỗ trợ kinh phí cho các chùa tham gia lễ hội. Chính điều đó tạo động lực cho các đội ghe ngo nỗ lực trên đường đua. Hiện các đội ghe ngo đang tập luyện đầy quyết tâm với mong muốn giành giải cao tại hội đua.
Tính đến ngày 11/11, đã có 60 đội ghe Ngo đăng ký tham gia tranh tài, trong đó trong tỉnh có 48 đội (45 đội nam và 3 đội nữ), ngoài tỉnh (Bạc Liêu, Cà Mau, Cần Thơ, Hậu Giang, Kiên Giang) có 12 đội ghe (8 đội nam và 4 đội nữ). Giải đua ghe ngo sẽ diễn ra trong 2 ngày (ngày 14 và 15/11), tại đoạn sông Maspero, thành phố Sóc Trăng. Các đội ghe ngo nam tranh tài cự ly 1.200m và đội ghe ngo nữ tranh tài cự ly 1.000m. Vào ngày 13/11, sẽ tổ chức bốc thăm, chia bảng thi đấu tại Trường Bổ túc Văn hóa Pali Trung cấp Nam Bộ.
Điểm nhấn của Lễ hội là hoạt động Lễ khai mạc sẽ diễn ra vào tối 13/11, tại Quảng trường Bạch Đằng (thành phố Sóc Trăng) và sẽ được truyền hình trực tiếp trên Đài Phát thanh và Truyền hình Sóc Trăng, các đài phát thanh - truyền hình của các tỉnh, thành phố tiếp sóng. Ông Võ Minh Hiếu - đơn vị tổ chức sự kiện cho biết: “Đơn vị khẩn trương lắp ráp sân khấu, màn hình led, chuẩn bị âm thanh, ánh sáng phục vụ Lễ khai mạc, chiều ngày 11/11 là hoàn thành”.
Lễ hội và Tuần Văn hóa, Thể thao và Du lịch Sóc Trăng lần thứ nhất là hoạt động nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào Khmer và là ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch mang đặc trưng để giới thiệu, quảng bá, tiềm năng, thế mạnh về kinh tế, văn hóa, du lịch của tỉnh, là biểu tượng tinh thần đoàn kết dân tộc, khơi dậy niềm tự hào và ý thức trách nhiệm xây dựng quê hương Sóc Trăng ngày càng phát triển giàu đẹp.