Khi đó, ông Vương Bích Vượng là Bí thư Tỉnh đoàn Bắc Giang được cử đi dự Đại hội Đoàn Thanh niên Cứu quốc toàn quốc năm 1951 ở Việt Bắc. Khi đó, ông được bầu vào Ban Thường vụ Trung ương Đoàn đã ở lại công tác tại Việt Bắc. Chuẩn bị cho chiến dịch Tây Bắc, ông Vương Bích Vượng được cử sang thành lập đơn vị “Thanh niên xung phong Trung ương” và công tác tại đó cho đến khi kết thúc Chiến dịch Điện Biên Phủ. Trở về Hà Nội, ông Vượng công tác ở Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh.
Ông Vũ Quang Tiệp từng là vận động viên, theo học Trường Cao đẳng Thể dục thể thao Đông Dương tại Phan Thiết. Kết thúc khóa đầu năm 1941, Bắc Kỳ có 3 học viên là Vũ Quang Tiệp, Hà Đức Toàn và Đỗ Đức Uyên. Khóa thứ III giữa năm 1942, Bắc Kỳ có 4 học viên, trong đó có Nguyễn Huy Khôi. Các “monitơ Phan Thiết” này, đầu năm 1946 đều được gọi về Bộ Thanh niên công tác ở Nha Thể dục Trung ương sau ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 14 ngày 30/01/1946 về việc thành lập Nha Thể dục Trung ương trực thuộc Bộ Thanh niên.
Cuộc Tổng tuyển cử ngày 6/1/1946 thành công, ngày 2/3 năm đó, Kỳ họp thứ Nhất Quốc hội được diễn ra tại Thủ đô Hà Nội, thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Nội các Chính phủ mới chỉ có 10 Bộ không như Chính phủ Lâm thời có 13 bộ. Bộ Thanh niên không còn, Bộ trưởng Dương Đức Hiền làm Tổng Giám đốc Nha Thanh niên và Thể dục (thuộc Bộ Quốc gia Giáo dục), là Giám đốc đầu tiên Trường Cán bộ Thể dục Việt Nam. Một lần nữa, ông trở thành người tổ chức và lãnh đạo đầu tiên cơ quan Thể dục thể thao Trung ương (từ tháng 4/1946).
Sau ngày Toàn quốc kháng chiến 19/12/1946, Bộ Quốc gia Giáo dục tản cư lên ATK Việt Bắc. Cán bộ phụ trách 8 đơn vị của Nha Thể dục Trung ương và một số huấn luyện viên… được cử đến Trường Huấn luyện Lục quân ở Bắc Kạn, số khác được cử về các Đại đoàn chiến đấu (nay gọi là Sư đoàn), các Trung đoàn độc lập, các Quân khu 12, Đông Bắc, Hữu Ngạn, Tả Ngạn, Quân khu 4, Quân khu 5…
Cùng thời gian này, tại vùng Tự do Vân Đình (tỉnh Hà Đông), mấy chục “Monitơ” Phan Thiết tình nguyện rời Hà Nội tạm chiếm, đi theo kháng chiến đã gửi “Bức thư ngỏ” cho giới thể thao có đoạn viết: “…Các bạn thân mến. Vì hoàn cảnh kháng chiến, chúng ta không được đoàn tụ như xưa ở Thủ đô yêu dấu. Chúng tôi ra vùng tự do hoạt động, còn các bạn bất đắc dĩ ở nơi địch tạm chiếm. Nhưng dù ở trong hay ở ngoài, chúng ta đều tham gia vào công cuộc kháng chiến, tin tưởng ở sự lãnh đạo sáng suốt của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chúng ta phải là những thanh niên xứng đáng của dân tộc ở giai đoạn tổng phản công. Các bạn chuẩn bị sẵn sàng ngay từ bây giờ, từ sức khỏe đến vũ khí để khi được lệnh ra mặt trận thì chúng ta cùng hăng hái thi đua giết giặc. Các bạn Thanh niên khỏe của Thủ đô thân mến! Các bạn hãy hăng hái vươn mình lên giết giặc đem vinh quang lại cho dân tộc, cho tròn cái sứ mạng thể thao của chúng ta… Chào thân ái và đoàn kết". (Báo Cứu quốc Thủ đô ngày 11/10/1949).
Cuối bức thư tâm huyết của giới thể thao đi theo kháng chiến có cả trăm chữ ký. Đó là các nhà thể thao nổi tiếng 3 xứ Bắc Kỳ, Trung Kỳ, Nam Kỳ như: Nguyễn Hữu Nguyên, Nguyễn Văn Thân, Vũ Văn Tiến, Đặng Hồ Khuê, Phan Sang, An Văn Thọ, Thu Goòng, Đàm Thế Công, Nguyễn Khắc Thuận, Hà Đức Toàn, Nguyễn Huy Khôi, Phạm Duy Sen, Nguyễn Lân, Nguyễn Hữu Hàm, Vũ Công Bảy, Mai Duy Dưỡng, Trần Văn Dzị, Thìn A, Văn Diễn…
Nhà điền kinh nhảy cao vô địch Đông Dương năm 1941 Nguyễn Đồng, Nhà báo Lê Bách lúc này đang là “Phóng viên chiến trường” của báo Quân Du kích (tiền thân báo Quân đội Nhân dân ngày nay) đang đi viết ở mặt trận Nghĩa Lộ - Mộc Châu.
Cuộc hội ngộ không hẹn ở Trụ sở Báo Thể dục thể thao (số 5 phố Trịnh Hoài Đức - Hà Nội) chiều ngày 7/5/1964 nhân kỷ niệm 10 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ đang diễn ra trên sân Hàng Đẫy. Những người có tên trong bức thư ngỏ kia, có người đã hy sinh ở chiến trường. Một số cán bộ phụ trách các bộ môn đang công tác ở Ủy ban Thể dục thể thao, nguyên “Chiến sĩ Điện Biên” cũng có mặt ngồi gần chật căn gác 3 của báo “xem” mít tinh mừng Chiến thắng Điện Biên Phủ năm thứ 10 và ôn chuyện 56 ngày đêm đánh Điện Biên Phủ với niềm tự hào rạng rỡ.
Mọi người nhắc đến “Đoàn quân” gần 300 cán bộ từ Thiếu úy đến Đại tá về Ngành Thể dục thể thao ngay sau ngày Chính phủ thành lập Ủy ban Thể dục thể thao (1960). Ngoài Trung tướng Hoàng Văn Thái - người trực tiếp chỉ huy trên chiến trường đánh, giải phóng Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ - có Trung tá Nguyễn Văn Giảng và các Đại úy: Nguyễn Thế Hào, Phùng Duy Thực, Nguyễn Tính, Vũ Tiến Quân, Nguyễn Thanh Trạm, Lê Đại Lịch, Nguyễn Anh Tuấn, Ngô Mai Xuân, Nguyễn Văn Toại, Đỗ Duy Ninh… Những “Nhà thể thao” này đều là “bộ đội Cụ Hồ”, là lính các Đại đoàn chủ lực tham dự chiến dịch Đông - Xuân 1953-1954 giải phóng Điện Biên: 308, 312, 316, 304…
Bên Đoàn Thể thao Quân đội (Thể Công), từ 23 người được bổ sung lên gần 40 người. Các cán bộ phụ trách, chính trị viên của các đội Bóng đá, Bóng chuyền, Bóng rổ, Bắn súng, Bơi, Xe đạp, Thể dục dụng cụ… đều là “Chiến sĩ Điện Biên”: Nguyễn Văn Bưởi, Nguyễn Thông, Hoàng Khoản, Hồ Xuân Kỷ, Vũ Bá Thụ, Trần Oanh, Võ Khắc Vẽ, Nguyễn Hữu Tài, Ngô Xuân Quýnh, Nguyễn Tất Thắng…
Ấn tượng sâu sắc Kỷ niệm 30 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ tại chiến trường… Điện Biên Phủ năm 1984. Ngành Thể dục thể thao đã tặng cho đồng bào huyện Điện Biên (năm 1984 chưa thành lập tỉnh Điện Biên, chỉ là huyện thuộc tỉnh Lai Châu) một sân vận động mái che có sức chứa 2 vạn chỗ ngồi hiện đại nhất ngày đó. Trưởng ban Xây dựng Tổng cục Thể dục thể thao Phan Thông khá vất vả với cái sân “trên rừng Tây Bắc” này gần 2 năm trời… đi đi về về.
Tổ giáo viên Thể dục Trường Đại học Thể dục thể thao Từ Sơn 5 người do Nhà giáo Trần Phúc Phong phụ trách lên xây dựng màn Thể dục đồng diễn 2.000 người với chủ đề “Khỏe để lao động - học tập, công tác và Bảo vệ Tổ quốc”. Đến nay, tiết mục đồng diễn này đã nhuốm màu thời gian 40 năm, nhưng người Điện Biên, người Lai Châu, người dân vùng Tây Bắc cùng đại biểu cả nước dự Lễ mừng chiến thắng Lịch sử Điện Biên Phủ sáng ngày 7/5/1984 ấy tại thành phố Điện Biên hẳn không thể quên sự hào hùng, hoành tráng tuyệt vời của màn đồng diễn có một không hai thời bấy giờ.
Vào buổi chiều trước đó 4 ngày, tại Nhà khách Huyện ủy Điện Biên, Bí thư Huyện ủy Lò Văn Pún báo cáo với Đại tướng Võ Nguyên Giáp: “Đồng bào Điện Biên chúng tôi vô cùng biết ơn Đảng, Chính phủ, biết ơn Bác Hồ, biết ơn Ngành Thể dục thể thao Trung ương đã cho Nhân dân Tây Bắc một cái sân vận động to đẹp, nguy nga đến mức thế này!”.
Đại tướng Hoàng Văn Thái cùng đoàn cán bộ của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng Tham mưu… sau khi đi thị sát về nghe báo cáo… Đại tướng đã vui mừng, khen ngợi khâu chuẩn bị, chương trình buổi Lễ có diễu binh, diễu hành của các tầng lớp Nhân dân, bộ đội, dân quân, học sinh, thanh thiếu nhi. Đại tướng bắt tay khen ngợi Tổ giáo viên Thể dục của Nhà giáo Trần Phúc Phong, các cán bộ Ty Thể dục thể thao tỉnh Lai Châu. Đại tướng Hoàng Văn Thái khen ngợi thầy trò Trường cấp 3 Điện Biên tích cực tập luyện dựng màn đồng diễn công phu, hoành tráng.
Đại tướng Hoàng Văn Thái - nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Thể dục thể thao hồi thập niên 60 của thế kỷ trước - tiến ra bắt tay khen ngợi Trưởng phòng Thể dục thể thao huyện Điện Biên Trần Hồng Cẩm. Đại tướng nói “Rất tốt” tới 3 lần và ông còn nói với mọi người: “Các đồng chí giữ cho thật tốt cái sân vận động Điện Biên rất đặc biệt này. Hôm nay và mãi sau này nữa, sân vận động Điện Biên cũng là biểu tượng của chiến thắng. Rồi đây, khách du lịch nước ngoài, người Mỹ, người Châu Âu sẽ đến thăm và tham quan du lịch chiến trường lịch sử Điện Biện Phủ. Họ đến du lịch Tây Bắc của các đồng chí, của chúng ta sẽ càng nhiều, nhiều lắm đấy".