Kon Tum quan tâm phát triển thể thao thành tích cao 

Những năm gần đây, tỉnh Kon Tum đã quan tâm đầu tư, lựa chọn các môn thể thao trọng điểm, có tiềm năng để đào tạo, phát triển thể thao thành tích cao và đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận.

Xác định phát triển hiệu quả phong trào thể dục thể thao quần chúng là cơ sở, tiền đề giúp thể thao thành tích cao có nền tảng vững chắc, từng bước phát triển hiệu quả, tỉnh Kon Tum đã quan tâm xây dựng, đổi mới nhiều cơ chế, chính sách trong lĩnh vực thể dục thể thao. Theo đó, thời gian qua, tỉnh chú trọng việc quy hoạch đất, dành nhiều nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, khu tập luyện, vui chơi giải trí trong lĩnh vực thể dục thể thao. Toàn tỉnh hiện có 97% xã, phường, thị trấn triển khai quy hoạch, bố trí đất và xây dựng công trình thể dục thể thao đảm bảo hiệu quả, đáp ứng nhu cầu của người dân.

kon-tum-2-1736906167.jpg

Cùng với đó, hệ thống thiết chế thể thao các cấp được quan tâm xây dựng với 56 sân vận động (7 sân có khán đài); 15 nhà thi đấu đa năng; 13 nhà thi đấu đơn môn; 273 sân bóng đá mini; 727 sân bóng chuyền; 167 sân cầu lông; 21 sân quần vợt; 20 sân bóng rổ; 127 bàn bóng bàn; 14 phòng tập thể hình; hơn 900 bàn bida; 66 bể bơi và gần đây là nhiều sân pickleball. Đặc biệt, sân vận động tỉnh được đầu tư, xây dựng quy mô với sức chứa 11.000 chỗ ngồi; Nhà thi đấu tổng hợp xây dựng với sức chứa khán đài khoảng 3.000 chỗ ngồi. Tất cả được sử dụng để tổ chức hiệu quả các giải thể dục thể thao của tỉnh, quốc gia, phục vụ việc tập luyện của các vận động viên và tổ chức các sự kiện văn hóa, biểu diễn nghệ thuật của tỉnh.

Bên cạnh đó, tỉnh Kon Tum đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các cấp, các ngành và các địa phương trên địa bàn thực hiện hiệu quả phong trào tập luyện thể dục thể thao cho mọi người; khuyến khích việc thành lập các câu lạc bộ thể dục thể thao ở các cơ quan, đơn vị, địa phương; nghiên cứu, bảo tồn các môn thể thao truyền thống, các môn thể thao đặc thù. Hiện toàn tỉnh có khoảng 33,5% số người tập luyện thể dục thể thao thường xuyên và 24% gia đình đạt tiêu chuẩn gia đình thể thao.

Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các địa phương của tỉnh triển khai hiệu quả các cơ chế, chính sách, dành nhiều nguồn lực đầu tư, giúp phong trào thể dục thể thao quần chúng trên địa bàn tỉnh phát triển mạnh mẽ, tạo tiền đề cho thể thao thành tích cao của tỉnh phát triển và đạt nhiều thành tích ấn tượng.

Toàn tỉnh Kon Tum đang duy trì huấn luyện 4 đội tuyển với 24 vận động viên, cụ thể: Võ Taekwondo (6 vận động viên); Võ cổ truyền (6 vận động viên), Điền kinh (6 vận động viên), Võ Karate (6 vận động viên); 35 vận động viên năng khiếu của 3 môn: Bóng đá nhi đồng, Điền kinh, Võ cổ truyền. Hệ thống đào tạo được duy trì bài bản, khoa học, chú trọng tuyển chọn, kế thừa các tuyến trẻ, năng khiếu để tạo nguồn xuyên suốt cho công tác huấn luyện và thi đấu.

Từ năm 2020 đến nay, các đội tuyển thể thao thành tích cao của tỉnh Kon Tum đã tham gia thi đấu giải khu vực và quốc gia, đạt được 146 huy chương các loại, trong đó có: 34 huy chương vàng, 64 huy chương bạc, 122 huy chương đồng. Hiện tỉnh có 4 vận động viên đạt Kiện tướng; 17 vận động viên đạt cấp I; 1 vận động viên đạt cấp II quốc gia của 5 môn: Điền kinh, Karate, Kickboxing, Võ cổ truyền và Taekwondo; 4 vận động viên tập trung đội tuyển trẻ quốc gia và 1 vận động viên tập trung đội tuyển quốc gia của môn Điền kinh.

kon-tum-1736906209.jpg

Để hoàn thành các mục tiêu phát triển thể thao thành tích cao của tỉnh trong giai đoạn mới, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Kon Tum tiếp tục bám sát Kết luận số 70-KL/TW ngày 31/1/2024 của Bộ Chính trị về phát triển thể dục thể thao trong giai đoạn mới; Quyết định số 1189/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 15/10/2024 phê duyệt Chiến lược phát triển Thể dục thể thao Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 để rà soát, bổ sung, hoàn thiện chế độ, chính sách đối với vận động viên, huấn luyện viên trong lĩnh vực thể dục thể thao theo quy định. Cùng với đó, đưa các tiêu chí, chỉ tiêu, giải pháp phát triển thể dục thể thao vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hằng năm gắn với kiểm tra, giám sát hiệu quả. Đồng thời, tiếp tục quan tâm phát triển thể dục thể thao quần chúng; bảo tồn phát triển các môn thể thao truyền thống, trò chơi dân gian của đồng bào các dân tộc thiểu số tại chỗ; tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ thể dục thể thao tại các địa phương. Ngành sẽ tiếp tục đẩy mạnh thu hút nguồn lực xã hội hóa, khuyến khích doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng cơ sở thể thao, tham gia tổ chức thi đấu và cung cấp các dịch vụ thể dục thể thao; đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ, giao lưu, hợp tác quốc tế trong lĩnh vực thể dục thể thao với các địa phương, đơn vị trong và ngoài nước.

Phạm Thanh