Khôi phục, bảo tồn và phát triển bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc thiểu số rất ít người

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa ban hành Quyết định về việc tổ chức khôi phục, bảo tồn và phát triển bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc thiểu số rất ít người, năm 2022 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

dan-toc-lu-1723535355.jpg
Dân tộc Lự - một trong số các dân tộc rất ít người tại Việt Nam

Theo Kế hoạch được ban hành, việc tổ chức khôi phục, bảo tồn và phát triển bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc thiểu số rất ít người, năm 2022 nhằm triển khai thực hiện hiệu quả Dự án 6 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 và các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch; 

Phát huy hiệu quả nguồn lực đầu tư của Nhà nước, xã hội và cộng đồng vào công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của cộng đồng dân tộc thiểu số rất ít người; cải thiện mức hưởng thụ văn hóa ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; 

Tổ chức khôi phục, bảo tồn và phát triển bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc thiểu số rất ít người phù hợp với điều kiện kinh tế và phong tục, tập quán cộng đồng dân tộc thiểu số; lựa chọn hỗ trợ bảo tồn, phát huy các loại hình văn hóa tiêu biểu của dân tộc thiểu số rất ít người, góp phần thúc đẩy phát triển du lịch tại địa phương. 

Kế hoạch yêu cầu việc tổ chức thực hiện phải bám sát mục tiêu của Dự án 6; phát huy nội lực, tinh thần tự lực và khơi dậy lòng tự hào đối với các giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng các dân tộc thiểu số; Chủ động, linh hoạt trong triển khai thực hiện Kế hoạch; động viên, khích lệ đồng bào dân tộc thiểu số tích cực tham gia vào hoạt động bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống; phát huy vai trò chủ thể của đồng bào trong việc nhân rộng mô hình bảo tồn văn hóa truyền thống; Ưu tiên tập trung tuyên truyền hướng đến đối tượng là phụ nữ, thanh niên, thiếu niên người dân tộc Lự. Kế hoạch được triển khai đảm bảo đúng tiến độ, hiệu quả, tiết kiệm.

Về nội dung thực hiện bao gồm: Tổ chức khảo sát, điều tra, thống kê, thu thập thông tin để bảo tồn, phát huy các loại hình văn hóa truyền thống của dân tộc Lự trên địa bàn tỉnh Lai Châu. Nội dung triển khai chủ yếu là tổng hợp thông tin, tư liệu, tài liệu phục vụ công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống dân tộc Lự; 

Tổ chức khảo sát, điều tra, thống kê, thu thập thông tin liên quan đến nghề dệt thổ cẩm dân tộc Lự; Tổ chức khảo sát, điều tra, thống kê, thu thập thông tin liên quan đến nghệ thuật trình diễn dân gian dân tộc Lự; Tổ chức khảo sát, điều tra, thống kê, thu thập thông tin liên quan đến trò chơi dân gian dân tộc Lự.

Tổ chức tập huấn về bảo tồn, phát huy các loại hình văn hóa truyền thống dân tộc Lự gắn với phát triển du lịch: Nội dung tập huấn chủ yếu: Tổ chức đánh giá thực trạng hoạt động bảo tồn, phát huy văn hoá truyền thống dân tộc Lự; đánh giá thực trạng nhu cầu, kỹ năng sử dụng thiết bị điện tử và các trang mạng xã hội làm cơ sở lựa chọn địa điểm, xây dựng nội dung triển khai mô hình thông qua hình thức bảng hỏi, mã QR Online (Dự kiến sản phẩm: Báo cáo tổng hợp kết quả khảo sát và link). 

Khái quát về công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số (cơ sở lý luận về công tác bảo tồn văn hóa truyền thống, các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về văn hóa dân tộc...); 

Thực trạng hoạt động bảo tồn văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số tỉnh Lai Châu nói chung và dân tộc Lự nói riêng; Các yếu tố ảnh hưởng đến sự biến đổi trong văn hóa truyền thống dân tộc Lự và vai trò của cộng đồng dân tộc Lự trong hoạt động bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống; Phát huy vai trò của nghệ nhân, đồng bào các dân tộc thiểu số và cộng đồng dân cư các điểm du lịch, cán bộ công chức văn hóa xã, các đơn vị, hộ kinh doanh du lịch trong việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch; Phương pháp, kỹ năng chung để bảo tồn các loại hình văn hóa phi vật thể của dân tộc thiểu số nói chung, dân tộc Lự nói riêng...

Tổ chức truyền dạy, biểu diễn, tái hiện các loại hình văn hóa truyền thống dân tộc Lự: Tổ chức bảo tồn, phát huy giá trị nghề dệt thổ cẩm của dân tộc Lự; Tổ chức bảo tồn, phát huy nghệ thuật trình diễn dân gian của dân tộc Lự; Tổ chức bảo tồn, phát huy trò chơi dân gian của dân tộc Lự.

Tuyên truyền, quảng bá giới thiệu về hoạt động bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống dân tộc Lự với các hoạt động: Thông tin, tuyên truyền về các giá trị văn hóa tiêu biểu của dân tộc Lự đến rộng rãi thanh thiếu niên cùng du khách trong và ngoài nước; Thông tin, tuyên truyền về vai trò của thanh thiếu niên trong hoạt động bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống dân tộc Lự; Thông tin, tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá các sản phẩm truyền thống của dân tộc Lự phục vụ bảo tồn, phát huy trong cộng đồng dân tộc Lự; Thông tin, tuyên truyền về vai trò của phụ nữ trong hoạt động bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống dân tộc Lự; nâng cao nhận thức về bình đẳng giới vì mục tiêu phát triển bền vững cộng đồng các dân tộc thiểu số; Xuất bản, phát hành ấn phẩm giới thiệu, tuyên truyền về văn hóa truyền thống của dân tộc Lự.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch giao Vụ Văn hóa dân tộc: chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan chủ động tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ đảm bảo chất lượng và tiến độ theo Kế hoạch đã được phê duyệt.