Những năm qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền, công tác thể dục thể thao của tỉnh luôn được duy trì và phát triển ổn định. Đến nay, toàn tỉnh có tỷ lệ người tham gia tập luyện thể dục thể thao thường xuyên đạt 35,9% trên tổng số dân và đạt 36,5% số gia đình thể thao; có 480 câu lạc bộ thể thao cơ sở, 15 Liên đoàn, Hội, câu lạc bộ cấp tỉnh.
Thể thao thành tích cao của tỉnh Khánh Hòa duy trì ổn định và đạt được những kết quả khích lệ. Năm 2023, các đội tuyển thể thao tỉnh tham gia thi đấu 68 giải quốc gia và quốc tế, đạt được 249 bộ huy chương các loại; 46 vận động viên được phong cấp Kiện tướng, 76 vận động viên đạt cấp I quốc gia; đóng góp 25 huấn luyện viên, vận động viên cho đội tuyển quốc gia các môn: Điền kinh, Bóng chuyền bãi biển, Bóng chuyền trong nhà, Taekwondo, cử tạ, Muay Thái, Thể hình và Karatedo…
Bên cạnh những kết quả đạt được, ngành Thể dục thể thao tỉnh Khánh Hòa vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn, vướng mắc. Hoạt động thể dục thể thao quần chúng tại các địa phương, trong các cơ quan, doanh nghiệp… tuy được duy trì tổ chức nhưng do hạn chế về kinh phí nên quy mô còn hạn hẹp; thiếu kinh phí cho việc đầu tư các công trình thể thao trọng điểm công lập và ngoài công lập; thiếu cán bộ, cộng tác viên thể thao cơ sở. Các chế độ bồi dưỡng cho lực lượng tham gia làm nhiệm vụ tại các giải, hội thao cấp tỉnh, huyện, xã… còn thấp, chưa phù hợp với nhu cầu thực tiễn.
Để thúc đẩy thể dục thể thao tỉnh phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Kế hoạch số 206 về việc thực hiện Nghị quyết số 08 và Kết luận số 70 của Bộ Chính trị về phát triển thể dục thể thao trong giai đoạn mới. Theo đó kế hoạch phấn đấu đến năm 2030, hơn 39% dân số và hơn 37% số hộ gia đình trên địa bàn tỉnh tham gia tập luyện thể dục thể thao thường xuyên; hằng năm, tổ chức ít nhất 20 giải thể thao cấp tỉnh, 12 giải cấp huyện và 3 giải thể thao cấp xã; 100% cơ sở giáo dục Phổ thông trên địa bàn tỉnh có đủ giáo viên, hướng dẫn viên, cơ sở vật chất đảm bảo phục vụ công tác giáo dục thể chất và hoạt động thể thao trong nhà trường. Hằng năm, đào tạo từ 400-700 vận động viên các đội tuyển tỉnh, đội trẻ, năng khiếu; phấn đấu thể thao thành tích cao xếp vị trí trong nhóm 20 tỉnh, thành, ngành tại kỳ Đại hội Thể thao toàn quốc năm 2026 và thứ 18 tại Đại hội lần thứ XI năm 2030...
Kế hoạch nhằm cụ thể hóa và triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các nội dung, nhiệm vụ theo Kết luận số 70 phù hợp với điều kiện thực tiễn của tỉnh; nâng cao nhận thức của các cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên và người dân về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của sự nghiệp thể dục thể thao trong phát triển kinh tế - xã hội. Yêu cầu trọng tâm của Kế hoạch là việc triển khai thực hiện phải đảm bảo thực chất, hiệu quả; gắn với việc thực hiện Chương trình hành động của Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết số 09 của Bộ Chính trị; bảo đảm sự lãnh đạo tập trung, thống nhất của các cấp ủy, chính quyền, sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các cơ quan liên quan trong công tác định hướng, quản lý, phát triển thể dục thể thao.
Mục tiêu của kế hoạch là nâng cao sức khỏe, thể lực, tầm vóc, chất lượng cuộc sống, kéo dài tuổi thọ của người dân; xây dựng thói quen rèn luyện thân thể của mỗi người dân, mỗi gia đình; nâng cao chất lượng tuyển chọn, đào tạo vận động viên, từng bước đưa Thể thao Khánh Hòa đạt thứ hạng cao tại các giải quốc gia, kỳ Đại hội Thể thao toàn quốc… Đồng thời, phát triển mạnh các loại hình kinh doanh, dịch vụ thể thao, đưa thể dục thể thao trở thành một ngành kinh tế dịch vụ tổng hợp; thông qua hoạt động thể dục thể thao để quảng bá hình ảnh Khánh Hòa đến du khách trong và ngoài nước. Đối với thể thao thành tích cao, phát triển theo chiều sâu, đề cao chất lượng và tính ổn định. Trong đó, ưu tiên đầu tư và phát triển các môn thể thao trọng điểm, chủ lực, thế mạnh, các môn Olympic; đẩy mạnh xã hội hóa thể thao thành tích cao, khuyến khích các Liên đoàn, doanh nghiệp tài trợ kinh phí thành lập các đội tuyển thể thao đại diện tỉnh tham gia thi đấu các giải quốc gia, quốc tế; đẩy mạnh phát triển các hoạt động thể thao giải trí biển, mạo hiểm…
Để thực hiện mục tiêu trên, các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu được triển khai gồm: Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo đối với sự nghiệp phát triển thể dục thể thao; lồng ghép mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ thể dục thể thao trong nghị quyết, quy hoạch, chương trình, kế hoạch, đề án phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đơn vị; tuyên truyền, quán triệt nâng cao nhận thức về vai trò, tầm quan trọng của thể dục thể thao; đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước; đẩy mạnh phát triển thể dục thể thao quần chúng, thể thao thành tích cao và thể thao chuyên nghiệp; tăng cường nguồn lực cho sự nghiệp thể dục thể thao…