Khánh Hòa thiết chế thể thao xuống cấp, thiếu đồng bộ

Với thực trạng các thiết chế thể thao ở các địa phương còn thiếu, chưa được đầu tư bài bản, đồng bộ; nhiều công trình đang xuống cấp trầm trọng dẫn tới việc đẩy mạnh phong trào thể dục thể thao quần chúng của tỉnh Khánh Hòa đang gặp nhiều khó khăn.

Chưa được đầu tư bài bản

Đã lâu thị xã Ninh Hòa chưa đăng cai giải thể thao cấp tỉnh nào mặc dù địa phương rất mạnh ở các môn Điền kinh, Bóng đá. Lần gần nhất Ninh Hòa đăng cai giải tỉnh cách đây 6 năm (2018), đó là giải Việt dã tỉnh kết hợp với tổ chức phong trào Ngày chạy Olympic vì sức khỏe toàn dân, nhờ tận dụng cung đường rộng, thoáng của đường Nguyễn Thị Ngọc Oanh. Sở dĩ thị xã Ninh Hòa rất hiếm khi đăng cai, phối hợp đăng cai tổ chức các giải thể thao tỉnh là do không có nhà thi đấu thể thao đa năng.

nh-1713926157.jpg
Không có nhà thi đấu đa năng, Ninh Hòa tận dụng khuôn viên bên ngoài hội trường Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao thị xã tổ chức giải cờ Tướng

Ông Nguyễn Thanh Hưng - Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin thị xã Ninh Hòa - trăn trở: “Thiết chế thể thao thị xã chỉ có Sân vận động 16/7 nhưng đã xuống cấp nghiêm trọng. Các công trình khác như: Sân bóng mini, hồ bơi, thiết chế thể thao ở các xã, phường… chưa được đầu tư bài bản”. Cũng theo ông Hưng, điều đó đã ảnh hưởng không nhỏ đến thành tích chung của địa phương. Bởi khi tính điểm thi đua khối các huyện, thị xã, thành phố, dù Ninh Hòa đạt các chỉ tiêu: Tổ chức các giải thể thao cấp huyện, tham gia giải tỉnh đạt thành tích cao… nhưng vì không tổ chức được các giải tỉnh nên điểm số kéo xuống thấp. Đó là chưa kể, mỗi khi thị xã tổ chức giải cấp huyện, việc tìm địa điểm, sân bãi cho phù hợp không dễ. Đối với việc đầu tư thiết chế thể thao, lãnh đạo thị xã rất quan tâm, đồng ý về mặt chủ trương, nhưng còn một số vướng mắc do quy hoạch, thiếu quỹ đất… nên chưa thực hiện được. 

Dù là huyện miền núi song hoạt động thể thao phong trào tại Khánh Sơn đang phát triển theo chiều hướng tốt. Hằng ngày, khuôn viên Nhà thi đấu đa năng huyện luôn có nhiều người tham gia các hoạt động thể thao, rèn luyện sức khỏe. Ông Nguyễn Quốc Dũng - Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao huyện Khánh Sơn - cho biết: Về hạ tầng thiết chế thể thao, địa phương có nhà thi đấu đa năng, 1 sân bóng đá mini (sân cỏ nhân tạo 5 người), 1 sân bóng chuyền trên cát, đáp ứng nhu cầu tập luyện thi đấu các môn: Cầu lông, Quần vợt, Võ thuật… của học sinh và người dân địa phương. Mỗi ngày, các thiết chế thể thao hoạt động trung bình 5 giờ, phục vụ cho hơn 50 nghìn lượt người/năm. Tuy vậy, khó khăn nhất của Khánh Sơn là chưa có sân vận động (sân 11 người) và hồ bơi. Do vậy, việc tổ chức các hoạt động phong trào, lớp dạy bơi phòng, chống tai nạn đuối nước cho trẻ em… không dễ. Theo ông Dũng, ngành Thể thao huyện đã tính đến chuyện đầu tư xây dựng sân vận động, hồ bơi nhưng trở ngại lớn nhất hiện nay là thiếu quỹ đất. Đó là chưa kể, kinh phí đầu tư các công trình rất lớn nhưng việc quản lý, khai thác sao cho hiệu quả cũng là vấn đề cần cân nhắc. Đây cũng là tình hình chung của các địa phương trên địa bàn tỉnh dẫn đến thực trạng thiết chế thể thao thiếu đồng bộ.

khanh-son-1713926360.jpg
Khánh Sơn đăng cai tổ chức Hội thao tại Nhà thi đấu đa năng huyện

Nhiều công trình xuống cấp, lãng phí

Trong khi thiết chế thể thao còn chưa được đầu tư đồng bộ, bài bản thì một số công trình hiện hữu đã xuống cấp. Ví dụ, Sân vận động 16/7 ở thị xã Ninh Hòa dù nằm ở vị trí đắc địa song đã xuống cấp nghiêm trọng, hầu như bỏ không, lãng phí. Theo ông Nguyễn Thanh Hưng, Sân vận động 16/7 chủ yếu là nơi tổ chức các hoạt động chính trị của địa phương, còn tổ chức hoạt động thể thao như Hội khỏe Phù Đổng thị xã thì chỉ tận dụng được một phần nhỏ mặt bằng vừa được cải tạo lại để tổ chức các môn Đẩy gậy, Kéo co. Phần sân còn lại hầu như không thể tận dụng được, bởi mùa khô mặt sân gồ ghề, cứng, còn mùa mưa thì bùn lầy; thị xã muốn tổ chức giải Bóng đá phong trào sân lớn cũng không được.

Thống kê của Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh cho thấy, tính đến nay, 8 huyện, thị xã, thành phố (không tính huyện Trường Sa) đều có trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao, trong đó 4 huyện có sân vận động (bóng đá 11 người), 6 huyện có nhà thi đấu đa năng. Hiện nay, chỉ có Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao Nha Trang có hồ bơi đạt chuẩn, huyện Cam Lâm sử dụng hồ bơi tiền chế bằng bạt do tư nhân đầu tư, các địa phương còn lại chưa có hồ bơi theo tiêu chí của trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao cấp huyện.

Sân vận động 14/8 huyện Vạn Ninh vừa được đầu tư cải tạo, sơn sửa phần hàng rào, mặt tiền khá mới, trông đẹp và thoáng nhưng bên trong mặt sân là đất cát. Theo ông Nguyễn Tấn Dũng - Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao huyện, hiện nay, sân chỉ được sử dụng để tổ chức một số hoạt động mang tính chính trị của huyện. Bởi việc đầu tư mặt cỏ sân vận động và duy trì việc chăm sóc đòi hỏi kinh phí rất lớn. Trong khi đó, hằng năm, kinh phí cấp cho hoạt động thể thao huyện chỉ vừa đủ để tổ chức các hoạt động phong trào địa phương và tham gia các giải tỉnh. “Nhìn chung, huyện rất quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng, thiết chế thể thao phục vụ nhu cầu người dân. Song, việc đầu tư chỉ ở mức thấp, chưa đạt theo tiêu chuẩn”, ông Dũng bày tỏ.

bb-1713926598.jpg

Tại thành phố Nha Trang, tình trạng xuống cấp của các hạ tầng, thiết chế thể thao ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động chung của Ngành. Ông Đinh Xuân Nam - viên chức thể dục thể thao Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao thành phố cho hay, lần gần đây nhất Trung tâm mua sắm các trang thiết bị, phương tiện cần thiết phục vụ tập luyện là năm 2014, đến giờ vẫn chưa được trang bị lại. Hiện nay, các bàn thi đấu bóng bàn đã quá cũ, lạc hậu, không còn phù hợp để tập luyện và thi đấu. Còn sân bóng đá đã xuống cấp nghiêm trọng nhưng Trung tâm vẫn cố gắng cải tạo, chăm sóc, vá víu để duy trì hoạt động phong trào bóng đá của thành phố.

Theo ghi nhận của chúng tôi, hằng năm, thành phố Nha Trang tổ chức 20-30 giải thể thao phong trào. Bên cạnh giải đấu chính thức của thành phố, Trung tâm Tập luyện và Thi đấu Thể thao Nha Trang (số 12 Thi Sách) là địa điểm thường được các cơ quan, ban, ngành tổ chức các hội thao. Tuy vậy, tình trạng xuống cấp của cơ sở hạ tầng, công trình thể thao trung tâm phần nào ảnh hưởng đến chất lượng các hoạt động.

Ông Nguyễn Chánh Thức - Giám đốc Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao thành phố Nha Trang - cho hay, các thiết chế thể thao của Trung tâm được xây từ năm 1997, đến nay đã 27 năm nên bị xuống cấp nghiêm trọng. Mới đây, thành phố đã thống nhất đầu tư giai đoạn 1, sửa chữa nhà thi đấu, cải tạo sân tennis ngoài trời, với tổng trị giá 14,9 tỷ đồng. Dự kiến, giai đoạn 2 sẽ xây thêm 1 hồ bơi, cải tạo sân bóng với nguồn vốn đầu tư khoảng 8 tỷ đồng; giai đoạn 3 cải tạo, xây dựng nhà thi đấu đa năng với nguồn vốn hơn 60 tỷ đồng. “Hiện nay, Trung tâm đang tiến hành các thủ tục, nộp hồ sơ cho các cơ quan có thẩm quyền xem xét, nếu được thông qua sẽ tiến hành triển khai xây dựng”, ông Thức nói.

An Nhiên (Báo Khánh Hòa)