Khai thác và thực thi bản quyền trên không gian mạng

Đó là chủ đề của Hội thảo do Cục Bản quyền tác giả, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức ngày 26/10. Hội thảo nhằm đánh giá thực trạng việc khai thác và thực thi quyền tác giả, quyền liên quan trên không gian mạng hiện nay tại Việt Nam.

Hội thảo được tổ chức dành cho các cơ quan, tổ chức liên quan đến việc khai thác, sử dụng đối tượng quyền tác giả, quyền liên quan trên không gian mạng. Bên cạnh việc tuyên truyền, phổ biến thì việc đẩy mạnh thực thi bản quyền trên không gian mạng là một yêu cầu cấp thiết trong giai đoạn hiện nay. Để làm tốt việc này, cần nhanh chóng triển khai, thiết lập cơ chế tiếp nhận yêu cầu gỡ bỏ hoặc ngăn chặn việc truy cập đối với các nội dung thông tin số xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan. Đòi hỏi các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian phải đầu tư trang thiết bị, kỹ thuật, nhân lực, đồng thời tham khảo kinh nghiệm quốc tế để vận hành hệ thống có hiệu quả.

Hội thảo cung cấp cho đại biểu tham dự những thông tin hữu ích về các quy định pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan trên không gian mạng hiện nay. Đại diện Trung tâm Bảo vệ Quyền tác giả âm nhạc Việt Nam, Công ty sách nói Voiz FM, Công ty TNHH Đầu tư Công nghệ Dịch vụ S-Connect đã có những chia sẻ, tham luận về thực trạng khai thác và bảo vệ bản quyền trên không gian mạng tại Việt Nam, các vấn đề mà những công ty này đã và đang giải quyết liên quan tới chủ đề của Hội thảo.

khong-gian-mang-1698401696.png
Đại biểu chia sẻ kinh nghiệm bảo vệ bản quyền trên môi trường mạng

Tại Hội thảo, các đại biểu được nghe đại diện các tập đoàn, tổ chức quốc tế chia sẻ kinh nghiệm về việc xây dựng công cụ tiếp nhận yêu cầu gỡ bỏ hoặc ngăn chặn việc truy cập tới nội dung thông tin số, xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian.

Trong khuôn khổ Hội thảo, các cán bộ quản lý, thực thi quyền tác giả, quyền liên quan, các tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian, các đơn vị sản xuất, khai thác, sử dụng nội dung số tiếp cận các quy định pháp luật mới về quyền tác giả, quyền liên quan trên môi trường số trong Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả, quyền liên quan. Nghị định số 17/2023/NĐ-CP, Hiệp ước WCT và Hiệp ước WPPT, đồng thời, trao đổi, thảo luận góp ý cho việc thực thi bản quyền trên không gian mạng.

Qua Hội thảo, Ban Tổ chức mong muốn tiếp tục tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền các quy định của pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan trên môi trường số cho các đối tượng tham gia, để nâng cao hơn nữa ý thức chấp hành pháp luật. Bên cạnh đó, Ban Tổ chức cũng nhận định, việc bảo vệ bản quyền trên không gian mạng khi triển khai áp dụng luật rất khó, đặc biệt trên môi trường mạng, do đó, phải áp dụng các công cụ phát hiện, ngăn chặn. Cục Bản quyền tác giả sẽ phối hợp với các cơ quan quản lý Nhà nước liên quan để có nhiều công cụ phát hiện, xử lý vi phạm theo đúng quy định của pháp luật. Đồng thời, thông qua kinh nghiệm của các đơn vị, tổ chức quốc tế… các giải pháp của những đại diện này đề cập sẽ sớm được áp dụng vào thực tế của Việt Nam.

Với thực trạng bảo vệ bản quyền trên môi trường số của Việt Nam hiện nay, Cục Bản quyền tác giả đề xuất, mặc dù quy định pháp luật đã có nhưng để đưa vào được cuộc sống thì cần phải có sự chung tay của nhiều phía để có thể áp dụng các biện pháp hiệu quả, triển khai tốt bảo vệ bản quyền tác giả, quyền liên quan trên môi trường mạng. Để thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, phát triển văn hóa Việt Nam theo đúng định hướng, rất cần sự chung tay của tất cả cộng đồng xã hội, chủ thể quyền các đối tượng đang tham gia… qua Hội thảo sẽ tìm ra được các giải pháp hữu hiệu để bảo vệ quyền tác giả, quyền liên quan trên môi trường mạng.

K.V