Kế hoạch Khai mạc hè, Ngày Olympic trẻ em, Phát động toàn dân tập luyện môn Bơi năm 2024

Ngày 19/1/2024, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Kế hoạch số 241/KH-BVHTTDL về tổ chức Khai mạc hè, Ngày Olympic trẻ em và Phát động toàn dân tập luyện môn Bơi phòng, chống đuối nước năm 2024. Với mục đích nhằm đẩy mạnh triển khai Cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”; tuyên truyền, vận động trẻ em tích cực tập luyện thể dục, thể thao, vui chơi giải trí nhằm nâng cao sức khỏe, thể lực, tầm vóc, bồi dưỡng phẩm chất đạo đức, nhân cách, kỹ năng sống, phát triển toàn diện và phòng, chống tai nạn thương tích, đuối nước trẻ em. 

le-phat-dong-nam-2023-1708851688.jpg
Lễ phát động năm 2023

Theo đó, Lễ khai mạc hè, Ngày Olympic trẻ em và Phát động toàn dân tập luyện môn Bơi phòng, chống đuối nước năm 2024 (gọi tắt là Lễ phát động) được tổ chức ở Trung ương và tại các địa phương. Lễ phát động ở Trung ương dự kiến tổ chức vào sáng Chủ nhật (ngày 26/5) tại Quảng trường Lam Sơn, thành phố Thanh Hóa (tỉnh Thanh Hóa). Quy mô thu hút khoảng 4.000-5.000 người gồm đại biểu, thanh thiếu nhi, học sinh và Nhân dân tham dự.

Tại các địa phương, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch yêu cầu tổ chức Lễ phát động trong tháng 5 hoặc Tết Thiếu nhi (1/6/2024). Tuy nhiên, tùy theo tình hình, điều kiện thực tế ở mỗi địa phương, Lễ phát động có thể tổ chức vào thời điểm thích hợp theo thời gian nghỉ hè của học sinh. Địa điểm tổ chức Lễ phát động tại Nhà Thiếu nhi, Trung tâm Văn hóa - Thể thao, Trung tâm Hoạt động thanh thiếu nhi, các khu tập luyện, thi đấu thể dục, thể thao, khu vui chơi giải trí, các bể bơi… Quy mô và thành phần tham gia: vận động toàn thể trẻ em, học sinh tại các khu dân cư, xã, phường, thị trấn, trường học; vận động nhân dân, các bậc phụ huynh gương mẫu tập luyện thể dục thể thao và tích cực đưa trẻ em tham gia các hoạt động hưởng ứng Lễ phát động.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đề nghị, tùy tình hình thực tế, các địa phương lựa chọn địa điểm để tổ chức Lễ phát động cấp tỉnh, thành phố và chỉ đạo các đơn vị, xã, phường, thị trấn, trường học, cơ sở hoạt động thể dục thể thao tổ chức Lễ phát động. Chương trình Lễ phát động gồm các nội dung chính như: Lãnh đạo đơn vị, địa phương phát động phong trào trẻ em tích cực tập luyện thể dục thể thao, học tập và vui chơi giải trí, phòng, chống đuối nước. Tổ chức các hoạt động hưởng ứng: Lồng ghép Lễ phát động trẻ em tập luyện môn Bơi phòng, chống đuối nước với tổ chức khai mạc hè và Ngày Olympic trẻ em; tổ chức đi bộ, đồng diễn thể dục, các trò chơi vận động, các hội thi, giải thi đấu các môn thể thao, các hoạt động văn hóa, văn nghệ đa dạng, phong phú nhằm tạo sự lan tỏa về phong trào tập luyện thể dục thể thao, phong trào học bơi, phòng, chống đuối nước và hưởng ứng Tháng hành động vì trẻ em; kỷ niệm Ngày Sinh nhật Bác (19/5); Ngày thành lập Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh (15/5); kỷ niệm các ngày lễ lớn trong năm của địa phương và đất nước.

boi-1708851738.jpg
Ảnh minh họa

Đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền: Tổ chức treo băng rôn, khẩu hiệu, cờ, tranh ảnh, phát video clip về hoạt động thể dục thể thao và hoạt động bơi an toàn phòng, chống đuối nước tại các địa điểm tổ chức Lễ phát động; đưa tin về Lễ phát động và các hoạt động thể dục thể thao, dạy bơi, học bơi phòng, chống đuối nước trẻ em trên các kênh của Đài Truyền hình, các phương tiện thông tin đại chúng của Trung ương, ngành và địa phương.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch yêu cầu, công tác tổ chức Lễ phát động phải đảm bảo thiết thực, an toàn, tiết kiệm, hiệu quả, tạo khí thế sôi nổi, hào hứng của đông đảo thanh thiếu nhi tham gia tập luyện thể dục thể thao và các hoạt động hè cho trẻ em. Đồng thời, vận động các nguồn lực xã hội hóa đóng góp cho việc tổ chức Lễ phát động và triển khai các hoạt động trong công tác phòng, chống đuối nước trẻ em.

T.N