Hội An tổ chức lễ công bố “Hội An gia nhập mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO”

Theo kế hoạch của UBND thành phố Hội An (Quảng Nam), tối ngày 31/12 tới đây thành phố sẽ tổ chức lễ công bố “Hội An gia nhập mạng lưới các thành phố sáng tạo toàn cầu của UNESCO” tại Vườn tượng An Hội. Đây là hoạt động nằm trong chuỗi các sự kiện chào năm mới 2024.

hoi-an-2-1703122526.jpg
Phố cổ Hội An. Ảnh: Internet

Tại lễ công bố, thành phố tổ chức trao chứng nhận "Hội An gia nhập mạng lưới các thành phố sáng tạo toàn cầu của đại diện UNESCO”; Chương trình nghệ thuật chủ đề về “Nghề truyền thống và nghệ thuật dân gian”; Tặng biểu trưng cho các tập thể, cá nhân đã có đóng góp trong việc xây dựng hồ sơ, các mô hình sáng tạo tiêu biểu trên lĩnh vực thủ công và nghệ thuật dân gian…

Trong khuôn khổ sự kiện, từ ngày 30/12/2023 đến 1/1/2024, tại Vườn tượng An Hội còn diễn ra không gian nghệ thuật giới thiệu nghề thủ công của Hội An, biểu diễn nghệ thuật dân gian truyền thống, giới thiệu các loại hình nghệ thuật sáng tạo mới và các sản phẩm OCOP, triển lãm ảnh nghệ thuật “Hội An - Sáng tạo và phát triển”.

Tại làng gốm Thanh Hà, làng Củi Lũ, làng mộc Kim Bồng, thành phố phối hợp các đơn vị doanh nghiệp tổ chức hoạt động làng nghề thủ công, các địa phương trưng bày, triển lãm, hoạt động trải nghiệm.

Việc tổ chức lễ công bố "Hội An tham gia vào mạng lưới các thành phố sáng tạo toàn cầu của UNESCO" nhằm giới thiệu, tôn vinh những giá trị độc đáo của nghề thủ công và nghệ thuật dân gian đến nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế. Đồng thời, nâng cao ý thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành và nhân dân trong việc bảo tồn các giá trị văn hóa, phát huy sức sáng tạo, thực hiện những cam kết của thành phố trong việc phát triển mạng lưới và thúc đẩy các lĩnh vực sáng tạo.

Trước đó, ngày 31/10/2023, Ban thư ký Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO đã xác nhận Hội An là đại diện tiếp theo của Việt Nam chính thức là thành viên của Mạng lưới các thành phố sáng tạo toàn cầu của UNESCO trên lĩnh vực thủ công và nghệ thuật dân gian.

Thủ công và nghệ thuật dân gian là thế mạnh nổi trội và là lĩnh vực được Hội An bảo tồn và phát huy hiệu quả trong thời gian qua.

Thành phố Hội An hiện có 5 làng nghề truyền thống với gần 50 ngành nghề thủ công đang hoạt động sôi nổi có thể kể đến như: nghề mộc, nghề gốm, nghề làm đèn lồng, nghề làm tre dừa, may mặc, làm đồ da... Trong đó, có 3 làng nghề và 1 nghề truyền thống được công nhận Di sản phi vật thể quốc gia và 2 làng nghề khác đang làm hồ sơ đề nghị công nhận. Đông đảo cư dân Hội An tham gia vào các hoạt động thủ công và nghệ thuật dân gian một cách chính thức hoặc không chính thức gồm các nhóm: lao động tự do và sản xuất, kinh doanh thủ công; nhóm các nghệ sĩ, nghệ nhân, cá nhân thuộc các hiệp hội nghề nghiệp, điều hành các xưởng thủ công sáng tạo; nhóm còn lại gồm các doanh nghiệp và nhà kinh doanh trong lĩnh vực thủ công và nghệ thuật dân gian.

hoi-an-1703122544.jpg
Hội An là thành viên của Mạng lưới các thành phố sáng tạo toàn cầu của UNESCO. Ảnh: VGP

Thành phố hiện có tổng cộng 658 doanh nghiệp nhỏ và 1.710 hộ kinh doanh hoạt động trong lĩnh vực thủ công và nghệ thuật dân gian. Ước tính, có khoảng 4.000 người lao động trực tiếp có thu nhập trung bình từ 3.500 đến 4.000 USD mỗi năm từ thủ công và nghệ thuật dân gian.

Gia nhập Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO là điều kiện thuận lợi cho Hội An trong việc định vị thương hiệu, quảng bá hình ảnh trên tất cả các lĩnh vực văn hóa sáng tạo, góp phần thu hút đầu tư, tập trung các chương trình phát triển giáo dục và các sự kiện văn hóa, sáng tạo, nhằm phát triển bền vững.

Trở thành thành viên chính thức của Mạng lưới các thành phố sáng tạo UNESCO có ý nghĩa quan trọng cho mục tiêu nâng cao vị thế, tạo dựng hình ảnh mới, hấp dẫn cho Hội An. Đồng thời, để thực hiện cam kết đối với Mạng lưới, thành phố Hội An sẽ cụ thể hóa kế hoạch hành động thực hiện sáng kiến cũng như kết nối các chính sách của thành phố nhằm thúc đẩy các lĩnh vực văn hóa sáng tạo có liên quan.

Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO được thành lập năm 2004 với mục tiêu tăng cường hợp tác giữa các thành phố đã được công nhận sáng tạo, coi đây là một yếu tố chiến lược phục vụ phát triển bền vững trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội và môi trường.

Tính đến tháng 10/2022, Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO có 295 thành phố thành viên đến từ 90 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có 59 thành phố trên lĩnh vực thủ công và nghệ thuật dân gian.

T.H