Mối quan hệ giữa hoạt động thể thao và tâm lý vận động viên
Nhắc đến mối quan hệ này, nhà nghiên cứu Rifat Hussein từng nói đến một số quan niệm sai lầm cho rằng, thành tích của hoạt động thể thao không liên quan đến tâm lý thi đấu của vận động viên hay “tác động tâm lý chỉ được dùng cho vận động viên yếu kém, đang gặp khó khăn trở ngại về tâm lý”. Thậm chí, cũng có nhận định rằng, tâm lý trong hoạt động thể thao chỉ dành cho những vận động viên chuyên nghiệp đang tham gia hoạt động tập luyện thi đấu thành tích cao và kỹ năng thể chất quan trọng hơn kỹ năng tinh thần, hoặc “yếu tố tâm lý không cần thiết đối với những môn thể thao đồng đội”…
Ở Việt Nam, Cục Thể dục thể thao thường xuyên tổ chức chương trình đào tạo, bồi dưỡng về huấn luyện tâm lý cho huấn luyện viên các đội tuyển thể thao quốc gia. Gần đây nhất, vào ngày 8/5/2024, tại buổi khai mạc chương trình “Đào tạo Kỹ thuật Huấn luyện Tinh thần cho Huấn luyện viên các Đội tuyển Thể thao Quốc gia”, ông Nguyễn Hồng Minh - Phó Cục trưởng Cục Thể dục thể thao - cho biết: “Huấn luyện tinh thần là loại huấn luyện đặc thù và rất cần thiết trong công tác huấn luyện thể thao. Việc rèn luyện và làm chủ được sức mạnh tinh thần sẽ giúp các huấn luyện viên vượt qua được những rào cản tâm lý, quản lý mối quan hệ giữa họ với các thành viên trong Ban huấn luyện và các vận động viên hiệu quả hơn. Nhờ đó, giúp cải thiện thành tích thi đấu ngay cả khi phải chịu áp lực cao”.
Không chỉ các nhà quản lý, các chuyên gia về tâm lý thể thao ở Việt Nam vẫn cho rằng, giữa hoạt động thể thao và tâm lý vận động viên có mối quan hệ chặt chẽ, ảnh hưởng tác động qua lại lẫn nhau. Theo tác giả Lê Văn Xem, hoạt động thể thao là loại hình hoạt động có đặc thù có tính chất sáng tạo của con người nhằm thỏa mãn nhu cầu, sở thích cá nhân và hướng tới sự kiệt xuất về thành tích và kỷ lục thể thao của bản thân và đất nước. Ông cũng cho rằng, tâm lý vận động viên thể thao là sự phản ánh hiện thực khách quan trong các điều kiện hoạt động thể thao thông qua chủ thể và có tính xã hội lịch sử thể thao. Cũng theo tác giả, thành tích thể thao ngày nay là sự kết tinh của sự đua tài thể chất, sự vận động cơ thể một cách tích cực có ý thức và sự nỗ lực tinh thần cao nhất.
Khoa học tâm lý thể thao chỉ ra rằng, để vận động viên thành công trong thi đấu thể thao có nhiều yếu tố ảnh hưởng, mà một trong những yếu tố đó là tâm lý thi đấu, bởi thành tích đó chính là kết quả tổng hợp của cả quá trình giáo dục và huấn luyện về các mặt thể lực, kỹ thuật, chiến thuật và đặc biệt là tâm lý. Mối quan hệ giữa hoạt động thể thao (bao gồm hoạt động tập luyện và thi đấu) và tâm lý thi đấu của vận động viên là mối quan hệ biện chứng, hoạt động thể thao không chỉ làm biến đổi, hình thành, phát triển, hoàn thiện các chức năng tâm lý nói chung mà còn cả các chức năng tâm lý chuyên môn của vận động viên. Ngược lại, tâm lý thi đấu của họ cũng được bộc lộ, thể hiện và có ảnh hưởng ngược lại đến thành tích trong thi đấu.
Hoạt động thể thao ảnh hướng đến tâm lý vận động viên: Việc tập luyện trong hoạt động thể thao của vận động viên có ảnh hưởng trực tiếp đến các yếu tố hình thái, chức năng và các đặc điểm giải phẫu sinh lý của cơ thể. Đồng thời, đây cũng chính là những cơ sở sinh lý của các hiện tượng tâm lý nảy sinh trong tập luyện và thi đấu của vận động viên.
Trong tập luyện, thi đấu, hoạt động thể thao làm nảy sinh những hiện tượng tâm lý có lợi cho vận động viên như: Cải thiện cảm xúc, tâm trạng. Hoạt động thể thao kích thích các chất khác nhau làm tăng độ nhạy cảm của não đối với các hormone Serotonin và Norepinephrine, từ đó, giảm nguy cơ trầm cảm, khiến vận động viên cảm thấy hạnh phúc, thư giãn và ít lo lắng hơn. Vận động viên cũng có thể thấy bản thân và ngoại hình của họ thay đổi trong quá trình tập luyện thể thao, từ đó, thúc đẩy sự tự tin, có được cảm xúc thỏa mãn về mặt thẩm mỹ với vẻ bên ngoài của mình, hoặc thỏa mãn nhu cầu phô diễn những động tác kỹ thuật đẹp mắt, nhu cầu chinh phục bản thân, chinh phục những đỉnh cao mới trong thi đấu. Điều này khiến họ hạnh phúc, nâng cao vị thế chuyên môn và lòng tự trọng của bản thân.
Bên cạnh đó, hoạt động thể thao cũng làm nảy sinh những hiện tượng tâm lý có hại ở vận động viên như: lo âu, trầm cảm do áp lực về việc chấn thương, do phải thực hiện các động tác khó nguy hiểm, phải vượt qua giới hạn của bản thân, vượt qua đối thủ, bạo lực thể thao, áp lực về việc tuân thủ chế độ sinh hoạt tập luyện, áp lực về thành thích thi đấu cần đạt được, mật độ thi đấu dày đặc khiến họ suy giảm thể lực, không đảm bảo chuyên môn khi thi đấu dẫn đến mệt mỏi thiếu tự tin và mắc lỗi kỹ thuật, vi phạm luật thi đấu, không hoàn thành được nội dung thi đấu hoặc nhiệm vụ Ban huấn luyện giao cho ở vị trí thi đấu của mình. Ngoài ra, trong quá trình tập luyện, thi đấu thể thao, vận động viên còn gặp vô vàn những áp lực tế nhị khác mà không phải lúc nào nó cũng được nói ra trên truyền thông… Đến lượt mình các hiện tượng tâm lý có hại lại tác động lên quá trình tiến hành hoạt động thể thao của vận động viên, như stress - sự căng thẳng lo âu có thể gây ra những tác động sinh lý có hại cho cơ thể vận động viên. Khi họ cảm thấy lo lắng hoặc căng thẳng, hệ thần kinh của cơ thể sẽ hoạt động. Hệ thống này được chia thành 2 phần: Hệ thần kinh giao cảm và hệ thần kinh phó giao cảm. Hệ thần kinh giao cảm hoạt động ngay lập tức khi chúng ta gặp phải mối đe dọa, về mặt thể chất hoặc cảm xúc và bắt đầu tạo ra các phản ứng sinh lý có thể nhìn thấy và không nhìn thấy được. Những phản ứng này bao gồm nhịp tim tăng nhanh, tay run, thở nhanh, đổ mồ hôi, mất sự linh hoạt, mất tập trung và cảm giác bồn chồn trong bụng. Những phản ứng này vừa mang tính nhận thức (tinh thần) vừa mang tính thể chất (vật lý) và có thể dễ dàng phá vỡ và ngăn cản hiệu suất thi đấu của vận động viên.
Trong quá trình tập luyện và đặc biệt trong thi đấu, các hiện tượng tâm lý bất lợi xuất hiện ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng lực thi đấu, sức cống hiến và đặc biệt về lâu dài sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe tâm lý nhân cách vận động viên.
Chúng ta có thể nhìn thấy điều này trong xu hướng thể thao của họ bởi xu hướng thể thao nói lên mục tiêu, chiều hướng, quyết định việc lựa chọn con đường hoạt động thể thao của vận động viên trong tương lai. Nếu có tài năng thể thao cộng với tâm lý thoải mái hạnh phúc trong thi đấu họ sẽ đạt đến tiềm năng của mình và luôn muốn kéo dài cuộc đời vận động viên. Điều này đặc biệt có ý nghĩa đối với nền thể thao nước nhà ở những giai đoạn mà nhân tài thể thao trong một môn thể thao nào đó chưa lộ diện. Hơn ai hết, những người làm công tác tuyển chọn và đào tạo vận động viên hiểu rằng, mỗi lứa vận động viên không phải lúc nào cũng có thiên tài thể thao xuất hiện. Ngược lại, nếu bản thân không vượt qua, giải quyết được những áp lực mà hoạt động thể thao đem lại, họ sẽ không có mục tiêu, tinh thần thi đấu hời hợt, thiếu quyết tâm và khi đó giải pháp mà họ lựa chọn là tạm dừng thi đấu hoặc từ bỏ sự nghiệp. Chúng ta có thể nhìn thấy điều này đã xảy ra ở một số vận động viên của Việt Nam và trên thế giới.
Được đánh giá là vận động viên thể dục dụng cụ thành công nhất trong lịch sử thể thao Mỹ và thế giới, Simone Biles khi mới 24 tuổi đã giành 32 huy chương các loại ở đấu trường Olympic và thế giới nhưng cô đã từ bỏ thi đấu ở Olympic Tokyo 2020 ở nội dung sở trường vì vấn đề sức khỏe tâm lý. Vận động viên bơi người Mỹ - Micheal Phelps - giành 28 huy chương Olympic hay vận động viên quần vợt Naomi Osaka 4 lần vô địch Grand Slam cũng đều có thời gian mắc chứng trầm cảm, thậm chí, từng nghĩ tới cái chết. Ở Việt Nam, vận động viên điền kinh Quách Công Lịch, Quách Thị Lan từng khủng hoảng tinh thần vì chấn thương kéo dài… và không ít vận động viên phải nghỉ thi đấu để điều trị tâm lý trước khi quay trở lại thi đấu, trường hợp xấu có vận động viên phải nghỉ thi đấu vĩnh viễn.
Tuy nhiên, ở đây cũng cần nhìn nhận khách quan rằng, những khó khăn, áp lực, sự mệt mỏi, những suy nghĩ và cảm xúc tiêu cực là một phần tự nhiên tất yếu của hoạt động thể thao, chúng chỉ trở thành vấn đề khi chúng trở nên quá sức hoặc bắt đầu tác động đến hành động và hành vi của vận động viên. Do vậy, huấn luyện tâm lý giúp các vận động viên dù có hay không sự yếu đuối về mặt tinh thần ở mọi giai đoạn xây dựng nền tảng tâm lý vững chắc, giúp họ có chiến lược quản lý lo âu, cảm xúc, cải thiện kỹ năng điều khiển tâm lý của mình. Vì điều đó tạo nên sự khác biệt cho hoạt động thi đấu của họ, là tiền đề cho họ thành công lâu dài trong cả thể thao và cuộc sống.
Cơ sở lý luận của huấn luyện tâm lý thi đấu
Trong thi đấu thể thao, cho dù vận động viên được chuẩn bị tốt về thể lực, kỹ thuật và chiến thuật nhưng tâm lý thi đấu không vững vàng thì không đạt kết quả cao. Tâm lý thi đấu là một trong những lý do dẫn đến thành công của vận động viên.
Khi nghiên cứu các trạng thái tâm lý xuất hiện ở thời điểm trước trong và sau thi đấu của vận động viên, các nhà khoa học đã tổng kết một số trạng thái tâm lý thường gặp như: sốt xuất phát, lạnh lùng thờ ơ, hưng phấn sẵn sàng thi đấu, trạng thái tự yên tâm, ngẫu hứng tranh đấu và phấn khích, trạng thái cuồng nhiệt say mê, cực điểm và hô hấp lần 2 hay những niềm vui nỗi buồn sau thi đấu. Trong các trạng thái thường xuất hiện có các trạng thái tâm lý có lợi và bất lợi cho họ, vì vậy, cần hình thành trạng thái tâm lý tối ưu nhất để cho dù ở giai đoạn nào (trước, trong hay sau quá trình thi đấu), vận động viên vẫn có tinh thần tốt nhất, tâm lý vững vàng với bất kỳ hoàn cảnh nào của hoạt động thi đấu. Mặt khác, trong các thởi điểm khác nhau của quá trình thi đấu cho dù có sự xuất hiện các trạng thái tâm lý có lợi thì cũng không đảm bảo rằng các trạng thái tâm lý có lợi đó sẽ được duy trì lâu dài ở tất cả các thời điểm của quá trình thi đấu. Do các trạng thái tâm lý nói chung có đặc điểm là những hiện tượng tâm lý có mở đầu, diễn biến và kết thúc một cách không rõ ràng, điều đó cho thấy sự mất đi của các trạng thái tâm lý có lợi ở một số thời điểm thi đấu quan trọng hoàn toàn có thể xảy ra.
Như đã phân tích ở trên, quá trình chuẩn bị và huấn luyện tâm lý tốt là một trong những lý do dẫn đến thành công trong thi đấu của vận động viên. Muốn vậy, phải tính đến công tác nhận định các phẩm chất tâm lý, nhân cách của vận động viên. Việc nhận định chính xác những đặc điểm các phẩm chất tâm lý cá nhân của vận động viên tạo cơ sở cho việc xác định những ưu điểm, điểm mạnh trong các phẩm chất tâm lý cá nhân để củng cố, hoàn thiện. Đồng thời, chỉ ra những hạn chế trong các phẩm chất tâm lý mà vận động viên có để từ đó xây dựng nội dung và biện pháp cho công tác huấn luyện tâm lý ở giai đoạn huấn luyện chuyên môn nhằm xóa bỏ, cải thiện, hình thành các chức năng phẩm chất tâm lý thi đấu mới cho họ.
Cơ sở thực tiễn
Vận động viên được huấn luyện tâm lý thi đấu tốt, tỷ lệ kết quả thi đấu thành công cao hơn vận động viên không có hoặc có sự chuẩn bị tâm lý hời hợt. Khi vận động viên được chuẩn bị tâm lý thi đấu tốt là khi họ được huấn luyện viên cung cấp những tri thức, hiểu biết, thông tin liên quan đến hoạt động thi đấu về nhiều mặt thể lực, kỹ chiến thuật, dinh dưỡng thể thao, tâm lý thi đấu. Những kiến thức chung này giúp họ có những hiểu biết liên quan đến hoạt động thi đấu. Từ đó chủ động hơn trong tập luyện, sinh hoạt, lối sống hằng ngày một cách khoa học để duy trì, củng cố năng lực chuyên môn, sức mạnh thể chất đồng thời tạo sự tự tin đặc biệt giúp họ dự kiến và đưa ra những giải pháp giải quyết trước các hoàn cảnh tình huống thi đấu, những hiện tượng tâm lý bất ngờ, bất lợi xảy ra trong thi đấu. Giả sử, nếu vận động viên trước thi đấu chưa có kiến thức về trạng thái cực điểm trong thi đấu, khi trạng thái này xuất hiện vận động viên sẽ rất lo lắng, lúng túng và sợ hãi bởi những biểu hiện sinh lý xuất hiện sớm. Điều mà họ có thể chưa thấy trong tập luyện do căng thẳng về thể chất và tâm lý chưa được đẩy lên mức tối đa, họ cũng không biết làm thế nào để khắc phục, vượt qua nó trong khi vẫn phải tiếp tục thi đấu ở mức giới hạn các năng lực thể chất và tâm lý của mình. Điều này cực kỳ bất lợi, làm giảm khả năng giành chiến thắng. Ngược lại, nếu có kiến thức hiểu biết khoa học về trạng thái này họ hoàn toàn có thể tự mình vượt qua nó và tiếp tục thi đấu một cách tự tin.
Trong một trường hợp khác, nếu vận động viên đã từng thất bại trong quá khứ họ thường hay suy nghĩ về việc huấn luyện viên sẽ nghĩ gì về họ, nói gì với họ, đồng đội, người thân nghĩ gì về họ, đối thủ đã có sự chuẩn bị như thế nào… và nó khiến vận động viên không thể tập trung vào nội dung thi đấu tiếp theo. Trong trường hợp này, nếu vận động viên được huấn luyện tâm lý, họ có thể tự điều hướng tư duy của bản thân bằng cách tập trung vào những điều tích cực, điểm mạnh của bản thân thay vì bị phân tâm bởi những yếu tố mà bản thân họ không thể kiểm soát. Việc vận động viên nắm được kiến thức về dấu hiệu, đặc điểm, biểu hiện, biện pháp duy trì các hiện tượng tâm lý có lợi và điều chỉnh khắc phục những hiện tượng tâm lý bất lợi không chỉ dừng lại ở các hiện tượng tâm lý nói trên mà nó cần mở rộng ở tất cả các hiện tượng tâm lý khác. Ý nghĩa của việc này nằm ở chỗ giúp vận động viên nắm được các công cụ và các kỹ thuật để đối phó với nhiều vấn đề tâm lý nảy sinh trong hoạt động thể thao như chơi tự tin, thi đấu dưới áp lực, quản lý cảm xúc cao độ như thất vọng, vượt qua nỗi sợ thất bại, không quá khắt khe với bản thân mọi lúc, đối phó với huấn luyện viên hoặc đồng đội khó tính, vượt qua thất bại, duy trì sự tập trung và động lực, cùng nhiều khía cạnh khác giúp họ trở thành “phiên bản” tốt hơn của chính mình.
Nhiều vận động viên đạt thành tích cao trong tập luyện, huấn luyện nhưng kết quả thi đấu không cao do không được chuẩn bị kỹ về tâm lý thi đấu. Sở dĩ như vậy vì trong quá trình huấn luyện vận động viên chưa phải đối mặt trực diện với đối thủ, với các điều kiện thi đấu có thật, có chăng chỉ là các tình huống giả định, các tình huống thi đấu giống như thật mà huấn luyện viên đặt ra để rèn luyện ở họ kỹ năng giải quyết các tình huống thi đấu nên họ chưa chịu áp lực trực tiếp từ nhiều phía như áp lực về mục tiêu, thành tích thi đấu, từ các yếu tố ngoại cảnh như khán giả, trọng tài, điều kiện thi đấu... Đến các yếu tố bên trong, như năng lực trình độ của bản thân, các phẩm chất tâm lý cá nhân… những yếu tố tâm lý như cảm xúc, khát vọng, ý chí chưa gặp được những hoàn cảnh để sản sinh ra động lực, lòng quyết tâm nên các yếu tố tâm lý đó chưa được đẩy lên mức độ cao, chưa yêu cầu vận động viên phải huy động tối đa sức lực của mình để thi đấu với đối thủ. Mà việc tập luyện chỉ hướng đến hoàn thành giáo án, khối lượng vận động mà huấn luyện viên đặt ra hay vượt qua được những giới hạn của bản thân nên tâm lý vẫn ít nhiều có sự thoải mải. Chỉ khi bước vào thi đấu thật, trực tiếp, mặt đối mặt với đối thủ, điều kiện thi đấu hiện hữu thì năng lực chuyên môn và hoạt tính của các hiện tượng tâm lý của vận động viên ở thời điểm đó mới được đo lường chính xác bằng việc hiện thực hóa sự tối ưu của chúng thành bàn thắng, điểm số, thành tích, kỷ lục thể thao.
Nhận thức rõ mối quan hệ cũng như ý nghĩa và tầm quan trọng của tâm lý trong hoạt động thi đấu thể thao của vận động viên là kết quả ban đầu, nhưng để các huấn luyện viên, bác sỹ thể thao không phải làm công tác hỗ trợ tâm lý cho vận động viên thì chúng ta cần đào tạo, phát triển một đội ngũ chuyên gia tâm lý học thể thao lâm sàng. Kết hợp sử dụng các chiến lược từ cả tâm lý thể thao và tâm lý trị liệu giúp cải thiện sức khỏe tâm thần và thành tích thể thao của vận động viên. Có như vậy, việc vận động viên đang có phong độ tốt, trình độ tài nghệ thể thao không phải tạm dừng thi đấu hoặc giải nghệ do những áp lực tâm lý không giải quyết được sẽ không còn.