Hà Nam đẩy mạnh công tác xã hội hóa thể dục thể thao

Trong những năm gần đây, Thể thao Hà Nam có sự phát triển mạnh mẽ cả về phong trào và thành tích cao. Có được thành tích này là nhờ ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Nam đã đẩy mạnh công tác xã hội hóa thể dục thể thao nhằm huy động sự chung tay của các cấp, các ngành, các tổ chức, cá nhân.

Với chủ trương tăng cường công tác xã hội hóa trong lĩnh vực thể dục thể thao, thời gian qua, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nam đã thực hiện nhiều chương trình ký kết phối hợp với các tổ chức, đơn vị nhằm thực hiện sáng tạo và hiệu quả công tác xã hội hóa. Bên cạnh đó, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch là tăng cường tuyên truyền, thay đổi nhận thức của những người chơi thể thao là muốn tham gia thi đấu các giải thể thao, người đăng ký tham gia phải đóng kinh phí. Gần đây, một số giải thể thao đã nhận được sự đồng tình ủng hộ của người tham gia, như: giải Việt dã “Cùng Sacombank chạy vì sức khỏe cộng đồng” và giải Thể thao gia đình tỉnh Hà Nam năm 2023. Việc đóng kinh phí đồng thời cũng là cam kết của vận động viên không bỏ khi đã đăng ký tham gia thi đấu, dần nâng cao ý thức trách nhiệm của các vận động viên và tinh thần Fair Play trong thể thao.

han-1695138305.jpg

Thay đổi nhận thức về công tác xã hội hóa trong lĩnh vực thể dục thể thao trên địa bàn tỉnh mặc dù còn ở mức độ nhất định nhưng đã mang lại những kết quả tích cực. Nhiều đơn vị, cá nhân đầu tư xây dựng, lắp đặt các loại hình bể bơi, xây dựng sân cỏ nhân tạo, xây nhà thi đấu, nhà văn hóa, sân bóng đá, bàn bóng bàn, đầu tư dụng cụ tập luyện và thi đấu thể dục thể thao… Theo số liệu của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hà Nam hiện có gần 1.300 câu lạc bộ thể dục thể thao; 1.645 điểm, nhóm tập luyện thể dục thể thao; 20 doanh nghiệp kinh doanh hoạt động thể dục thể thao; gần 1.170 sân thể dục thể thao trong cơ quan, đơn vị, công trình công lập và hàng trăm sân thể dục thể thao tận dụng khác.

Nhờ có cơ sở vật chất tương đối đầy đủ, hoạt động thể dục thể thao quần chúng trong tỉnh Hà Nam tiếp tục được chú trọng dưới nhiều hình thức đa dạng, phong phú, lan tỏa rộng khắp trong mọi tầng lớp nhân dân. Phong trào thể dục thể thao trong trường học, lực lượng vũ trang, thanh thiếu niên, công nhân viên chức, phụ nữ và người cao tuổi được quan tâm phát triển đều, góp phần nâng cao sức khỏe và đời sống tinh thần cho người dân. Tỷ lệ dân số tham gia tập luyện thể dục thể thao ngày càng tăng. Đây chính là dấu hiệu tích cực thực hiện thành công Cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại".

Các hình thức tập luyện thể dục thể thao như: đi bộ, bóng chuyền da, bóng chuyền hơi, thể dục dưỡng sinh, chạy vì sức khỏe... cùng nhiều trò chơi thể thao dân gian như đẩy gậy, kéo co, đá cầu... được giữ gìn, bảo tồn trong các lễ hội ở làng, xã trở thành các giải thể thao quần chúng, thu hút hàng trăm nghìn người tham gia. Các tiêu chí về rèn luyện thể dục thể thao được chú trọng trong chỉ tiêu về xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở, gắn với tiêu chí xây dựng Nông thôn mới ở các làng, xã trong tỉnh. Nhiều giải thể dục thể thao quần chúng thường xuyên được tổ chức. Tại các huyện, thị xã, thành phố đã hướng dẫn cơ sở xây dựng kế hoạch tổ chức các hoạt động thể thao phục vụ nhân dân đón xuân, vui Tết, các hoạt động được tổ chức tận cơ sở và được diễn ra khá sôi nổi, phong phú, qua đó đã tạo được không khí vui tươi, phấn khởi trong nhân dân. Phòng Văn hóa và Thông tin, Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao các huyện, thị xã, thành phố đã phối hợp tốt với các ngành tổ chức các hoạt động, giải thể thao; Tổ chức tập luyện tham gia thi đấu các giải do tỉnh tổ chức.

hanm-1695138291.jpeg

Cùng với việc đẩy mạnh phong trào thể dục thể thao quần chúng, thể thao thành tích cao được xác định là nhiệm vụ trọng tâm, then chốt trong định hướng phát triển của ngành Thể dục thể thao tỉnh. Thể thao thành tích cao Hà Nam hiện đào tạo 7 bộ môn, nội dung, gồm: Bơi - Lặn, Vật - Jujitsu, Bóng đá nữ, Điền kinh, Thuyền, Quần vợt và Taekwondo. Các bộ môn, nội dung thể thao thành tích cao nhận được nguồn xã hội hóa hoặc hỗ trợ một phần xã hội hóa có Bóng đá nữ, Bơi - Lặn và Quần vợt. Bóng đá nữ nhận được sự tài trợ của Tổng Công ty cổ phần Phong Phú; Bơi - Lặn và Quần vợt nhận được sự hỗ trợ của Công ty TNHH Tân Thủy. Các nguồn xã hội hóa này đã tháo gỡ phần nào khó khăn về cơ sở vật chất trong tập luyện và chế độ cho vận động viên của 3 bộ môn. Ngược lại, xã hội hóa cũng giúp các doanh nghiệp quảng bá hình ảnh, thương hiệu của doanh nghiệp thông qua các hoạt động thể dục thể thao. Ngoài những môn thể thao trên, các bộ môn có sự đóng góp quan trọng cho thể thao thành tích cao Hà Nam còn có Vật - Jujitsu và Điền kinh, nhưng chưa được sự quan tâm của các nhà tài trợ.

Phát huy những kết quả đạt được, trong thời gian tới, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nam sẽ đẩy mạnh công tác xã hội hóa thể dục thể thao nhằm huy động tối đa sự đóng góp của các tổ chức đoàn thể, doanh nghiệp, nhân nhân cùng chung tay xây dựng phong trào thể dục thể thao và góp phần nâng cao thành tích cho thể thao tỉnh nhà.

Lê Minh