Môn thể thao Đá lợn không chỉ là trò chơi dân gian mang đậm tính giải trí mà còn là một sân khấu thể hiện sự khéo léo, sức mạnh, tinh thần thượng võ của người Lô Lô. Đây là "cuộc đối đầu" giữa lợn rừng và các thợ săn, người thợ săn cần có những kỹ thuật khéo léo trong né tránh, như: Nhảy về phía trước; nhảy về phía sau; nhảy sang ngang... Đối với vỗ lợn (kỹ thuật khiêu khích) thì thợ săn cần tiếp cận lợn rừng một cách nhanh chóng, bất ngờ, sau đó vỗ nhẹ vào lưng, vai, mông lợn rừng; động tác này cần thực hiện khéo léo, vừa đủ kích động lợn rừng mà không gây ra thương tích.
Trong thời gian 5 ngày, các học viên sẽ được giảng viên phổ biến một số văn bản, chính sách, quy định của Nhà nước về công tác thể dục thể thao và bảo tồn, phát triển các môn thể thao dân tộc; giới thiệu về nguồn gốc, quá trình hình thành môn Đá lợn; ý nghĩa, tác dụng của việc tập luyện, biểu diễn môn Đá lợn; thực hành các kỹ thuật cơ bản môn Đá lợn; cách thức tổ chức thi đấu môn Đá lợn; hướng dẫn xây dựng và phát triển mô hình đội, nhóm thể thao, câu lạc bộ Đá lợn của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch.