Ở buổi thi đấu sáng 12/11, tâm điểm được tập trung vào cự ly 5.000m nữ - nơi có sự xuất hiện của Nguyễn Thị Oanh (Bắc Giang) và hàng loạt chân chạy hàng đầu Việt Nam, gồm: Lê Thị Tuyết (Phú Yên), Phạm Thị Hồng Lệ (Bình Định), Bùi Thị Thu Hà (Thanh Hóa) và Hoàng Thị Ngọc Hoa (Bình Phước).
Trong đó, Lê Thị Tuyết được đánh giá đối thủ đáng gờm nhất và thực tế chân chạy gốc Phú Yên đã dẫn đàn chị Nguyễn Thị Oanh ở một số vòng đấu. Tuy nhiên, đẳng cấp cùng kinh nghiệm và thể lực tuyệt vời của Nguyễn Thị Oanh đã thể hiện đúng lúc.
Với tốc độ ổn định và màn bứt tốc mạnh mẽ ở cuối cuộc đua, Nguyễn Thị Oanh đã cán đích đầu tiên với thông số 16 phút 17 giây 14 qua đó giành huy chương vàng, bỏ xa người về nhì là Lê Thị Tuyết với thành tích 16 phút 26 giây 34, còn Hồng Lệ về thứ ba với thông số 16 phút 51 giây 47.
Chiến thắng của Nguyễn Thị Oanh đã được giới chuyên môn dự báo bởi cô đang giữ kỷ lục quốc gia nội dung này với thông số 15 phút 53 giây 48. Như vậy, sau tấm huy chương vàng ở cự ly 1.500m nữ, Nguyễn Thị Oanh đã hoàn tất cú đúp tại giải. Chân chạy sinh năm 1995 còn thi đấu nội dung 3.000m vượt chướng ngại vật tại giải.
Nguyễn Thị Oanh chia sẻ với giới truyền thông sau khi về đích: "Đây là kết quả xứng đáng với sự chuẩn bị của tôi và đội Bắc Giang. Chiến thắng này giúp tôi có tâm lý tốt để tiếp tục thi đấu nội dung 3.000m chướng ngại vật. Năm 2025 có nhiều giải quan trọng, tôi sẽ cố gắng hoàn thành các mục tiêu".
Ở chung kết nội dung tiếp sức 4x100m hỗn hợp nam nữ, đoàn Hà Nội tiếp tục thể hiện sức mạnh vượt trội ở các nội dung chạy tiếp sức. Với đội hình gồm: Kiên - Hạnh - Quyết - Huệ, các chân chạy thủ đô đã áp đảo trên đường chạy để cán đích đầu tiên với thông số 42 giây 76.
Trong khi đó, đoàn thành phố Hồ Chí Minh dù có trong đội hình nhà tân vô địch 100m nữ - Hà Thị Thu - vẫn phải chấp nhận vị trí thứ hai giành huy chương bạc với thông số 43 giây 00. Còn đoàn Quân đội giành huy chương đồng với thông số 43 giây 07.
Đáng chú ý, ở phần thi chung kết 400m rào nam đã tìm ra nhà vô địch sau hơn 1 thập kỷ khi Quách Công Lịch không thể thi đấu vì chấn thương còn đương kim vô địch Nguyễn Đức Sơn đã phạm quy và bị loại.
Và với thông số khá tốt 51 giây 61, Lê Quốc Huy của Quảng Nam đã giành tấm huy chương vàng. Xếp thứ nhì là Thanh Toàn với thành tích 52 giây 91 và Trung Quốc xếp thứ ba với thành tích 53 giây 04.
Sau khi giành huy chương đồng ở cự ly 400m, Quách Thị Lan (Thanh Hóa) đã mang về tấm huy chương vàng đầu tiên ở giải năm nay.
Đối mặt đàn em Nguyễn Thị Ngọc vừa đánh bại chính mình ở cự ly 400m, Quách Thị Lan đã cho thấy bản lĩnh và kinh nghiệm "đánh rào" hơn hẳn đối thủ. Chung cuộc, Quách Thị Lan có tấm huy chương vàng nội dung 400m rào nữ với với thông số 56 giây 71, còn Nguyễn Thị Ngọc giành huy chương bạc với thành tích 58 giây 95 và Hà Ngọc Trâm giành huy chơng đồng với thành tích 1 phút 1,78 giây.
Ở phần thi chung kết 4x400m hỗn hợp nam nữ, bộ tứ Quang - Hằng - Lâm - Hạnh tỏ ra quá mạnh, dù Hà Tĩnh cũng tung ra đội hình gồm 3 tuyển thủ quốc gia và 2 trong số đó đã giành huy chương vàng cự ly 400m nam, nữ năm nay là Ngọc Phúc - Nguyễn Ngọc.
Chung cuộc, đội hình 4x400m nam nữ của đoàn Hà Nội cán đích đầu tiên với thông số 3 phút 21 giây 05, trong khi Hà Tĩnh có huy chương bạc với thành tích 3 phút 25 giây 58.
Trong ngày, vận động viên kỳ cựu Lê Thị Cẩm Dung đã có cú ném đĩa xuất thần để giành tấm huy chương vàng với thành tích 50m15. Với thành tích này, Cẩm Dung đã phá kỷ lục quốc gia tồn tại từ năm 2016 ở nội dung ném đĩa nữ (kỷ lục cũ 48m 40).
Trước đó, người hâm mộ cũng đã chứng kiến kỷ lục quốc gia ném búa nữ bị phá bởi Nguyễn Thị Yến Linh (Trà Vinh) với thành tích 53m31. Thành tích của cô vượt trội so với 2 vận động viên Mai Thị Yến (48m72) và Huỳnh Thị Ngọc Ly (48m59).
Trong ngày thi đấu trước đó, chỉ diễn ra 2 phần thi dành cho nam - nữ ở nội dung đi bộ 20km vào buổi sáng sớm. Không nằm ngoài dự báo, "chị em đi bộ" Nguyễn Thanh Phúc - Nguyễn Thành Ngưng thay nhau cán đích đầu tiên mà không gặp nhiều thách thức.
Ở nội dung đi bộ 20km nữ, Thanh Phúc giành tấm huy chương vàng với thông số 1 giờ 42 phút 31 giây, xếp thứ nhì là Thái Kim Ngân đạt thông số 1 giờ 45 phút 43 giây.
Trên đường đua của nam, Thành Ngưng cũng cán đích sớm nhất để giành huy chơng vàng với thông số 1 giờ 32 phút 29 giây, còn đối Võ Xuân Vĩnh giành huy chương bạc với thông số 1 giờ 36 phút 20 giây.
Sau 4 ngày thi đấu, đoàn Hà Nội tiếp tục tạm dẫn đầu trên Bảng tổng sắp huy chương với 7 huy chương vàng, 4 huy chương bạc, 4 huy chương đồng; Xếp thứ nhì là đoàn Quân đội với 5 huy chương vàng, 3 huy chương bạc, 5 huy chương đồng; Xếp thứ ba là đoàn thành phố Hồ Chí Minh với 4 huy chương vàng, 3 huy chương bạc và 1 huy chương đồng.
Giải Điền kinh vô địch quốc gia 2024 diễn ra từ ngày 9 đến 13/11 tại sân vận động Đồng Nai. Giải đấu quy tụ 52 đơn vị tỉnh, thành, ngành với hơn 500 vận động viên nam, nữ tham dự. Các vận động viên sẽ tranh tài ở 50 nội dung chính (nam, nữ, tiếp sức và tiếp sức hỗn hợp nam nữ).